TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ CÁC PHƯƠNG TIỆN THUỶ TỰ Ý CẢI TẠO, HOÁN CẢI HOẠT ĐỘNG TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

Ngày 01/03/2023, Cục Cảnh sát giao thông và Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá ban hành kế hoạch, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát đường thuỷ tăng cường lực lượng, phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của phương tiện thuỷ theo chuyên đề tự ý cải tạo, hoán cải, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật theo quy định; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm nổi cộm gây bức xúc trong dư luận và đặc biệt không để xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường thuỷ.

Trong tháng 3/2023, Phòng Cảnh sát Giao thông đã phối hợp với Phòng Quản lý vận tải thuộc Sở Giao thông vận tải và Chi cục đăng kiểm số 12 tỉnh Thanh Hoá tăng cường lực lượng, phương tiện tổ chức, tuần tra, kiểm soát, nhằm phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của phương tiện thuỷ như: Đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm theo quy định, chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn; không có Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng, không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm hoặc đăng kiểm hết hiệu lực…

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xác định hành vi vi phạm

Đội Cảnh sát Đường thuỷ - Phòng Cảnh sát giao thông cùng với các đơn vị chức năng đã phát hiện, lập biên bản, xử lý 51 trường hợp vi phạm, phạt tiền 373.750.000 đồng; trong đó xử lý 15 trường hợp vi phạm: Đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm theo quy định, phạt tiền 210.000.000 đồng và yêu cầu các chủ phương tiện tháo dỡ toàn bộ phần hoán cải không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời tuyên truyền trực tiếp cho hơn 150 lượt người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện thuỷ biết và nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ.

* Mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện được quy định tại Điều 19, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định;

b) Không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định;

c) Không có đủ cơ sở vật chất hoặc thiếu một trong những trang thiết bị phục vụ nhu cầu đóng mới, sửa chữa phương tiện hoặc trang thiết bị không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện theo quy định;

d) Không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đưa phương tiện lên đà hoặc hạ thủy theo quy định.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có hồ sơ hoặc thực hiện không đúng hồ sơ thiết kế được cơ quan đăng kiểm thẩm định khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thuộc diện đăng kiểm;

b) Không đảm bảo điều kiện giám sát, quản lý chất lượng khi đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện theo quy định;

c) Thiếu từ 01 cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ kiểm tra chất lượng hoặc thợ đóng tàu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi đưa phương tiện hoán cải vào hoạt động, khai thác khi chưa được đăng kiểm theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi không thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khi hành nghề đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện theo quy định.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Đối với phương tiện có hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này, chủ phương tiện phải thực hiện đăng kiểm theo quy định. Trường hợp phần hoán cải được cơ quan đăng kiểm kiểm tra không thỏa mãn yêu cầu kỹ thuật theo quy định thì buộc phải phá dỡ.

Qua công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm, cơ bản người điều khiển phương tiện, các chủ phương tiện thuỷ đã nâng cao nhận thức, nắm vững và hiểu biết hơn những quy định của pháp luật về điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện khi tham gia giao thông, tự giác tháo dỡ những phần hoán cải không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, trả về tình trạng ban đầu và tiến hành đăng ký, đăng kiểm phương tiện theo quy định.

Trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Giao thông tiếp tục chỉ đạo Đội Cảnh sát đường thuỷ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm,  tự ý cải tạo, hoán cải, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, nhằm tiếp tục duy trì và giữ vững ổn định tình hình trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường thuỷ./.

Tác giả: Trần Văn Thọ - PC08
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu