Bản tin An toàn giao thông số 21

BẢN TIN AN TOÀN GIAO THÔNG

(Từ ngày 16/10/2019 đến ngày 31/10/2019 )

I. MỘT SỐ TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN.

Thời gian vừa qua Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt nhiều giải pháp công tác đảm bảo TTATGT, góp phần kiềm chế TNGT, làm giảm vi phạm. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đáng chú ý ở các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ tình trạng xe ôtô vận chuyển hàng hóa vi phạm TTATGT như chở quá tải, quá khổ, chở hàng để rơi vãi… diễn biến phức tạp, tình trạng vi phạm của xe môtô, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, người điều khiển không có GPLX, chở quá số người quy định, lạng lách đánh võng trên đường còn diễn ra nhiều là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT hiện nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn hạn chế. Trước tình hình trên để đảm bảo tình hình TTATGT, làm giảm TNGT trên địa bàn toàn tỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về TTATGT đề nghị Công an các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai tối đa lực lượng, phương tiện thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xe loa lưu động để phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT và cảnh báo tai nạn, ùn tắc giao.

Đặc biệt là vào cuối năm, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao. Để ổn định tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh trọng tâm là Kế hoạch số 284/KH-CAT-PV01 ngày 29/9/2019 của Giám đốc Công an tỉnh về “Tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ” trong đó tập trung xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn, các vi phạm đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không có GPLX, nhất là học sinh vi phạm TTATGT trên địa bàn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Không để vi phạm nổi cộm, đảm bảo TTATGT ổn định trên địa bàn, kiềm chế và làm giảm TNGT, không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng Công an các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Thiết lập ý thức tự giác chấp hành quy định của pháp luật đối với chủ xe, lái xe vận tải hàng hóa, hành khách và người điều khiển xe mô tô khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiểm soát chặt tải trọng, kích thước thành thùng hàng và hoạt động vận tải hành khách, không để xảy ra vi phạm nổi cộm, ngăn ngừa các nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, thảm khốc trên địa bàn.

- Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của CBCS trong việc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an tỉnh, CBCS khi thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, điều lệnh CAND, quy trình công tác, nghiêm cấm CBCS lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, sách nhiễu, gây phiền hà, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; dừng phương tiện nhưng không kiểm soát, xử lý vi phạm.

II. TÌNH HÌNH TTATGT.

1.Tình hình TNGT đường bộ:

Tình hình tai nạn giao thông trong tỉnh xảy ra 18 vụ, làm chết 18 người, bị thương 05 người. Địa bàn xảy ra tai nạn đó là:

- Tĩnh Gia: Xảy ra 06 vụ, làm chết 06 người, bị thương 03 người.

- TP. Thanh Hóa: Xảy ra 05 vụ, làm chết 05 người.

- Hoằng Hóa: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người, bị thương 01 người.

- Hậu Lộc: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người, bị thương 01 người.

- Cẩm Thủy: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Bá Thước: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Vĩnh Lộc: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Ngọc Lặc: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Nông Cống: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

Các vụ tai nạn giao thông xảy ra tập trung trên các tuyến: Đường nội thị, đường tỉnh lộ, đường liên xã, QL45, QL1A, QL47... Đối tượng gây tai nạn là người điều khiển xe ôtô, môtô, xe máy điện, người bộ hành. Nguyên nhân của các vụ TNGT trên là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, vượt xe không đúng quy định.

* Điển hình như vụ tai nạn xảy ra ngày 18/10/2019 tại Km 371+990 đường QL1A, thuộc địa phận thôn Hữu Lộc, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Hồi 20h40’, ngày 18/10/2019 tại Km 371+990 đường QL1A, thuộc địa phận thôn Hữu Lộc, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe mô tô BKS: 36B4-671.05 do Trịnh Văn Phúc, SN: 1992, thường trú tại thôn Tân Thành, xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia điều khiển chạy hướng Bắc – Nam đâm va với xe máy điện BKS: 36MĐ3-033.44 do Hoàng Thị Ngân, SN: 1964, thường trú tại thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia điều khiển chở phía sau là Phạm Thị Linh, SN: 1972, thường trú tại thôn Đại Thủy, xã Trúc Lâm, huyện Tĩnh Gia .

Hậu quả:

  • + Hoàng Thị Ngân chết tại hiện trường.
  • + Phạm Thị Linh bị thương.

Nguyên nhân: Đang điều tra làm rõ.

2. Tình hình TNGT đường sắt: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

Hồi 17h49 ngày 29/10/2019 tại Km 149+400 khu gian Đò Lèn - Bỉm Sơn thuộc địa phận Tiểu khu 6, TT. Hà Trung xảy ra vụ TNGT đường sắt giữa xe ô tô BKS: 36A-449.25 do Bùi Ngọc Tấn, SN 1963 ở Tiểu khu 6, TT Hà Trung chạy hướng QL1A đi vào khu phố Phan Đình Giót thuộc Tiểu khu 6, TT Hà Trung va chạm với tàu SE9 do Nguyễn Đức Hòa lái tàu chạy hướng Bắc - Nam.

Hậu quả:

+ Ông Tấn chết tại bệnh viện

+ Xe ô tô hư hỏng.

Nguyên nhân: Người điều khiển xe ô tô BKS: 36A-449.25 không chấp hành tín hiệu đèn.

3. Tình hình TNGT đường thủy: Không xảy ra.

III. CÔNG TÁC TTKS, XỬ LÝ VI PHẠM TTATGT:

- Lực lượng CSGT - CSTT - CĐ toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 4.192 t/h vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 5.690.220.000đ. Trong đó:

+ Đường bộ: Xử lý lập biên bản 4.167 t/h (1.288 t/h xe ôtô, 2.811 t/h xe mô tô, 49 xe máy điện, 25 phương tiện khác); phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 5.655.320.000đ (Năm tỉ, sáu trăm năm lăm triệu, ba trăm hai mươi nghìn đồng); tạm giữ 662 phương tiện (130 t/h ôtô, 503 t/h môtô, 29 phương tiện khác); tước GPLX, KĐ 271 trường hợp.

+ Đường thủy: Xử lý lập biên bản 19 t/h; phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 34.900.000đ.

* Trích nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 25/6/2016:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

* Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với các hành vi…

- Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách…(Điểm k Khoản 3 Điều 6)

- Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính (Điểm o Khoản 3 Điều 6)

* Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng…

- Không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông (Điểm c Khoản 4 Điều 6).

- Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiên xe đi qua hè phố để vào nhà (Điểm g Khoản 4 Điều 6)

Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn.

* Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Trong trường hợp gây ra tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng GPLX từ 02 đến 04 tháng.

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX từ 03 tháng đến 05 tháng.

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX từ 04 tháng đến 06 tháng.

* Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.

Đối với hành vi điều khiển xe ô tô vi phạm tải trọng:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng) và trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng (Điểm a Khoản 2 Điều 24).

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 30% đến 50% (Điểm a Khoản 5 Điều 24).

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100% (Khoản 5 Điều 24).

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100% đến 150% (Khoản 7 Điều 24).

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi sau: Điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150% (Khoản 8 Điều 24).

- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi sau: Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe hoặc tự ý lắp thêm, tháo bớt ghế, giường nằm (đối với xe ô tô chở khách) không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe (Điểm a Khoản 9 Điều 30).

Đề nghị Công an các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Bản tin này kết hợp với tình hình TTATGT, vi phạm, TNGT trên địa bàn quản lý tiến hành biên tập xây dựng Bản tin ATGT và phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thanh địa phương, hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở để tuyên truyền./.

Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: Phòng CSGT Thanh Hoá
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu