Chuyện kể về những người hoàn lương

...Vì nhiều lý do khác nhau nên họ đã phạm tội và phải trả giá cho những lỗi lầm của mình. Để rồi sau đó, khi mãn hạn tù trở về tái hòa nhập cộng đồng, họ quyết tâm làm lại cuộc đời và trở thành những công dân tốt, những tấm gương tiêu biểu điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngay tại địa bàn nơi họ sinh sống.

Quá khứ lầm lỗi

Nếu không được giới thiệu trước, tôi không thể nghĩ rằng: Nguyễn Văn B., sinh năm 1983, thôn Vân Yên, xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung đã từng phạm tội ...“giết người”. Bởi, ngồi trước mặt tôi là một Nguyễn Văn B, với khuôn mặt hiền lành, chân chất của người nông dân chân lấm, tay bùn. Giọng trầm buồn, pha chút ngượng ngùng, B cho tôi biết: Do thiếu hiểu biết về pháp luật, cộng với tính bồng bột và hiếu thắng của tuổi trẻ nên chỉ một xích mích nhỏ xảy ra tại đám cưới ở làng cách đây 20 năm về trước, tôi và 2 thanh niên cùng làng đã lỡ tay ngộ sát, khiến nam thanh niên ở làng khác tử vong vào năm 2002. Sau vụ ngộ sát, tôi rất sợ và hối hận nhưng đã quá muộn. Tôi phải trả giá cho lỗi lầm của mình, với án phạt  12 năm tù giam và thụ án tại Trại giam Thanh Phong, huyện Nông Cống.

Cũng vì thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi có một nhóm người ở địa phương khác đến nhà bác của mình gây rối, Đỗ Văn Đ, thôn Đại Sơn, xã Lĩnh Toại không ngần ngại gọi nhóm bạn của mình đến hỗ trợ. Do cả 2 bên không nói chuyện, dàn xếp với nhau mà giải quyết với nhau bằng vụ xô xát, trong lúc phòng vệ, Đ vô tình làm đối tượng Phạm Văn Trung, địa chỉ thường trú tại thị trấn Hà Trung bị thương vào đầu và chân với kết quả giám định thương tật mất 15% sức khỏe. Với tội danh đánh người gây thương tích, Đỗ Văn Đ phải lĩnh án 2,5 năm tù và thụ án tại Trại giam số 5, huyện Yên Định từ ngày 19/5/2017.

...Và quyết tâm làm lại cuộc đời

Dù phạm tội ở trong trường hợp nào nhưng khi bị bắt cả B và Đ đều có chung tâm trạng chán nản, suy sụp khi mới bước chân vào Trại. Tuy nhiên, nhờ được giáo dục và sự động viên, khích lệ kịp thời của Ban Giám thị các trại giam đã giúp họ có thêm động lực quyết tâm làm lại cuộc đời bằng cách cố gắng cải tạo tốt. Vì vậy, cả B và Đ đều được giảm án và tha tù trước thời hạn. Bước chân ra khỏi nhà giam, họ vui mừng khôn xiết, song khi trở về gia đình và tái hòa nhập cộng đồng, họ không tránh khỏi  kinh tế gia đình khó khăn trong khi tìm kiếm việc làm không hề đơn giản... là những rào cản trên con đường hoàn lương của họ.  

Trong tình cảnh đó, gia đình, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là lực lượng Công an luôn theo sát, động viên, khích lệ giúp họ quên đi mặc cảm, tự ty quyết tâm làm lại cuộc đời. Từ một phạm nhân, sau thời gian hòa nhập cộng đồng cả B và Đ đã trở thành công dân tốt, thậm chí họ còn là gương điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, địa phương. 

Anh Đỗ Văn Đ. bên tác phẩm gỗ của mình
 

Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách 50 triệu đồng cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất, số tiền gom góp của người thân và sẵn có kinh nghiệm, tay nghề chạm khắc gỗ trong thời gian thụ án tại Trại giam số 5, Yên Định, Đ quyết định thuê và mở cơ sở chạm khắc tượng tại xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa). Theo Đ, thời gian đầu khi mới mở cơ sở, việc làm ăn của anh cũng không mấy thuận lợi vì nguồn vốn có hạn. Hơn nữa, khách hàng còn e dè, chưa tin tưởng về tay nghề cũng như tư cách của anh nên khách chủ yếu là người thân và anh em dòng họ. Thấy sản phẩm tự tay anh làm chủ yếu là tượng di lặc, thần tài... chạm trổ tinh xảo, sắc nét và có hồn nên lượng khách hàng đến mua và đặt hàng của anh ngày càng nhiều hơn. Ngoài làm nghề mộc, Đ còn đầu tư mua thêm 1 xe ô tô 4 chỗ để kinh doanh xe hoa phục vụ đám cưới, chạy xe dịch vụ khi trong thôn, trong xã và vùng lân cận có nhu cầu và mở thêm một quán nước giải khát ngay tại nhà. 

Từ nguồn vốn ban đầu ít ỏi khi lập nghiệp, đến nay sau hơn 2 năm kinh doanh nghề mộc và dịch vụ vận tải, nước giải khát, nguồn vốn mà Đ tích lũy được gần 1 tỷ đồng. 

Con đường khởi nghiệp của Nguyễn Văn B lại bắt đầu từ nghề lái xe tải thuê. B cho biết: Sau khi thụ án xong về quê, B học nghề lái xe và có 4 năm làm nghề. Đầu tiên, B lái xe chở hoa quả tuyến Móng Cái – Ninh Bình cho một doanh nghiệp tại tỉnh Ninh Bình. Sau đó về quê chở vật liệu xây dựng (VLXD) cho cơ sở kinh doanh VLXD ngay tại địa phương. Bốn năm làm nghề lái xe tải với thu nhập từ 7 -  8 triệu đồng/tháng, không chỉ giúp B có chút vốn tích lũy mà còn giúp B cọ sát, nhạy bén và năng động trong việc kinh doanh. Vì vậy, năm 2017, cửa hàng kinh doanh VLXD chuyên về nội thất của B được mở ngay tại nhà.  Hơn 5 năm mở của hàng kinh doanh dịch vụ VLXD ngay tại nhà, B đã tích lũy nguồn vốn khoảng 600 – 700 triệu đồng.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng mà tôi đã từng gặp. Dù mỗi con người vượt lên chính mình và làm giàu cho bản thân bằng những cách làm khác nhau, song ở họ đều có cái chung đó là quyết tâm làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, trên bước đường hoàn lương của họ có nhiều gập ghềnh, trở ngại vì rảo cản của định kiến dư luận nên rất cần sự quan tâm hơn nữa từ chính quyền các cấp, ban, ngành chức năng và cộng đồng xã hội. 

Tác giả: Mai Hà
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu