Công trình trên Mã Pì Lèng: Góc nhìn từ luật pháp đến nghệ thuật, kiến trúc

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, về không gian, công trình khách sạn Panorama không nằm trong vùng bảo vệ di tích Mã Pì Lèng nhưng nó phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới không gian vùng di sản.

Không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di tích muốn xây gì cũng được

Ông Chính cho rằng cùng với việc làm rõ vấn đề pháp lý cần đặt ra vấn đề về an toàn công trình khi đây là công trình “3 không”: không có Giấy chứng nhận đầu tư, dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có Giấy phép xây dựng.

“Vấn đề về pháp lý cần phải được làm rõ nhưng cũng phải xem xét công trình có đảm bảo được hay không. Đặc biệt công trình được xây dựng bám vào đỉnh đèo có độ dốc rất lớn thì phải có những quy chuẩn tiêu chuẩn nhất định” – ông Chính nói.


Cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản
 chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được”

 

“Theo tôi, nhìn vào công trình khả năng xây dựng công trình là không đúng theo quy chuẩn quy phạm. Bởi thế, khi công trình gặp mưa to gió lớn và nước chảy mạnh ở vùng núi cao thì công trình sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng tôi chưa thấy được xem xét. Nếu công trình xây dựng không đủ điều kiện về mặt kỹ thuật như thế nếu có sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?” – ông Chính đặt vấn đề.

Đồng quan điểm với ông Chính về tầm quan trọng trong đánh giá độ an toàn công trình, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng cần phải xem xét kỹ hồ sơ công trình.

“Đây là công trình nằm ở triền núi nên việc xây dựng được phải có thiết kế, tính toán. Lẽ ra phải có nghiệm thu có thiết kế được duyệt” – ông Tùng nói.

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Hà Giang, công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng nằm ngoài khoanh vùng bảo vệ II di tích danh thắng Mã Pì Lèng. Bàn về luật Di sản hiện nay, vị Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, luật đã quy định rất rõ việc xây dựng các công trình mới theo vùng lõi, vùng I, vùng II, vùng đệm, và quy định công trình nào được xây, công trình nào không được xây và nếu được thì xây dựng như thế nào.

Tuy nhiên vị này cũng thẳng thắn nhìn nhận: Giữa quy định với thực tế xây dựng công trình trong vùng di sản vẫn còn có những khoảng cách.

“Về không gian, rõ ràng công trình khách sạn Panorama không nằm trong vùng bảo vệ di tích Mã Pì Lèng nhưng nó phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới không gian vùng di sản. Cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá được các tác động tới di sản chứ không phải cứ ngoài vùng bảo vệ di sản thì người dân, doanh nghiệp muốn xây gì cũng được” – ông Chính nhấn mạnh.

Ông Chính cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi theo ông đây là công trình 7 tầng được xây dựng giữa một cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ bất kỳ người dân nào cũng có thể nhìn nhận thì các sở, ngành của tỉnh cần phải nhìn nhận việc này và phải thấy được trách nhiệm của mình với công trình của mình.

“Quá trình xây dựng không phải ngày một ngày hai ví dụ như đổ 2,3 đống cát trong ngõ, trong hẻm đội quản lý đã đến hỏi thăm rồi vì vậy cần phải làm rõ các cấp nào đồng ý cho xây. Xây xong ai cho phép kinh doanh? Những công trình muốn được kinh doanh thì phải có đăng ký kinh doanh, nhà nghỉ Panorama bây giờ cho người vào ở, phục vụ nhà hàng thì ai cho phép? Theo tôi cần phải làm rõ, đánh giá nghiêm túc vấn đề này” – vị Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.

Địa phương phải chủ động bảo vệ di sản

Đánh giá về nhà nghỉ, nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng, theo TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, nhóm Những Người Yêu Di Sản Việt Nam (SHV), đây là công trình vừa trái phép, vừa làm xấu cảnh quan. Nêu ý kiến về việc xử lý công trình, TS. KTS Hạnh Nguyên cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước phải kiên quyết tháo dỡ công trình này để không có khách sạn thứ 2, thứ 3… mọc lên trong nay mai phá nát khu vực này.

“Kiến trúc phải đi theo quy hoạch. Quy hoạch phải đi theo định hướng phát triển, mà định hướng nào cũng cần xét đến các yếu tố về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Nếu chỉ vì đẹp, xấu, đúng, sai trên một phạm vi nhỏ mà bỏ qua tầm nhìn một đô thị, một quốc gia thì như vậy là tai họa” – bà Hạnh Nguyên nói.  

Tháo dỡ “Vạn lý trường thành” sai phép - công trình xâm phạm di sản thế giới Tràng An, Ninh Bình

TS. KTS Hạnh Nguyên cũng chỉ ra rằng, Luật Di sản của Việt Nam hiện nay đang rất chung chung, chưa phân rõ ra từng luật riêng và cụ thể (Luật di sản kiến trúc, Di sản đô thị, di sản thiên nhiên...) mà vẫn đang nhùng nhằng trong một luật.

TS. KTS Hạnh Nguyên cho rằng, nguyên nhân của việc xây chen công trình ở các khu danh thắng gần đây, có thể xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của cơ quan quản lý nhà nước và người dân. Người quản lý có thể không biết Luật Di sản cấm điều này, hoặc không màng đến tầm quan trọng của di sản. Người dân lại cho rằng đây là vấn đề xấu đẹp chứ không biết mình đã vi phạm luật.

Theo bà Hạnh Nguyên, Panorama mới là công trình đầu tiên tại khu danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pì Lèng. Đây là khu vực giáp vùng 2 – vùng bảo vệ của của cao nguyên đá Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Bản thân đèo Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Vì vậy phải làm quyết liệt ngay từ công trình đầu tiên này.

“Phải xem đây như một điển hình cho việc vi phạm vào không gian di sản chứ nó không phải của việc xây dựng trái phép để không nhà quản lý nào còn mơ hồ về luật Di sản. Tôi cũng cho rằng, phải làm quyết liệt để từ sự việc này mà các địa phương có di sản phải chủ động học cách bảo vệ di sản vì quyền lợi sát sườn của mình” - TS. KTS Hạnh Nguyên.

Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng, công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng cần phải được đánh giá nghiêm túc từ góc nhìn luật pháp đến góc nhìn của nghệ thuật, kiến trúc.

“Về luật thì rõ ràng chúng ta không thể đánh giá cảm tính. Dọc đường Mã Pì Lèng, với địa hình đồi dốc quanh co như thế ở thế giới đều làm những trạm dừng chân đồng thời có cả những đoạn đường cứu nạn. Tôi cho rằng, việc xây dựng những trạm dừng chân là rất cần thiết. Công trình trên cũng xuất phát từ việc kêu gọi đầu tư làm trạm ngắm cảnh dừng chân. Cung đường Mã Pì Lèng có ý nghĩa về giao thông nối với các huyện vùng xa của miền biên giới vì vậy đây là việc quan trọng cần phải nhìn nhận” – ông Tùng nêu ý kiến.

Cũng theo vị Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, việc xây dựng trạm dừng trên cung đường này là cần thiết nhưng nếu có bàn tay của kiến trúc sư với trách nhiệm cộng đồng thì chính đó lại giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người.

“Theo tôi vấn đề này cần có cái nhìn rất bình tĩnh, đánh giá đúng mức. Không nên đẩy những vấn đề cho một chủ đầu tư mà các cơ quan chức năng Hà Giang, giới kiến trúc sư cần vào cuộc. Có nhiều phương án kiến trúc tạo điểm nhìn hài hoà với cảnh quan du lịch. Có thể cải tạo lại mặt đứng công trình cho thân thiện với môi trường đặc biệt phải đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho người sử dụng. Việc xử lý phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Chỗ nào sai phải dứt khoát sửa đồng thời cũng phải dũng cảm nhận trách nhiệm” – ông Tùng nói. 

Đã đến lúc làm quy hoạch cả cung đường Hạnh Phúc

“Đèo Mã Pì Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc dài 200km từ TP Hà Giang đi Mèo Vạc. Đèo Mã Pì Lèng chỉ hơn 20km nhưng ngoài khu vực di sản thì có quy hoạch những khu vực còn lại không? Đã có một quy hoạch tổng thể nào cho cả con đường Hạnh Phúc chưa? Với địa hình đồi dốc quanh co như vậy ở nhiều quốc gia họ làm những trạm dừng chân để có sự cố khách có thể nghỉ lại và đồng thời còn có những đoạn đường cứu nạn. Qua sự việc từ nhà nghỉ, nhà hàng Panorama cũng cần đặt ra vấn đề này. Và đã đến lúc cần làm quy hoạch không chỉ cho đèo Mã Pì Lèng mà làm quy hoạch với cả tuyến đường Hạnh Phúc để con đường không chỉ nối các vùng miền biên viễn mà còn giúp cho danh thắng Mã Pì Lèng đến gần hơn với mọi người. Đấy là phát triển bền vững” KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20km, nối cao nguyên đá Đồng Văn với thị trấn Mèo Vạc và được coi là “đệ nhất hùng quan”, một trong “Tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam.

Năm 2009, Mã Pì Lèng được Bộ VHTTDL công nhận là Danh thắng quốc gia, nằm trong công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016.

Nguồn: vietnamnet.vn
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu