Bộ Chính trị có quy định mới về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Dùng tình cảm không trong sáng mua chuộc sự ủng hộ được xác định là hành vi chạy chức.

Tài liệu đính kèm: Tải về
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.  Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

 

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ngày 6-7 đã ký ban hành Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định số 69 thay thế Quy định số 07 ngày 28-8-2018 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 ngày 15-11-2017 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định có 4 chương với 58 điều.

Quy định 69 áp dụng với tổ chức đảng (gồm cả tổ chức đảng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, đã giải thể, thay đổi do chuyển giao, chia tách, sáp nhập) và đảng viên (gồm cả đảng viên bị tuyên bố mất tích, đảng viên đã qua đời nhưng có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Theo quy định, một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần.

Kỷ luật tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan để kỷ luật với đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.

Đảng viên trong tổ chức đảng bị kỷ luật phải chịu trách nhiệm về nội dung vi phạm, hình thức kỷ luật của tổ chức đảng đó và phải ghi vào lý lịch đảng viên; đảng viên không bị kỷ luật về cá nhân vẫn được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thực hiện công tác cán bộ theo quy định. Đảng viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến vi phạm của tổ chức đảng cũng phải ghi rõ vào lý lịch đảng viên.

Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử phạt của pháp luật. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước, đoàn thể.

Quy định 69 cũng nêu rõ nguyên tắc, Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời gian đảng viên đang bị xem xét xử lý kỷ luật thì không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đó.

Quy định mới của Bộ Chính trị quy định rõ các hành vi vi phạm, tương ứng là các hình thức kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên. Một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định kỷ luật với đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định cũng nêu rõ, vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại không lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác.

Theo Quy định 69, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách:

- Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn.

- Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân mà gây hậu quả ít nghiêm trọng thì bị kỷ luật khiển trách.

- Đặt điều kiện, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

- Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.

- Can thiệp, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo mục đích cá nhân.

- Trì hoãn, không thực hiện hoặc chọn thời điểm có lợi với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Trường hợp đã kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

- Không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực này.

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực trong đánh giá cán bộ, bố trí, bổ nhiệm cán bộ, bầu cử; quyết định không đúng cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi trái quy định.

- Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

- Thiếu trách nhiệm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ hoặc không kiến nghị, xem xét xử lý theo quy định đối với hành vi tiêu cực này.

- Bao che, không xử lý, không giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tiêu cực trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ.

- Tặng, nhận quà biếu cho người có trách nhiệm hoặc người có liên quan quyết định đến việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật.

Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Đáng chú ý Quy định nêu rõ việc chạy chức, chạy quyền là các hành vi tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất khác, dùng tình cảm nam nữ không trong sáng nhằm mua chuộc, tạo sự ủng hộ của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người liên quan để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi cho mình hoặc người khác

Tác giả: Ban Biên tập Cổng TTĐT
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu