Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng cháy, chữa cháy

Thời gian gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là đã xảy ra các vụ cháy lớn tại cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa, khu dân cư, hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (SXKD), gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh tại TP Sầm Sơn. Ảnh: C.H (Công an tỉnh)
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tuyên truyền kiến thức PCCC cho các hộ kinh doanh tại TP Sầm Sơn. Ảnh: C.H (Công an tỉnh)

 

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ cháy, trong đó có 9 vụ nhà ở đơn lẻ, 3 vụ cháy nhà ở kết hợp cơ sở kinh doanh, 7 vụ cháy phương tiện giao thông khiến 1 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 83 tỷ đồng.

Nguyên nhân gây cháy, chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn. Do sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, do hệ thống điện trong nhà ở, khu vực SXKD kết hợp nhà ở không bảo đảm; các nhà bị cháy hầu hết thuộc dạng nhà ống, chỉ có duy nhất một lối thoát nạn hoặc chứa nhiều vật liệu dễ cháy, không đảm bảo điều kiện để thoát nạn, không trang bị hoặc trang bị phương tiện PCCC&CNCH không phù hợp.

Trước thực trạng trên cùng với thực hiện các kế hoạch số: 151/KH/BCA-C07 ngày 12-4-2021 của Bộ Công an; 114/KH-UBND ngày 12-5-2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp SXKD, Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-CAT-PC07 thực hiện đợt cao điểm, đồng thời phát động trong toàn lực lượng thực hiện đợt cao điểm từ ngày 15-4-2021 đến 15-10-2021.

Thực hiện đợt phát động, các đơn vị công an trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các quy định về an toàn PCCC; phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, giải pháp thoát nạn, thoát hiểm, ngăn cháy lan, ngăn khói khí độc khi có sự cố, cháy, nổ xảy ra nhằm nâng cao nhận thức và ý thức về công tác PCCC cho Nhân dân, từ đó tích cực, chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy, nổ. Lực lượng cảnh sát PCCC, công an các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng PCCC; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng duy trì công tác kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, các hộ gia đình, cơ sở SXKD để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ gây ra cháy, nổ.

Là một trong những địa bàn có cơ sở SXKD, dịch vụ hoạt động tương đối đa dạng, với 316 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó có một số cơ sở trọng điểm, như: Nhà máy Xi măng Long Sơn, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Trạm chiết nạp gas Vạn Long...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, khách sạn, các cơ quan Nhà nước, trường học và các nhà hàng, quán ăn... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, Công an thị xã Bỉm Sơn đã tham mưu cho UBND thị xã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC trên địa bàn. Đặc biệt, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch thị xã Bỉm Sơn tổ chức tuyên truyền lưu động kiến thức an toàn PCCC&CNCH trên các tuyến phố chính của thị xã, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ và các hộ kinh doanh. Theo Thượng tá Lê Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an thị xã Bỉm Sơn: Qua đợt tuyên truyền trên đã giúp cho người dân nâng cao hiểu biết về an toàn PCCC, ý thức phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ và đặc biệt là xử lý tốt các tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; nhằm đáp ứng tốt yêu cầu 4 tại chỗ trong công tác PCCC “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ” để từ đó từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về PCCC, đưa công tác PCCC lan rộng trên toàn địa bàn thị xã.

Được biết, không chỉ Công an thị xã Bỉm Sơn đã và đang tổ chức triển khai sâu rộng, hiệu quả đợt phát động mà hiện nay các đơn vị công an trong tỉnh đang tăng cường phối hợp với chuyên môn tập trung tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về PCCC. Tính đến cuối tháng 7-2021, các đơn vị trong Công an tỉnh đã tổ chức 136 buổi tuyên truyền, với gần 2.000 người tham gia; phát 8.916 tờ rơi, treo 253 băng rôn tuyên truyền PCCC&CNCH; ký 3.748 bản cam kết bảo đảm an toàn PCCC; tổ chức 2.298 lượt tuyên truyền, khuyến cáo nguy cơ cháy, nổ mùa nắng nóng qua hệ thống loa phát thanh địa phương và cơ sở. Phối hợp với các nhà mạng viễn thông Vinaphone, Viettel, Mobifone gửi tin nhắn (SMS) đến số điện thoại của người dân trên địa bàn tỉnh với nội dung khuyến cáo tăng cường công tác PCCC; xây dựng chuỗi phóng sự tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ cháy, nổ; tai nạn đuối nước mùa nắng nóng; các video ngắn hướng dẫn xử lý các tình huống cháy, nổ; an toàn sử dụng điện trong hộ gia đình... phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài truyền hình Công an Nhân dân.

Trung tá Lê Trọng Tài, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cho biết: Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng cơ sở”, không để bỏ sót lọt địa bàn, cơ sở, các nguy cơ xảy ra cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng mà không được phát hiện, kiến nghị kịp thời, công an các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu với UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng Nhân dân, đặc biệt là huy động sự vào cuộc tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện chữa cháy để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh.

Ngoài ra, các đơn vị công an trong tỉnh đã tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra tại một số cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp SXKD trên địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện các sơ hở thiếu sót trong công tác PCCC tại cơ sở, hướng dẫn cách khắc phục, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC. Tính đến cuối tháng 7-2021, các đơn vị công an trong tỉnh đã tham mưu, phối hợp với UBND cấp xã tổ chức kiểm tra hơn 1.818 nhà ở hộ gia đình; 942 nhà ở kết hợp SXKD không thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; 1.150 nhà ở kết hợp SXKD thuộc diện quản lý của UBND cấp xã; 179 nhà ở SXKD thuộc diện quản lý của cơ quan công an. Phát hiện 4.766 sơ hở, thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt 55.200.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về PCCC.

Riêng đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh do đại diện Công an tỉnh, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng đang tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại 25 cơ sở nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về PCCC, đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC&CNCH, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại.

Thời gian tới, công an trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung trọng tâm đã đề ra nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn và kiến nghị các biện pháp, giải pháp bảo đảm an toàn về PCCC, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện công tác PCCC từ cấp cơ sở, ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong khu dân cư và hộ gia đình.

 

 

Tác giả: Ngân Hà, Cao Hường
Nguồn: Báo Thanh Hóa
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu