Phá án thời 4.0: Công nghệ “quét sạch” tội phạm

Hiện nay, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã hỗ trợ lực lượng cảnh sát và giới điều tra rất nhiều trong cuộc chiến chống lại nhiều loại tội phạm với thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó lường.

Trên thực tế, một số công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong điều tra phá án, như đội ngũ người máy cảnh sát, và các thiết bị truy bắt nghi phạm sử dụng định vị hay cảm biến theo dõi não bộ. 

Trong khi đó, kỹ thuật 3D đang phát huy tác dụng trong công tác pháp y hay tái tạo hiện trường, cùng với công nghệ nhận diện khuôn mặt có thể phân tích hàng triệu dữ liệu thông qua hệ thống camera theo dõi được bố trí ở khắp nơi.

Nhận diện dễ dàng

Công nghệ hỗ trợ phá án đã tiến một bước rất xa với hệ thống camera theo dõi tại nơi công cộng (CCTV), có thể “đánh hơi” và “chỉ điểm” kẻ tình nghi trong đám đông. Hiện nay, Trung Quốc đang xây dựng hệ thống camera theo dõi lớn nhất thế giới, với khoảng 170 triệu chiếc CCTV đang vận hành. 

Trong khi đó, dự án Indect phát triển mạng lưới CCTV toàn cầu do Liên minh châu  Âu (EU) tài trợ được thiết kế để quét hệ thống dữ liệu nhằm tìm kiếm hành vi phạm tội, và thậm chí có thể đoán trước những hành động phạm pháp thông qua việc phân tích các đoạn băng ghi hình CCTV trong các cuộc điều tra. 

Đạn GPS cho phép theo dấu kẻ tình nghi đang trên đường chạy trốn.

CCTV ngày càng được nâng tầm khi Hãng điện tử Hitachi (Nhật Bản) đang thử nghiệm hệ thống camera CCTV thông minh, có thể nhận dạng bất cứ người nào lọt vào vòng quan sát của nó, trong khi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nghiên cứu các máy quay nhạy đến nỗi có thể kiểm tra được mạch đập của những người lướt qua.

Thiết bị của MIT còn có thể được sử dụng để theo dõi những nghi phạm đang chờ thẩm vấn, và quan sát mọi chuyển động dù nhỏ nhất của các cơ mắt, hoặc cử chỉ biểu hiện sự do dự của kẻ tình nghi. 

Những CCTV kiểu này liên tục theo dõi sự biến thiên của các điểm ảnh trên khung hình và từ đó khuếch đại những thay đổi, phát hiện dấu hiệu bất thường ở bất cứ người nào. 

Có thể nói, công tác điều tra phá án sẽ thu được rất nhiều ích lợi từ CCTV, vốn được hỗ trợ bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến. Đây là công nghệ có thể hoạt động ở khoảng cách xa, không phải tiếp xúc trực tiếp với bất kì hệ thống bảo mật nào (kể cả máy quét vân tay). 

Hệ thống nhận diện khuôn mặt hoạt động bằng cách tạo ra một bản thiết kế các dạng khuôn mặt khác nhau sử dụng cho mục đích xác thực. Điều này được thực hiện bằng cách chụp lại bằng camera, sau đó đo khoảng cách trên gương mặt, được gọi là các điểm nút, bao gồm giữa mắt và chiều rộng của mũi. 

Sự chính xác đến kinh ngạc của công nghệ này được chú ý khi CCTV giúp cảnh sát Trung Quốc bắt một nghi phạm lẩn trốn trong số 60 nghìn người tham dự một buổi biểu diễn hòa nhạc.

Truy bắt nhanh chóng

Nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác nhận diện, bên cạnh CCTV, cảnh sát có thể được trang bị thêm “siêu kính” có khả năng phát hiện tội phạm tại chỗ và mũ “nói thật”. 

Công ty Meta (Mỹ) vừa trình làng kính MetaPro, với tầm nhìn rộng cho phép hiển thị thông tin phát hiện tội phạm trong đám đông, hoặc vạch ra những tuyến đường đào tẩu mà nghi phạm có thể chạy trốn. Sản phẩm đi kèm với mũ đọc suy nghĩ, cho phép kiểm tra tính chân thật của nghi phạm trong quá trình lấy lời khai. 

Thiết bị độc đáo này chứa nhiều cảm biến theo dõi hoạt động não bộ thông qua các đợt quét điện não từ (EEG). Bằng cách phóng các hình ảnh chụp tại hiện trường vụ án trước mắt người đội, chiếc mũ dựa vào các dữ liệu thu thập được tại hàng triệu điểm của não bộ cùng thuật toán “bạn hay thù” để nhận diện.

Công nghệ càng tỏ ra hữu ích cho quá trình truy bắt tội phạm nhờ ý tưởng đạn định vị (GPS) nhằm giảm thiểu rủi ro bắn nhầm người vô tội và tăng tính hiệu quả trong rượt đuổi tốc độ cao. Đây thực chất là một thiết bị GPS cực nhỏ, được bắn về phía đối tượng đang tháo chạy, từ đó theo dõi và báo cáo lại địa điểm của nghi phạm tới những nhân viên cảnh sát trong khu vực lân cận. 

Một khi các thiết bị GPS này được gắn vào mục tiêu, cảnh sát sẽ nhận được cảnh báo mỗi 3 -5 giây, hoàn toàn trong im lặng để đánh lạc hướng nghi phạm. Khi tiếp cận đối tượng, cảnh sát có thể sử dụng còng tay công nghệ cao để khống chế.

Hệ thống CCTV được hỗ trợ bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến có thể xác định chính xác nghi phạm thông qua các điểm nút giữa mắt và chiều rộng của mũi.

Phiên bản còng tay mới hứa hẹn không chỉ giúp kiểm soát mà còn có thể tạo ra xung điện (nếu cần thiết) với cường độ dao động từ 20 nghìn đến 150.000V, kéo dài trong khoảng 10 giây, khiến nghi phạm... bất lực.

Trong quá trình truy bắt, một vấn đề nảy sinh là nhiều nhân viên cảnh sát dễ gặp phải những chấn thương nghiêm trọng trong cuộc chiến với tội phạm, khiến họ bị tàn phế hoặc phải bỏ mạng. Để phá bỏ rào cản này, cũng như đảm bảo sự an toàn cho cảnh sát, hệ thống người máy cảnh sát (Robocop) ra đời. 

Chính phủ Mỹ đang dẫn đầu trào lưu mới, và đơn vị nghiên cứu quốc phòng DARPA vừa tổ chức sự kiện “người sắt”, trong đó các robot hình người trình diễn các động tác đi, đứng, chạy và nhảy để vượt qua các chướng ngại vật trên đường.

Hiện nay, các phòng thí nghiệm đang nghiên cứu Robocop kết hợp giữa công nghệ robot với do thám, với hi vọng người máy sẽ tạo nên khác biệt lớn trong lĩnh vực theo dõi và lần theo dấu vết kẻ phạm tội, cũng như trong những trường hợp đụng độ trực tiếp. 

Tại Thung lũng Silicon, hàng chục công ty đang phát triển robot đa năng, từ hỗ trợ cảnh sát và binh lính vận chuyển vũ khí đến máy bay tự hành đảm nhiệm chức năng do thám, dễ dàng được triển khai trong trường hợp nổ ra các cuộc đụng độ trên đường phố, hoặc lướt qua các đám đông để truy bắt tội phạm.

Pháp y và hiện trường

Một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn trong việc điều tra tội phạm liên quan đến pháp y. Khám nghiệm tử thi là một phần của những cuộc điều tra, đặc biệt trong những vụ án liên quan đến giết người hoặc tự tử. Tuy nhiên, không phải lúc nào cảnh sát cũng có thể tự do khám nghiệm người đã chết, nhất là trong trường hợp liên quan đến tôn giáo. 

Trong bối cảnh này, khám nghiệm tử thi ảo ra đời, kết hợp giữa chụp CT và MRI sẽ tạo ra một hình ảnh 3D của cơ thể, giúp các bác sĩ “mổ xẻ” qua máy tính mà không cần tác động lên cơ thể. Công nghệ 3D cũng vô cùng hữu ích trong quá trình xác định danh tính của một xác chết thông qua hộp sọ, với sự xuất hiện của phần mềm 3D-ID. 

Phần mềm này so sánh hộp sọ với cơ sở dữ liệu được lưu trữ trong phần mềm, sẽ giúp các nhà điều tra xác định được người thân và giới tính của xác chết đó.

Chưa dừng lại ở đó, công nghệ quét laze 3D đã được thử nghiệm thành công và đưa vào ứng dụng trong kỹ thuật hình sự. 

Theo đó, hiện trường các vụ án, hình ảnh về đối tượng hay vật chứng sẽ được chụp và quét theo công nghệ laze tạo nên một cơ sở dữ liệu đa chiều giúp lưu trữ và tái dựng sự thật về vụ án một cách trung thực, chi tiết và rõ nét nhất để giúp thực nghiệm điều tra hoặc đưa ra các giả thuyết, kết luận điều tra về sau.

Khám nghiệm tử thi 3D nhờ chụp CT và MRI cho phép các bác sĩ “mổ xẻ” qua máy tính.

Để thực hiện kỹ thuật này, cảnh sát chỉ cần những thiết bị ứng dụng công nghệ laze rất nhỏ như máy ảnh hay máy quét, có thể cầm tay và vận hành một cách dễ dàng. 

Phạm vi quét lên đến 70m, bao quát một hiện trường rất rộng với hàng triệu điểm ảnh được ghi chỉ trong 1 giây. Trong vòng 5 phút, kỹ thuật này có thể ghi lại toàn bộ hình ảnh màu sắc 3D của hiện trường vụ án rộng bằng một sân bóng đá mini.

Nhìn chung, trong thời đại hiện nay, khi công nghệ đang đổi thay từng ngày thì việc ứng dụng sự thay đổi đó vào cuộc sống cũng hết sức linh hoạt. 

Sự phát triển của khoa học công nghệ, tuy làm phát sinh nhiều loại tội phạm mới, nhưng lại là cơ hội đối với lực lượng cảnh sát, mang lại những tiện ích trong quá trình điều tra, khám phá vụ án. Giới quan sát cho rằng, với kỷ nguyên 4.0 ngập tràn ý tưởng, công nghệ sẽ giúp “quét sạch” mọi dấu hiệu phạm tội, từ đó tạo nên một tương lai không tội phạm.

Nguồn: conganthanhhoa.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu