Xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài: Hậu quả và những giải pháp phòng ngừa. Bài 3: Vỡ mộng trời Tây!

Việc 39 thi thể được phát hiện trong thùng container đông lạnh tại Essex, Đông Bắc London (Vương quốc Anh) đã khiến nhiều người bàng hoàng. Từ vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng nhập cư trái phép với tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, chưa kể cuộc sống đầy bất an do không giấy tờ và cư trú bất hợp pháp. Đây cũng là thực trạng của đa số lao động "chui".

Vào khoảng tháng 11/2018, có 37 công dân (bao gồm: 29 công dân Thanh Hóa, 7 công dân Nghệ An và 1 công dân Ninh Bình) vì tin theo lời quảng cáo, mời chào của các đối tượng môi giới nên đã chuyển cho đối tượng P.T.H, sống ở Hà Nội mỗi người từ 167 đến 245 triệu đồng để được làm thủ tục xuất cảnh sang Đức lao động. Tuy nhiên, đợi mãi vẫn không được xuất cảnh sang Đức như đã thỏa thuận, biết bị lừa những công dân này đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tại sản đối với P.T.H.

Sau khi nhận được đơn tố cáo, Công an Thanh Hóa đã tiến hành xác minh vụ việc và P.T.H đã hứa sẽ khắc phục hậu quả bằng cách trả lại tiền cho những lao động trên. Tuy nhiên, đến ngày 24/7/2019, vẫn chưa có người nào nhận lại số tiền đã nộp cho H. Nhiều lao động lâm vào cảnh lao đao vì vừa mất tiền, vừa phải trả lãi hàng tháng nên tiếp tục làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

 

Một nạn nhân suýt bị lừa bán sang Trung Quốc vừa được lực lượng công an giải cứu

 

Qua vụ việc trên, thấy rằng, để sang được các nước Châu Âu không phải dễ dàng gì, nếu người lao động không tỉnh táo nhận diện, lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp thì rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tình hình công dân xuất cảnh sang lao động tại các nước Châu Âu trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 11/2019 có hơn 1.300 người, tập trung chủ yếu ở các nước như Nga, Séc, Đức, Ba Lan, Pháp… Trong đó, nhiều nhất là ở TP.Thanh Hóa (191 công dân), Triệu Sơn (152 công dân), Thiệu Hóa (140 công dân), Yên Định (95 công dân), Đông Sơn (84 công dân)… Những công dân Thanh Hóa đang lao động tại Châu Âu đi bằng nhiều con đường khác nhau: sang từ những năm 1991 khi Châu Âu đang còn mở cửa, thông qua các công ty môi giới xuất cảnh lao động, tự ký hợp đồng lao động với đối tác... Tuy nhiên phần lớn lao động này xuất cảnh sang Châu Âu bằng con đường du lịch, thăm thân, sau đó ở lại lao động bất hợp pháp. Tại đây, họ được người thân bảo lãnh, lo thủ tục giấy tờ để lưu trú dài hạn, sau đó được bố trí lao động tại các quán ăn, xưởng sản xuất, quầy bán quần áo, cơ sở cắt tóc, gội đầu, công ty may… do người Việt Nam làm chủ.

Bên cạnh những công dân Thanh Hóa sang các nước Châu Âu bằng con đường hợp pháp làm ăn khấm khá, trở thành những doanh nhân thành đạt, thì nhiều công dân Thanh Hóa sang Châu Âu bằng con đường bất hợp pháp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách như không có giấy tờ tùy thân nên không được ký hợp đồng lao động, cư trú hợp pháp. Do vậy, những lao động này chỉ ở tại nơi mà chủ sử dụng lao động bố trí, không dám đi ra ngoài vì sợ bị bắt, đẩy đuổi về nước.

 

Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân là hết sức quan trọng để phòng ngừa những rủi ro

 

 Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, có 16 trường hợp công dân Thanh Hóa đang lao động ở các nước Châu Âu bị trục xuất, đẩy đuổi về địa phương; 17 trường hợp khác vi phạm pháp luật nước sở tại (trong đó có 14 trường hợp phạm tội về sản xuất, tang trữ, sử dụng chất ma túy, chất hướng thần; 1 trường hợp trộm cắp tài sản; 1 trường hợp đưa người vượt biên trái phép; 1 vi phạm về cấp dưỡng).

Thượng tá Mai Xuân Ngọc, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa có khoảng 1.351 người đang lao động tại Châu Âu, số lao động này chưa xác định được bất hợp pháp hay hợp pháp vì nhiều nguyên do. Phần lớn số lao động này xuất cảnh bằng con đường hợp pháp nhưng trốn ở lại lao động “chui”. Những người lao động bất hợp pháp khi xảy ra các vấn đề rủi ro về mặt sức khỏe, tính mạng, kể cả xâm phạm về nhân phẩm, nhân quyền, danh dự… thì họ sẽ không được bảo vệ.

Châu Á, Châu Âu, hay bất cứ nước nào khác đều có những quy định riêng khi tiếp nhận công dân một nước nào đó sang lao động. Việc xuất cảnh trái phép ở đâu cũng tiềm ẩn những rủi ro mà người lao động không thể lường trước. Nếu người lao động không hiểu biết, nghiên cứu kỹ và tìm cho mình một hướng đi phù hợp với trình độ, năng lực của mình thì sẽ vỡ mộng, ôm trái đắng khi những chiếc bẫy “việc làm” nhàn hạ, lương cao luôn giăng sẵn để dụ mồi.

Tác giả: Đình Hợp
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu