Đề xuất bãi bỏ quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trong phòng cháy, chữa cháy

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 08 chương, 58 Điều, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý nhà nước về PCCC đáp ứng yêu cầu thực tiễn và quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tại nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày, nhằm cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Để bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện dự thảo Luật PCCC và CNCH đã bãi bỏ quy định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy, cụ thể: Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành đã quy định đình chỉ có thời hạn đối với các đối tượng có vi phạm quy định pháp luật hành chính, đồng thời Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ có quy định một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC phải đình chỉ hoạt động có thời hạn; cùng với đó, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ đã quy định cụ thể về cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm hành chính để bảo đảm thực hiện quyết định xử phạt hành chính.

Ngoài ra, các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC mặc dù bị xử lý đình chỉ hoạt động theo quy định của Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC nhưng vẫn còn tình trạng hoạt động trái phép và trốn tránh cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nội dung quy định về cưỡng chế thi hành quyết định đình chỉ hoạt động về lĩnh vực PCCC dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Mặt khác, trong thực tế, có nhiều trường hợp vi phạm không thể ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ như trường học, bệnh viện, chung cư, cơ quan hành chính… hoặc khi ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động không có chế tài cưỡng chế thực hiện.

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay các loại hình cơ sở thường xuyên thay đổi, phát sinh mới dẫn đến bỏ lọt địa bàn, cơ sở. Thực tiễn cho thấy một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở ở các địa điểm khác nhau, đồng thời trong phạm vi một cơ sở có nhiều cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng để tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nội dung này chưa được quy định trong Luật để phân loại cơ sở phục vụ công tác quản lý. Do vậy, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung làm rõ nội hàm khái niệm cơ sở, loại trừ trường hợp các cơ quan, tổ chức thuê, mua mặt bằng hoạt động phải thực hiện các quy định về PCCC như một cơ sở độc lập; đồng thời sửa đổi khái niệm cơ sở trong luật quy định theo tính chất hoạt động để bao hàm tất cả các loại hình. Theo đó, cơ sở là nơi được sử dụng để sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, địa điểm làm việc, công trình theo danh mục do Chính phủ quy định./.

Tác giả: Phòng 3 - C07
Nguồn: Cục C07
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu