A- A A+ |

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy định đăng ký tạm trú và hướng dẫn người dân các bước thực hiện đăng ký tạm trú qua Dịch vụ công

Để nâng cao hiệu quả công tác nắm hộ, nắm địa bàn, quản lý chính xác số công dân đang cư trú, sinh sống tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra nhân khẩu tạm trú, đang thực tế cư trú nhưng chưa đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên toàn tỉnh. Theo Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định: Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú; thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần(lưu ý là trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú đã đăng ký, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú).

Hồ sơ đăng ký tạm trú được quy định tại khoản 1, Điều 28 Luật Cư trú năm 2020, gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (mẫu CT01); đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản; Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Đối với các trường hợp công dân ở tại các khu nhà ở tập trung như: Học sinh, sinh viên, học viên đến ở tập trung trong ký túc xá, khu nhà ở của học sinh, sinh viên, học viên; người lao động đến ở tập trung tại các khu nhà ở của người lao động; trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại các cơ sở trợ giúp xã hội có thể đăng ký tạm trú thông qua cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp chỗ ở đó.

Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có trách nhiệm lập danh sách người tạm trú, kèm theo Tờ khai thay đổi thông tin cư trú của từng người, văn bản đề nghị đăng ký tạm trú trong đó ghi rõ thông tin về chỗ ở hợp pháp và được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật thông tin về nơi tạm trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú. Danh sách bao gồm những thông tin cơ bản của từng người: Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính.

 

Lực lượng Công an xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký cư trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

 

Người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú hoặc nộp hồ sơ qua dịch vụ công theo hướng dẫn sau:

Bước 1. Để thuận tiện và nhanh chóng, Công dân truy cập vào link https://dichvucong.bocongan.gov.vn. Chọn đăng nhập nếu đã có tài khoản, hoặc đăng ký nếu chưa có tài khoản.

Bước 2: Công dân lựa chọn tài khoản muốn sử dụng đăng nhập tài khoản dịch vụ công như: Tài khoản cấp bởi Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Tài khoản định danh điện tử cấp bởi Bộ công an…

 

         

Bước 3: Sau khi đăng nhập thành công, Công dân nhấn chọn “Nộp hồ sơ trực tuyến” . Tiếp theo “chọn lĩnh vực thủ tục hành chính” nhấn cọn “ Đăng ký, quản lý cư trú” và ấn tìm kiếm.

 

         

Bước 4: Nhấn chọn “ Đăng ký tạm trú”.

 

         

Bước 5: Nhấn chọn “ Nộp hồ sơ”.

 

         

Bước 6: Lựa chọn cơ quan thực hiện đăng ký tạm trú (Là Công an cấp xã nơi công dân đang cư trú và dự định sẽ đăng ký tạm trú).

 

Lưu ý: Cần điền lần lượt thông tin từ trên xuống mới có thể điền tiếp những nội dung bên dưới.

Đối với Mục “Cơ quan thực hiện” khi lựa chọn nơi đăng ký tạm trú hệ thống sẽ tự trả kết quả cơ quan thực hiện.

Bước 7: Tại Mục “Thủ tục hành chính yêu cầu” có thể lựa chọn một trong hai mục sau để kê khai trường hợp tương ứng:

- Đăng ký tạm trú lập hộ mới.

- Đăng ký tạm trú vào hộ đã có.

- Thời hạn tạm trú.

 

 

Bước 8: Công dân điền các thông tin về người đề nghị tạm trú. 

 

Lưu ý: Các thông tin khai báo có dấu " * " là trường thông tin bắt buộc phải có.

 

Bước 9: Sau khi kê khai thông tin, Công dân tải tệp tin hồ sơ tài liệu đã chuẩn bị.

 

 

Bước 10: Chọn hình thức nhận thông báo, nhận kết quả “Qua email” hoặc “Qua cổng thông tin” và tiến hành cam kết lời khai. Kiểm tra lại thông tin và chọn “Ghi” hoặc “Ghi và gửi”.

 

 

Bước 11: Để kiểm tra lại hồ sơ đăng ký tạm trú chọn tại Mục "Tài khoản" sau đó chọn "Quản lý hồ sơ đã nộp" và xem tại Mục "Hồ sơ".

Như vậy chỉ với các bước đơn giản tất cả người dân có thể thực hiện đăng ký tạm trú trên cổng dịch công.

Trường hợp công dân đủ điều kiện đăng ký tạm trú nhưng không thực hiện đăng ký có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 9, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Để thực hiện đúng quy định của pháp luật về cư trú, đề nghị người dân đang lao động, học tập hoặc vì mục đích khác ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên phải thực hiện Đăng ký tạm trú./.


Tác giả: Lê Thị Tuyết, Phòng Cảnh sát QLHC về TTH
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu