A- A A+ |

Để mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy

Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ then chốt nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản Nhà nước và của nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an các huyện, thị xã thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành phòng cháy chữa cháy, vận động, lan tỏa mạnh mẽ phong trào Toàn dân tham gia PCCC trong cộng đồng.

Hội thi nghiệp vụ Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ  "Tổ liên gia an toàn PCCC" đã tạo sức lan tỏa phong trào toàn dân PCCC

Với phương châm phòng ngừa là chính, không để cháy, nổ xảy ra; sẵn sàng chữa cháy, CNCH kịp thời, thời gian qua lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trên toàn tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác PCCC của từng cơ sở. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia phong trào Toàn dân PCCC, tạo được tính lan tỏa mạnh mẽ phương châm “4 tại chỗ” tại cộng đồng dân cư.

Các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo bám sát đặc thù của từng địa phương, đơn vị, tổ chức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo đảm an toàn PCCC và nâng cao kiến thức, khả năng thực hiện các biện pháp PCCC cho nhân dân. Phối hợp với Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; Truyền hình Công an nhân dân… xây dựng tin, bài, phóng sự tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và hoạt động của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn 5.960 cơ sở ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC và CNCH. Phối hợp phát hơn 13.820 lượt tin tuyên truyền về PCCC và CNCH trên hệ thống loa phát thanh tại phường, xã; đài phát thanh và truyền hình; tổ chức 13.921 buổi tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng PCCC; kỹ năng thoát nạn, phòng chống tai nạn đuối nước cho đối tượng là cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại cơ sở, người dân đang sinh sống tại các chung cư, khu dân cư... trên địa bàn tỉnh với  988.365 người tham gia. Tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường có đông dân cư, các khu vực có nhiều hộ gia đình kinh doanh, buôn bán và đường nội bộ trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua cách phát file ghi âm tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu đảm bảo an toàn PCCC và CNCH… Phát hơn 171.994 tờ rơi, cẩm nang, khuyến cáo... tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH nhắn tin nội dung tuyên truyền về PCCC và CNCH đến tất cả các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh của các nhà mạng nhằm đảm bảo an toàn PCCC và CNCH... Đặc biệt, đã tổ chức 62 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho 7.080 CBCS trong Công an Thanh Hóa; tổ chức đồng loạt hơn 295 điểm tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy, CNCH thu hút 77.912 người tham gia.

Chỉ trong 2 năm, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập gần 2.100 “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy chữa cháy” tại khu dân cư. 100% các thành viên tổ liên gia được tập huấn các kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy, tạo tiền đề để cùng các Tổ liên gia trên cả nước triển khai đồng loạt diễn tập phương án chữa cháy và cứu người bị nạn.

Đáp ứng yêu cầu xử lý đám cháy hiệu quả ngay từ những phút đầu phát sinh, ngoài yếu tố con người, đã có 1.662 điểm chữa cháy công cộng được thành lập trên địa bàn tỉnh, cung cấp tại chỗ các trang thiết bị chữa cháy cơ bản để bất cứ ai, bất cứ người dân nào cũng có thể huy động, sử dụng trong tình huống khẩn cấp. 100% nhà dân, đặc biệt là nhà cao tầng, khu chung cư đã thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2, chấm dứt tình trạng chuồng cọp kiên cố, cản trở thoát nạn khi có cháy.Và gần 98% hộ gia đình tại Thanh Hóa đã tự trang bị bình chữa cháy tại nhà để đề phòng sự cố.

Những con số ấn tượng trên đã cho thấy tổng hòa những nỗ lực tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng, mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, chính quyền địa phương và sự thay đổi rõ rệt của chính người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng hành, phối hợp, đoàn kết là chìa khóa để phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” ở Thanh Hóa lan tỏa sâu rộng. Giờ đây, phòng cháy chữa cháy không còn là trách nhiệm của riêng mình lực lượng Công an.

Anh Phạm Tuấn Anh, Khu chung cư Mai Xuân Dương, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “ mình ở chung cư thì cũng thấy nguy cơ cao chứ. Tham gia vào tổ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy thấy ý thức mình khác hẳn, mình có kỹ năng dập lửa, rồi mình cũng biết là khi nào thì nguy hiểm, vận động bà con chấp hành nghiêm việc sử dụng điện để tránh cháy nổ.

Ông Dương Đình Thanh, Tổ trưởng Tổ dân phố Đội Cung 3, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi phối kết hợp với lực lượng Công an rồi cả cấp ủy chính quyền khu phố, vận động bà con tham gia các mô hình PCCC. Riêng ở khu vực tổ dân phố Đội Cung 3 chúng tôi là có 5 mô hình Tổ liên gia, rồi 2 điểm chữa cháy công cộng. Thiết thực lắm

Tại các doanh nghiệp, công tác phòng cháy chữa cháy được xác định là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Từ doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, đến các doanh nghiệp lớn, số lượng lên đến hàng nghìn công nhân, đều chấp hành nghiêm các quy định về hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, tập hợp các cán bộ, nhân viên, công nhân có sức khỏe, trình độ, được tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy làm lực lượng xung kích, đi đầu trong ứng phó sự cố cháy nổ.

Anh Đỗ Minh Đức Đội trưởng Đội Phòng cháy chữa cháy, Công ty TNHH giày Sunjade, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “ Hằng năm thì chúng tôi luôn có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ PCCC, không chỉ mình đội PCCC cơ sở mà còn lan tỏa đến các công nhân trong công ty, đặc biệt là các kỹ năng nhận biết tình huống nguy hiểm và thoát nạn khi có cháy.”

Việc huy động lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong “thời gian vàng” 5 phút sau khi đám cháy khởi phát được xem là yếu tố quyết định đến mức độ giảm thiểu rủi ro. Với tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra nhanh chóng, kiến trúc hạ tầng có nơi, có lúc chưa theo kịp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân kéo theo nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn rất cao thì củng cố “lá chắn” phòng cháy chữa cháy tại chỗ là giải pháp căn cơ để ngăn chặn hỏa hoạn hiệu quả.

Thời gian tới, để phong trào Toàn dân tham gia PCCC tiếp tục phát huy được hiệu quả, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, Thượng tá Lê Trọng Tài, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tiếp tục tham mưu cho Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện công tác hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng, thường xuyên nhưng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả tốt trong phong trào Toàn dân PCCC với mục tiêu để mỗi người dân là một chiến sỹ PCCC, không chủ quan, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ứng phó kịp thời với các tình huống cháy, nổ một cách hiệu quả nhất.

Cùng với công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ, phát triển và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phòng cháy chữa cháy, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung khảo sát, thống kê những bất cập còn tồn tại, từ đó hoạch định các giải pháp lâu dài nhằm kéo giảm thấp nhất số vụ cháy nổ trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, đưa phong trào “Toàn dân tham gia PCCC” đi vào chiều sâu, thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong PCCC “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân và Chỉ huy ở trong dân”./.


Tác giả: Cao Hường
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu