Phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lĩnh vực ngân hàng

Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên lĩnh vực ngân hàng

Thời gian qua, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên loại tội phạm này vẫn gia tăng, tính riêng từ tháng 1/2022 đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã khởi tố điều tra 99 vụ án/74 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên lĩnh vực ngân hàng vẫn tiềm ẩn phức tạp, tinh vi, kín đáo và có sự thay đổi phương thức thủ đoạn gây khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra và ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của các ngân hàng, đồng thời tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Vụ việc điển hình

Từ tháng 6/2021 đến nay, lợi dụng chính sách của Ngân hàng VPbank cho khách hàng vay vốn/mở thẻ tín dụng bằng hình thức tín chấp (không tài sản đảm bảo) dành cho khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ lương. Các đối tượng đã tiếp cận, làm hồ sơ vay vốn/mở thẻ, sau khi được giải ngân thì rút hết tiền và tắt máy điện thoại liên lạc. Với tổng số trên 20 hồ sơ vay vốn/mở thẻ, ngân hàng VPbank đã giải ngân với tổng số tiền là trên 3 tỷ đồng, các đối tượng đã rút hết tiền và chiếm đoạt. Đến thời hạn, khách hàng không thanh toán, ngân hàng kiểm tra lại thông tin, địa chỉ trên hồ sơ khách hàng là đúng nhưng hình ảnh, chữ ký, chữ viết không đúng con người trên thực tế.

Ngày 05/8/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã Khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Thị Lan Anh, sinh ngày: 10/5/1990, trú tại: Chung cư cho thuê 3A, Phường Đông Vệ, Thành phố Thanh Hoá về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, hiện vụ án đang tiếp tục điều tra mở rộng xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của đối tượng

Đối tượng thông qua các mối quan hệ, nắm được những cá nhân có nhu cầu vay vốn (tập trung ở các cá nhân đang có nợ xấu), trao đổi nhận giúp làm hồ sơ và cùng nhau thực hiện các thủ tục để vay vốn ngân hàng. 

Sau khi tiếp cận được khách hàng, đối tượng yêu cầu khách hàng nộp ảnh thẻ 3x4 và lấy dấu vân tay để làm giả các tài liệu CMND, GPLX, Thẻ BHYT, Hợp đồng lao động với các doanh nghiệp và bảng tài khoản sao kê lương; Hồ sơ tài liệu do đối tượng làm giả có thông tin khách hàng (Họ và tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ, số thẻ BHYT) là đúng nhưng là của cá nhân khác, không phải thông tin của khách hàng, chỉ có hình ảnh, dấu vân tay và chữ ký là của khách hàng. Do đó, khi tiếp xúc trực tiếp khách hàng thì nhân viên giao dịch không phát hiện ra.

Đối tượng sử dụng nhiều số thuê bao di động (sim rác) để kê khai là thuê bao của khách hàng, của người thân, của đồng nghiệp đang sử dụng, sau khi khách hàng ký hợp đồng vay vốn/mở thẻ thì đối tượng thu giữ lại thuê bao phục vụ việc trả lời thẩm định từ phía ngân hàng. Hồ sơ vay/mở thẻ được duyệt ngân hàng đã giải ngân vào tài khoản, ngay sau đó đối tượng đã chuyển tiền Internet banking thông qua nhiều tài khoản ngân hàng khác (tài khoản có thông tin CMND giả) hoặc đến các điểm mua sắm để quẹt thẻ thanh toán tiền. Số tiền nhận được đối tượng không trả tiền cho khách hàng, đồng thời tắt máy liên lạc (không sử dụng thuê bao).

          Nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm

Lợi dụng chính sách cho vay tín chấp, các văn bản quy định về cho vay (tiếp xúc khách hàng), về thẩm định khách hàng vay tín chấp đến thời điểm hiện nay có nhiều điểm không còn phù hợp như thiếu quy định và chưa bổ sung về việc khách hàng vay tín chấp thì cán bộ ngân hàng (phải đến tận nhà, nơi ở của khách hàng để kiểm tra thực tế, phải phối hợp chính quyền địa phương để kiểm tra thông tin, hình ảnh, nghề nghiệp khách hàng, cũng như các cá nhân đứng ra giới thiệu)...

Cán bộ ngân hàng áp lực về doanh số, cố ý hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện không đúng các quy định của ngân hàng.

          Từ những nội dung trên, để phòng ngừa tốt các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực ngân hàng, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo và đề nghị các Ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Rà soát lại các quy định về cho vay tín chấp: Quy trình, trình tự thủ tục tiếp xúc khách hàng, thẩm định khách hàng để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với diễn biến tình hình thực tế nhằm khắc phục những sơ hở thiếu sót mà đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.

2. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ ngân hàng; Tăng cường công tác quán triệt, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ ngân hàng (nhất là cán bộ nhân viên giao dịch, thẩm định...) và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm theo quy định.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tích cực phát hiện tố giác vi phạm, tội phạm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tội phạm liên quan đến Làm giả hồ sơ tài liệu của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

4. Đối với tất cả các công dân có nhu cầu vay vốn ngân hàng nhất là qua hình thức tín chấp cần hết sức cảnh giác, chỉ vay qua các địa điểm Ngân hàng trong hệ thống tín dụng, đặc biệt không vay qua các phần mềm vay tiền online, làm thủ tục hồ sơ vay tín chấp qua người thân quen hoặc được giới thiệu, cung cấp thông tin cá nhân để bị lợi dụng thông tin làm hồ sơ vay bất hợp pháp.

Tác giả: Phòng Cảnh sát kinh tế
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu