Hội nghị tổng kết 2 Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020” và Đề án 2 “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” giai đoạn 2017 – 2020

Chiều 23/3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020 và Đề án phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chủ trì Hội nghị.

Tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Thiếu tướng Trần Phú Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo các phòng chức năng Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Công an Thanh Hóa

 

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2020, ngày 08/6/2017, Bộ trưởng Bộ Công an đã phê duyệt Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020”. Căn cứ vào các tiêu chí xác định địa bàn và thực tế tình hình an ninh trật tự của địa phương, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành rà soát và đề xuất Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố quyết định lựa chọn 1.951 lượt xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về TTATXH để thực hiện các giải pháp chuyển hóa địa bàn.

Qua 3 năm thực hiện Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội đến năm 2020” công tác chuyển hóa địa bàn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành nhiều chủ trương, kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương. Cùng với đó, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã, từ đó từng bước củng cố, tăng cường năng lực của lực lượng Công an ở cơ sở để triển khai các giải pháp trong Đề án chuyển hóa địa bàn.

Qúa trình thực hiện Công an các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường phối hợp, hỗ trợ Công an cấp xã tiến hành công tác nghiệp vụ cơ bản, rà soát lên danh sách đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội, đối tượng nghiện, các băng, nhóm, các điểm, tụ điểm, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về ANTT để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở gắn với phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc với nhiều mô hình phát huy hiệu quả tích cực trong công tác bảo đảm ANTT, như mô hình “Camera giám sát gắn với công tác bảo đảm ANTT”, “Cảm hóa giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”.. . Lực lượng Công an các tỉnh, thành phố đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ...góp phần giữ vững ANTT tại những địa bàn được lựa chọn chuyển hóa.

Tỷ lệ địa bàn chuyển hóa đạt sau 3 năm chiếm 64,38% tổng số địa bàn lựa chọn. Việc thực hiện hiệu quả công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH đã góp phần tạo chuyển biến về ANTT tại các địa phương, kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự trong năm.

Thực hiện Đề án 2 “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” giai đoạn 2017 – 2020, sau 3 năm thực hiện Đề án, các đơn vị, địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Bộ Công an và Ban chủ nhiệm Đề án, lồng ghép với việc thực hiện các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm. Lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Trong đó, đã chủ động phối hợp, xác lập đấu tranh hiệu quả nhiều chuyên án, vụ án lớn; triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm, tạo thế trận đồng loạt tấn công, trấn áp tội phạm.

Trên cơ sở đó, tội phạm về hình sự được kiềm chế, số vụ năm sau giảm liên tục so với năm trước, đặc biệt năm 2019 giảm 7,39%, năm 2020 giảm 5,43%. Tỷ lệ điều tra, khám phá trên 80%, liên tục tăng qua các năm. Tỷ lệ tội phạm về kinh tế, ma túy, môi trường được phát hiện, xử lý ngày càng cao. Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây, băng nhóm tội phạm hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái với quy mô lớn, xuyên quốc gia. Triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, Ban Chỉ đạo 138 và Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung thảo luận về đánh giá thực trạng tình hình, kết quả thực hiện 2 đề án trong thời gian qua; đi sâu phân tích các giải pháp, cách làm cụ thể, sáng tạo trong việc thực hiện các đề án. Nêu rõ những việc làm được, chưa làm được, khó khăn, vướng mắc và rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực hiện các đề án; những kiến nghị đề xuất, đặc biệt là tham mưu, hiến kế cho lãnh đạo Bộ Công an các chủ trương, giải pháp mới, đột phá để thực hiện có hiệu quả 2 đề án này trong giai đoạn tiếp theo… 

Thứ trưởng Lê Qúy Vương dự và phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Bộ Công an

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Qúy Vương ghi nhận, biểu dương những thành tích của lực lượng Công an, các ngành, các cấp, đơn vị địa phương đã đạt được trong việc thực hiện 2 đề án thời gian qua.

Thời gian tới, để làm tốt 2 đề án, Thứ trưởng Lê Qúy Vương đề nghị, Công an các địa phương nhanh chóng xây dựng, triển khai kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức giai đoạn 2021 – 2025; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch, kiên quyết không để tội phạm hoạt động lộng hành theo kiểu “xã hội đen”. 

Thứ trưởng Lê Qúy Vương nhắc lại quán triệt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an: Nơi nào còn để các băng nhóm tội phạm hoạt động phức tạp, gây dư luận xấu thì lực lượng Công an nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Thủ trưởng đơn vị Công an nơi đó phải chịu trách nhiệm; tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản. 

Đồng chỉ Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, trong hợp tác quốc tế, đây là yêu cầu tất yếu phải tăng cường trong bối cảnh hội nhập và tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia hiện nay. Hợp tác quốc tế để ngăn chặn từ xa tội phạm “xã hội đen”, ma-phi-a, tội phạm là người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động…

Đối với công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, Thứ trưởng Lê Qúy Vương nêu rõ, Công an các đơn vị, địa phương phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Công an; chủ động tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, kịp thời phát hiện, điều tra xử lý các loại tội phạm, nhất là các vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
 

Tác giả: Văn Thiện
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu