Nghị định số 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ
Ngày 15/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nghị định mới được ban hành nhằm khắc phục những bất cập, khoảng trống pháp lý còn tồn tại trong công tác xử lý vi phạm hành chính:
1. Về nội dung của Nghị định Về nội dung của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 04 chương và 41 Điều cụ thể như sau:
- Chương I (Quy định chung) gồm 05 điều từ Điều 1 đến Điều 5, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả; mức phạt tiền trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
- Chương II (Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả) gồm 23 điều từ Điều 6 đến Điều 28, quy định về: tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật và huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; ban hành, niêm yết và thực hiện nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thành lập, tổ chức quản lý Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành; phân công người thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hồ sơ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; phòng cháy, chữa cháy trong lắp đặt, sử dụng điện; phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, kiểm tra, bảo trì hệ thống tiếp địa, chống sét; quản lý, bảo quản, sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; vận chuyển chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy; trang bị, lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thông gió, chống khói; thoát nạn trong phòng cháy và chữa cháy; ngăn cháy; xây dựng, phê duyệt và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hệ thống Cơ sở dữ liệu về phòng cháy, cháy, cứu nạn, cứu hộ và truyền tin báo cháy.
- Chương III (Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính) gồm 09 điều, từ Điều 29 đến Điều 37, quy định về: Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm lâm; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm ngư; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra; phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
- Chương IV (Điều khoản thi hành) gồm 04 điều, từ Điều 38 đến Điều 41, quy định về: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử); hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành.
2. Những điểm mới tại Nghị định số 106/2025/NĐ-CP so với quy định hiện hành
a) Bổ sung đối tượng để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật PCCC và CNCH và thực tiễn, cụ thể: Các đơn vị phụ thuộc Hợp tác xã (Văn phòng, Chi nhánh hợp tác xã) ; Tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Thương mại; Cơ quan nhà nước;Ban Quản trị nhà chung cư hoạt động theo mô hình ban quản trị, có tư cách pháp nhân; Tổ chức được giao trực tiếp quản lý cơ sở theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
b) Bổ sung quy định về hình thức xử phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động có thời hạn” đối với các hành vi có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy, nổ (khoản 6 Điều 18, khoản 11 Điều 20, khoản 8 Điều 21, khoản 6 Điều 23, khoản 6 Điều 24, khoản 8 Điều 25).
c) Bổ sung 07 Điều mới để phù hợp với Luật PCCC và CNCH hiện nay, cụ thể:
- Điều 19 quy định về lưu thông phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy để đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH đối với các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, vật liệu, cấu kiện ngăn cháy, chống cháy phải được cấp giấy phép lưu thông trước khi đưa ra thị trường hoạt động, sử dụng.
- Điều 20 quy định về trang bị, lắp đặt phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Điều 21 quy định về sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. - Điều 22 quy định về bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. - Điều 23 quy định về thông gió, chống khói.
- Điều 38 quy định về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử) để bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
- Điều 37 quy định về phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao phù hợp của quy định của Luật PCCC và CNCH. d) Bổ sung 01 khoản quy định tại 11 Điều (Điều 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18, 20, 21, 23 và Điều 25) đối với các hành vi vi phạm khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
đ) Nâng mức phạt tiền các hành vi tại Nghị định để phù hợp với công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới, có một số hành vi phạt tiền tối đa theo quy định của Luât xử lý vi phạm hành chính, trong đó tập trung nâng mức xử phạt cao đối với một số hành vi có tính chất nghiêm trọng và có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy nổ, không bảo đảm điều kiện để phát hiện và tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, nổ dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như:
(1) vi phạm trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt;
(2) hành vi vi phạm liên quan đến trang bị, lắp đặt, sử dụng, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH;
(3) thành lập và duy trì Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành;
(4) hành vi liên quan đến cháy lan;
(5) hành vi liên quan đến thoát nạn;
(6) hành vi liên quan đến không tự kiểm tra về PCCC… Đối với các hành vi không trực tiếp là nguyên nhân gây ra cháy, nổ, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định chỉ nâng nhẹ mức phạt tiền tại các hành vi này.
Việc nâng mức phạt tiền là bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm của các hành vi tại nghị định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm và quan trọng hơn là nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC và CNCH góp phần bảo đảm an ninh trật tự nói chung, giảm số vụ vi phạm quy định về PCCC và CNCH qua đó kiềm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
e) Bãi bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Trưởng Công an huyện cho phù hợp với mô hình tổ chức mới./.