Chuyển biến trong việc xử lý chất thải y tế

Thời gian qua, những vi phạm trong xử lý chất thải y tế từng là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời giám sát chặt chẽ việc khắc phục. Nhờ vậy, hoạt động thu gom, xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm từ nguồn chất thải nguy hại này…

Tháng 1 năm 2019, Bệnh viện đa khoa huyện Như Xuân đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường về các hành vi: không thu gom chất thải nguy hại theo quy định, để chất thải nguy hại ngoài trời, gây ô nhiễm môi trường xung quanh; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường, với tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng. Sau khi có quyết định xử phạt, Bệnh viện đã phải triển khai ngay các biện pháp khắc phục, trong đó có việc đầu tư gần 400 triệu đồng để thay đổi công nghệ xử lý nước thải. Ông Trịnh Ngọc Hân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: “Đối với nước thải thì có hệ thống thu gom nhưng được xây dựng từ năm 2009 – 2010, đến bây giờ công nghệ rất cũ, lạc hậu, nhưng nhờ sự nỗ lực của bệnh viện thì cũng mới được sửa chữa lại, hiện tại nó vẫn đảm bảo được công tác xử lý nước thải đối với bệnh viện nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời, cũng đang trình UBND tỉnh được đầu tư xây mới”.

Trong tháng 6/2020, lực lượng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Thanh Hoá tiến hành kiểm tra, phát hiện 2 phòng khám đa khoa ở thị xã Nghi Sơn và 1 phòng khám ở thành phố Thanh Hoá đều có hành vi không thu gom chất thải nguy hại theo quy định và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các phòng khám này. Mới đây, khi tiến hành kiểm tra lại tại 3 cơ sở này, lực lượng Cảnh sát môi trường ghi nhận những chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường: Tất cả đều đã ký hợp đồng với đơn vị thu gom, xử lý chất thải theo quy định; đã trang bị dụng cụ để thực hiện việc phân loại rác. Tuy nhiên, có đơn vị vẫn chưa thực hiện tốt việc phân loại rác thải triệt để theo thông tư liên tịch số 58 của Bộ Y Tế và Bộ Tài nguyên Môi trường.

Theo đánh giá của các lực lượng chức năng: Hiện nay, hầu hết chất thải rắn và nước thải y tế trên địa bàn tỉnh đều được quản lý, xử lý đúng quy chuẩn. Chỉ một số ít phòng khám do lượng rác thải y tế ít nên chưa thực hiện phân loại theo đúng quy định; không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải y tế theo quy định mà xả cùng với hệ thống nước thải sinh hoạt hoặc xả trực tiếp ra môi trường.

Chất thải y tế ẩn chứa nhiều mầm bệnh, nếu không được xử lý đúng quy trình thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân. Cùng với những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cơ sở y tế thì các ngành chức năng trong tỉnh vẫn đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát công tác xử lý chất thải, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế./.

Tác giả: Thái Thanh
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu