Cấp số định danh cá nhân: Đích đến là phục vụ người dân và doanh nghiệp

Khi Đề án 06 được triển khai, lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt tay ngay vào công việc, với tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ Nhân dân một cách vô điều kiện, kết quả bước đầu đạt được là rất đáng ghi nhận, được Bộ Công an tặng Bằng khen.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030, trong thời gian qua lực lượng Công an Thanh Hóa đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu thập dữ liệu về dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, đồng thời, hỗ trợ công dân mở tài khoản định danh điện tử nhằm số hóa dữ liệu công dân của tỉnh kết nối hệ sinh thái Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, hướng đến phục vụ tốt nhất tiện ích “công dân số” trong chuyển đổi số.

“Trắng đêm” phục vụ Nhân dân

Để hoàn thành nhiệm vụ hết sức nặng nề do Chính phủ và Bộ Công an giao cấp 2,9 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xong trước ngày 1-5-2021, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp thẻ theo tinh thần khẩn trương, nhanh gọn, hiệu quả, đạt yêu cầu, tiến độ đề ra bằng việc đưa các tổ công tác lưu động về từng thôn, bản, ngõ, xóm để phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là quãng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát với những diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ; nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đặt trong trạng thái cách ly, phong tỏa. Nhưng với tinh thần vượt khó, các cán bộ, chiến sĩ Công an được giao nhiệm vụ đã căng mình thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa bảo đảm an ninh, trật tự vừa tham gia chiến dịch cấp CCCD gắn chíp và chống dịch Covid-19.

Mường Lát là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có đường biên giới dài 105,5 km giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào), 95% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế đang còn nhiều khó khăn. Với địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện vật chất thiếu thốn nên chiến dịch làm CCCD gắn chíp thực sự là một thử thách khó khăn đối với Công an huyện Mường Lát. Để đạt được mục tiêu đề ra, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện đã tranh thủ từng giờ, từng phút, làm việc xuyên ngày đêm, kể cả thứ 7, chủ nhật để thu thập hồ sơ cấp CCCD cho Nhân dân.

Công an huyện Mường Lát không quản ngày đêm, tận tụy hướng dẫn và làm thẻ CCCD cho Nhân dân

Là cán bộ nữ, công tác tại một địa bàn khó khăn, nhưng Thượng úy Lê Thanh Nga, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mường Lát đã không quản mọi khó khăn với phương châm “không để ai phải ra về mà chưa làm được CCCD”, vì thế ngay từ khi có chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo đơn vị, Thượng úy Nga cùng anh em trong đội đã tập trung, tranh thủ từng phút, từng giờ để làm thủ tục cho bà con dân bản. Chị cho biết, trong đợt cao điểm, có khoảng thời gian liên tục đơn vị chỉ nghỉ ngơi sau 23 giờ đêm, thậm chí có hôm làm “thông tầm” tới tận 1 - 2 giờ sáng ngày hôm sau. Dù vất vả, lại là phụ nữ nhưng Thượng úy Nga rất lạc quan vì nhiệm vụ, trách nhiệm chung nên chị cũng như anh em trong đơn vị đã tự động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, nhanh nhất, chu đáo nhất.

Thượng úy Dương Văn Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH Công an huyện Mường Lát cũng cho biết thêm, toàn huyện có khoảng 16.000 công dân đủ 14 tuổi trở lên trong diện cấp CCCD, nên ngay sau khi được cấp hệ thống máy và có chỉ đạo của Công an tỉnh, Công an huyện đã thành lập 1 tổ công tác lưu động đến từng bản, 1 tổ cố định tại đơn vị để thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân. “Mường Lát là huyện biên giới xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt đường sá ở đây toàn đồi núi đi lại khó khăn, trình độ nhận thức ở một bộ phận Nhân dân còn hạn chế, hệ thống máy móc hoạt động chưa thông suốt... nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình làm thủ tục cấp CCCD gắn chíp cho công dân. Nhưng với tinh thần làm việc không ngưng nghỉ, chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu đề ra”- Thượng úy Quỳnh chia sẻ.

Với tinh thần vì Nhân dân phục vụ và nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, không chỉ Công an huyện Mường Lát mà toàn lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành một khối lượng công việc “khổng lồ” chưa từng có. Hầu hết các đơn vị được giao nhiệm vụ nhiều tháng “đi sớm về trễ”. Ngoài làm việc tại các địa điểm chính, lực lượng Công an còn tỏa đi các nơi để phục vụ Nhân dân. Có nhiều người cao tuổi, tàn tật, cán bộ Công an phải đưa máy móc tới tận nhà hoặc phối hợp với địa phương chở họ ra địa điểm để làm CCCD.

“Có bắt tay vào việc mới thấy có nhiều “ca khó” dở khóc dở cười xảy ra trong quá trình tiến hành các bước làm CCCD gắn chíp. Trong đó, công đoạn lăn vân tay điện tử, thường gặp nhiều tính huống trục trặc như đổ mồ hôi, mòn vân tay khiến máy không thể nhận được thông tin. Dù rất cố gắng nhưng tình trạng người dân ngồi chờ vẫn diễn ra. Do lượng người đông, khối lượng công việc lớn, trong khi máy móc và sức làm việc của cán bộ có hạn, nhưng được cái người dân vẫn chịu khó chờ đợi, đây thực sự là nguồn động viên lớn cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”- Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, Đội trưởng cấp CCCD Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh chia sẻ.

Cũng theo Trung tá Lê Thị Quỳnh Hương, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Giám đốc, sự sáng tạo trong việc triển khai các cách làm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cùng với tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, chiến sĩ, việc triển khai Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu Bộ Công an giao. Tính đến ngày 19-4-2022, Thanh Hóa đã thu nhận được 2.816.403 hồ sơ; nhận và trả 2.485.367 thẻ CCCD cho công dân; đồng thời thu nhận được 25.928 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Thượng tá Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, để góp phần triển khai hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển, ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, lực lượng Công an sẽ tiếp tục làm dữ liệu dân cư, bảo đảm thông tin của người dân được đầy đủ, chính xác và được cập nhật thường xuyên trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Xác định đây là một nội dung quan trọng trong triển khai Đề án 06, cùng với lực lượng Công an cả nước, hiện nay Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực triển khai việc cấp mà định danh cá nhân và tài khoản định danh điện tử cho công dân. Là đơn vị thường trực của Đề án, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh tiếp tục duy trì, đôn đốc thực hiện quyết liệt các giải pháp “làm sạch” dữ liệu dân cư theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của Tỉnh ủy Thanh Hóa và Giám đốc Công an tỉnh về công tác rà soát đối chiếu thông tin của công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

“Với Đề án 06, cái chính của nó là ứng dụng dữ liệu dân cư mà trong 2 năm qua lực lượng Công an đã làm. Thu nhận căn cước chính là việc để sau này chúng ta định danh cá nhân và xác thực điện tử. Số căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Với số liệu dân cư và căn cước công dân hiện nay Thanh Hóa đã làm cơ bản hoàn thành và giờ là đi vào ứng dụng nó. Xác định dữ liệu dân cư là dữ liệu gốc, từ dữ liệu gốc này mới xác định ra rất nhiều việc giữa cơ quan nhà nước với người dân, không chỉ với ngành Công an mà tất cả các ngành khác phải lấy dữ liệu dân cư gốc này để kết nối các dữ liệu chuyên ngành”- Thượng tá Lê Hồng Thái chia sẻ.

Cũng theo Thượng tá Lê Hồng Thái, việc hoàn thành Đề án 06 sẽ có 5 tiện ích lớn mà Bộ Công an và Chính phủ đã chỉ rõ. “Tôi chỉ lấy ví dụ như, khi đã hoàn thành đề án, nó sẽ quay lại phục vụ chính người dân và các cơ quan Nhà nước. Người dân sẽ đơn giản hóa các thủ tục, có thể ngồi nhà hoặc tới một nơi chỉ cần cung cấp mã định danh là có thể giải quyết tốt công việc một cách nhanh gọn, không mất thời gian, công sức đi lại như trước. Hoặc như trong thời gian dịch bệnh, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 chẳng hạn, thay vì xuống các thôn, xóm, khu phố để điều tra, cơ quan chức năng chỉ cần ở nhà cũng xác định được số người, độ tuổi cần tiêm thông qua dữ liệu dân cư, sau khi tiêm xong người dân sẽ có hộ chiếu vắc-xin, từ đó sẽ giúp cơ quan quản lý có thể nắm bắt được những ai đã tiêm, tiêm đủ hay chưa đủ trong điều kiện dịch bệnh đang còn phức tạp”- Thượng tá Thái phân tích. 

Tuy nhiên, theo Thượng tá Lê Hồng Thái việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn vẫn còn những khó khăn nhất định khi người dân cũng như cơ quan thực hiện vẫn còn lúng túng. Trong đó, Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, điều kiện, công nghệ, máy tính, nhân lực phục vụ cho cuộc “cách mạng số” vùng này còn nhiều khó khăn. Dù dân số đông, nhiều vùng miền nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc không biết mệt mỏi của toàn lực lượng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc 2 Đề án, được Bộ Công an đánh giá, biểu dương là một trong bốn đơn vị trọng điểm, dẫn đầu cả nước về cấp CCCD gắn chíp điện tử, được đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.

Tác giả: Thanh Tuấn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu