Bộ Công an lí giải về việc vì sao người dân cần phải có căn cước điện tử

Căn cước điện tử thực tế là tài khoản định danh điện tử và người dân cần phải có để sử dụng, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công...

 

Bộ Công an lí giải về việc vì sao người dân cần phải có căn cước điện tử

Định danh điện tử (VNeiD) là căn cước điện tử với nhiều tiện ích. Ảnh: Bộ Công an

Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Căn cước công dân do Bộ Công an chủ trì, trong đó có nội dung về căn cước điện tử.

Vậy, căn cước điện tử là gì? Tại sao người dân cần phải có căn cước điện tử?

Trước nội dung trên, theo Bộ Công an, việc định danh, xác thực con người cụ thể trên không gian mạng là yêu cầu cấp thiết, quan trọng nhất trong thực hiện chuyển đổi số ở nước ta.

Nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển đã và đang đầu tư nhiều nguồn lực để  tạo dựng nên hệ thống định danh của quốc gia.

Trên cơ sở tính cấp thiết đó, để phục vụ hoạt động chuyển đổi số ở nước ta, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 5.9.2022 quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý bước đầu giúp định danh, xác thực danh tính con người trên môi trường điện tử.

Tuy nhiên, việc định danh, tạo dựng căn cước điện tử cho người dân là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau.

Cụ thể bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa và quy định cụ thể tại dự thảo Luật Căn cước để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân.

Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về căn cước điện tử; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng căn cước điện tử để giải quyết để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử.

Thông tin căn cước của người dân chính là thông tin dùng để xác định danh tính điện tử và tạo lập tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử).

Mỗi công dân chỉ có 1 căn cước điện tử là tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an tạo lập.

Việc thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử phải sử dụng căn cước điện tử. Căn cước điện tử được sử dụng để thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của người dân.

Căn cước điện tử có giá trị sử dụng tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước.

Căn cước điện tử có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ, tài liệu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.

Hiện nay, hệ thống định danh và xác thực điện tử được thiết kế có thể đáp ứng được 180 triệu lượt truy cập/ngày vào ứng dụng VNeID.

Căn cước điện tử được tích hợp trên ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng, phát triển, quản lý đã có nhiều tính năng, tiện ích.

Các tiện tính năng, tiện ích gồm: Thông báo lưu trú; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh an ninh, trật tự; ví giấy tờ (hiển thị thông tin các giấy tờ của các cá nhân như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế), thông tin người phụ thuộc…

Bộ Công an cho hay, lực lượng chức năng đang tiếp tục xây dựng, phát triển thêm nhiều tiện ích khác phục vụ nhân dân như: tiện ích liên quan đến an sinh xã hội, đăng ký chứng thư số phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ công…

Tác giả: Quang Việt
Nguồn: https://laodong.vn/phap-luat/bo-cong-an-li-giai-ve-viec-vi-sao-nguoi-dan-can-phai-co-can-cuoc-dien-tu-1191704.ldo
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu