Đề cương chi tiết Dự án Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (phần 3)

III. Về nội dung liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe.

          12. Câu hỏi 12: Tại sao không quy định về phương tiện giao thông trong 01 Luật, mà lại quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ở Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), phương tiện tham gia giao thông tại Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

          Trả lời:

          Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đã được các Bộ, ngành và Chính phủ thảo luận rất kỹ và Chính phủ thấy rằng tỷ lệ tai nạn giao thông, do nguyên nhân từ chất lượng phương tiện chiếm tỷ lệ không nhiều so với các nguyên nhân khác (khoảng 10% là do nguyên nhân an toàn kỹ thuật và đường xá, 90% nguyên nhân do người tham gia giao thông), Hiện nay, nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, nên an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện trước khi nhập khẩu vào Việt Nam cần đảm bảo chất lượng, gắn kết với việc đăng kiểm phương tiện sau khi lưu hành, nên Chính phủ thống nhất Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là phù hợp.

          Để đảm bảo phương tiện tham gia giao thông, thì ngoài điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì phải có điều kiện về đăng ký phương tiện, đặc biệt là quy định trách nhiệm của chủ phương tiện khi tham gia giao thông, trách nhiệm khắc phục bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông quy định quản lý chặt chẽ di biến động của phương tiện là hết sức quan trọng để phòng ngừa tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, Chính phủ thống nhất phải quy định rõ trong Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

           Vì vậy, việc tách bạch 02 nội dung trên trong 02 dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp về phạm vi điều chỉnh, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

          13. Câu hỏi 13. Về đấu giá biển số xe?

          Trả lời:

          Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì kho số của biển số xe do Bộ Công an đang sử dụng để đăng ký xe là tài sản công, nhưng Luật giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành quy định cấm mua, bản biển số xe. Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã sửa đổi quy định này, theo đó chỉ cần mua, bán trái phép biển số xe, còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe.

           Các Luật chuyên ngành đã cụ thể hóa việc đấu giá biển số xe, đảm bảo biển số xe cơ giới sau đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng. quyền chiếm hữu, quyền định đoạt. Bộ Công an thực hiện sớm đấu giá biển số xe đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn biển số xe cơ giới theo sở thích để đáp ứng tư tưởng trong sinh hoạt và kinh doanh và gắn trách nhiệm người trúng đấu giá sử dụng biển số đó không đúng quy định.

          IV. Về nội dung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điểm của giấy phép lái xe.

          14. Câu hỏi 14. Luật bảo đảm TTATGT đường bộ quy định ứng dụng công nghệ trong bảo đảm TTATGT và kiểm soát giao thông như thế nào? có giảm được nhân sự làm công tác này không?

          Trả lời:

          Trước đây việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT được quy định ở nhiều văn bản Luật khác nhau, các văn bản dưới Luật. Do vậy, dự thảo Luật quy định luật hóa việc ứng dụng khoa học Công nghệ trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT, một số nội dung cụ thể:

          1. Quy định việc xây dựng, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ kiểm soát TTATGT, phát hiện vi phạm hành chính về TTATGT.

          2. Quy định xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ.

          3. Quy định quản lý, vận hành các trung tâm chỉ huy giao thông,

          4. Quy định việc kết nối dữ liệu thông tin giám sát hành trình, hệ thống camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, hệ thống quản lý điều hành giao thông trên các tuyến đường cao tốc.

          Như vậy, dự thảo Luật đã quy định cơ sở pháp lý cho việc triển khai ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, quản lý sử dụng hệ thống giám sát, trung tâm chỉ huy giao thông, cơ sở dữ liệu dùng chung vào quản lý TTATGT đường bộ với mục tiêu:

          Một là. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tiếp thu kinh nghiệm quản lý TTATGT của các nước có nền giao thông văn minh, tiếp cận với nền giao thông văn minh và hiện đại.

          Hai là. Với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên thông, sẽ giúp cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, tiết kiệm chi phí quản lý, công khai, minh bạch, cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.

          Hiện nay Bộ Công an đang thực hiện liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe từ Cục CSGT, Phòng CSGT, Công an cấp huyện; triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia.

          Ba là. Bộ Công an đã và đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc, các tuyến quốc lộ trọng điểm (Quốc lộ 1); nhiều địa phương cũng đã xây dựng các hệ thống giám sát trên các tuyến giao thông của địa phương: để giám sát tình hình TTATGT, phát hiện vi phạm giao thông, giám sát tình hình an ninh, trật tự, TTATXH, phòng chống tội phạm, đạt hiệu quả rất cao.

           Bốn là.Với việc áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý TTATGT, sẽ dần thay đổi các phương thức quản lý TTATGT, phương thức tuần tra, kiểm soát truyền thống, từ dùng sức người trực tiếp kiểm soát, phát hiện vi phạm, sang sử dụng vận hành các hệ thống công nghệ, phương tiện thiết bị kỹ thuật để giám sát giao thông tốt hơn, từ đó sẽ từng bước tinh giản được biên chế lực lượng trực tiếp, cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí, như các nước tiên tiến đã triển khai.

          15. Câu hỏi 15: Hiện nay có nhiều lực lượng cũng ra đường thực hiện tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng Cảnh sát giao thông, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về vấn đề này như thế nào?

          Trả lời:

          Để giải quyết vấn đề bất cập hiện nay có nhiều lực lượng cùng ra đường thực hiện tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, gây chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng Cảnh sát giao thông, dự thảo Luật đã quy định giao: Cảnh sát giao thông là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vi phạm pháp luật khác của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định huy động các lực lượng Cảnh sát khác, Công an xã tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trong trường hop cần thiết.

          Về căn cứ xây dựng và hoàn thiện nội dung này trong dự thảo Luật:

          - Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính"; nhiệm vụ, giải pháp là “Rà soát, bổ sung, hoàn  thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính".

          - Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng, pháp luật tháng 8 năm 2020, trong đó Chính phủ đã chỉ đạo đối với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông về giao thông đường bộ, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông.

          - Kết luận của lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 06/3/2020 của Văn Phòng Chính phủ về xây dựng Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Để khắc phục tình trạng, có quá nhiều lực lượng kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường thì nên quy định theo hướng giao lực lượng Cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này.

          - Thực tế thời gian qua, Thanh tra giao thông đường bộ cũng ra đường dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý vi phạm gây chồng chéo nhiệm vụ với lực lượng Cảnh sát giao thông, trong khi hiệu quả xử lý vi phạm không cao. Theo báo cáo 08 tháng năm 2020, Thanh tra giao thông xử lý 28.558 T/h (xử lý vi phạm quá tải 5. 881 t/h) Trong khi đó trong 08 tháng, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 2.573. 546 t/h vi phạm, trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn: 118.916 t/h, xử lý xe quá tải: 25.202 t/h, xử lý ma túy: 865 t/h (trong đó lái xe ô tô khách, ô tô tải, vận tải container vi phạm chiếm 0,14%).

          - Nghiên cứu tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm tra dự thảo Luật bảo đảm TTATGT của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

          16. Câu hỏi 16: Điểm của giấy phép lái xe, tại sao lại xây dựng hệ thống trừ điểm giấy phép lái xe ?

          Trả lời:

          - Về nội dung này, Chính phủ đã bàn kỹ và thống nhất để xuất quy định trừ  điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thu hồi giấy phép lái xe là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước (không phải hình thức xử phạt vi phạm hành chính), nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình hiện nay, tiếp thu kinh nghiệm quản lý an toàn giao thông của các nước tiên tiến trên thế giới, để quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

          - Việc quy định trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe thời gian qua được dư luận quan tâm và cho rằng đây là một biện pháp quản lý Nhà nước cần thiết và hữu hiệu trong tình hình hiện nay, đồng thời quy định trong 12 tháng người  lái xe không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi điểm nhằm khuyến khích người lái xe nâng cao và có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

          1. Về căn cứ để xuất quy định trong dự thảo Luật.

          1.1. Về lịch sử quản lý giấy phép lái xe: Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Nghị định số 15/2003/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đã quy định áp dụng biện pháp quản lý hành chính nhà nước (không phải là hình thức xử phạt) “Đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, để quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ". Đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư liên tịch số 03/2003/TTLT-BCA-BGTVT để hướng dẫn và quy định đây là biện pháp quản lý hành chính nhà nước về giấy phép lái xe.

          1.2. Về các quy định quản lý nhà nước của pháp luật khác có tính chất tương tự: Nghiên cứu các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, pháp luật cũng đã quy định biện pháp quản lý hành chính nhà nước tương tự “Thu hồi chứng chỉ hành nghề, phù hiệu, biển hiệu" để tăng cường quản lý nhà nước đối với việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Cụ thể:

          - Trong lĩnh vực Y tế: Luật Dược năm 2016 đã quy định biện pháp quản lý thu hồi “Chứng chỉ hành nghề dược" đối với trường hợp vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước Chứng chỉ hành nghề dược từ 02 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm. Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, quy định biện pháp quản lý thu hồi “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý khám bệnh, chữa bệnh.

          - Trong lĩnh vực vận tải đường bộ: Tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cũng đã quy định biện pháp quản lý, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu hồi biển hiệu, phù hiệu vận tải đối với các trường hợp vi phạm một số quy định trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

          1.3. Hiện nay, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép lái xe đang còn sở hở, bất cập và bị buông lỏng, cơ quan cấp giấy phép lái xe chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe. Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người lái xe.

          Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định vi phạm hành chính nhiều lần, tái phạm trong cùng một hành vi vi phạm cụ thể, mới quản lý đối tượng vi phạm trong một hành vi vi phạm cụ thể mà chưa có biện pháp quản lý liên thông giữa các lần vi phạm khác nhau trong suốt quá trình tham gia giao thông của người lái xe. Do vậy, việc quy định biện pháp quản lý hành chính trừ điểm giấy phép lái xe là quản lý theo dõi quá trình chấp hành pháp luật và vi phạm của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông.

          1.4. Nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, các nước tiên tiến trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Trung Quốc, ngay cả Campuchia... đều có quy định trừ điểm giấy phép lái xe đối với người lái xe khi có các hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông.

          2. Để triển khai quy định của Luật về trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, thu hồi giấy phép lái xe, Bộ Công an sẽ nghiên cứu tham mưu Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện. Trên tinh thần đảm bảo việc trừ điểm được thực hiện khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với hành vi vi phạm có quy định trừ điểm); thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm, thu hồi giấy phép lái xe đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về sát hạch, cấp giấy phép lái xe; hệ thống cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, hệ thống tự động trừ điểm (không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm), nên sẽ không phát sinh tiêu cực, không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian tới, Bộ Công an cũng sẽ đề nghị khi sửa Nghị định xử phạt về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ hạn chế quy định tước giấy phép lái xe, áp dụng nhiều hơn quy định trừ điểm giấy phép lái xe để theo dõi quản lý toàn bộ quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

.....

(còn nữa)

Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: Phòng Cảnh sát Giao thông
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu