A- A A+ |

Chữa “bệnh” xu nịnh

Xu nịnh là hành vi khen không đúng hoặc khen quá lời nhằm mục đích cầu lợi người được khen. Xu nịnh có từ xa xưa và giờ đây “liên tục phát triển”, trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội. Chữa “bệnh” xu nịnh là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2024/03/03/upload_2673/xu-ninh-baoqdbd-16-22-34-576.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

Những chuyện nịnh cười ra nước mắt

Thông thường ai cũng muốn được khen. Lời khen thực hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng mực, kịp thời sẽ có tác dụng khích lệ, động viên rất lớn. Tuy nhiên, nếu khen một cách dễ dãi, khen không đúng bản chất, khen không xuất phát từ tấm lòng chân thành thì đó chính  là xu  nịnh. Có rất nhiều câu chuyện cười ta nước mắt từ việc nịnh bợ này.

Có lần,  đến thăm nhà một đồng chí cán bộ cấp trên, khi được vợ đồng chí cán bộ này mời uống nước, một thành viên trong đoàn của chúng tôi nhấp một ngụm và hỏi: “Nước chị mua ở đâu mà ngon thế?”

Vợ đồng chí cán bộ này trả lời: “Đó là nước máy, tôi đun sôi rồi để nguội chứ có mua ở đâu đâu”?

Nghe xong, cả đoàn chúng tôi nhìn nhau cười và người nịnh hót thì đỏ chín cả mặt.

Lần khác, khi dự hội thảo về “Đổi mới công tác thi đua khen thưởng”, một cán bộ trình bày tham luận với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng trong công tác thi đua khen thưởng”, nhưng trong tham luận chẳng thấy tham nhũng, tiêu cực đâu mà chỉ thấy khen người chủ trì hội thảo, nào là “thủ trưởng luôn nhường danh hiệu thi đua cho người khác”, “thủ trưởng là người mẫu mực về đạo đức, tác phong”, “thủ trưởng là tấm gương sáng để chúng tôi học tập”… Đến lúc liên hoan “mừng thành công cuộc hội thảo”, có một cán bộ lớn tuổi đã “khen” người phát biểu đó rằng: “Anh giỏi quá, đã đổi tên cuộc hội thảo thành “Đổi mới công tác xu nịnh”. 

Thói xu nịnh  thời nay biến hóa khôn lường với muôn hình vạn trạng. Ngày xưa thường chỉ có cấp dưới nịnh cấp trên còn ngày nay, còn có hiện tượng cấp trên nịnh dưới, nhất là vào các dịp bỏ phiếu tín nhiệm, đánh giá cán bộ, chuẩn bị đại hội, bầu nhân sự ở các cấp, các ngành... Không chỉ cấp dưới trực tiếp nịnh thủ trưởng cấp trên mà còn nịnh gián tiếp qua vợ, con thủ trưởng. Không chỉ nịnh bằng lời lẽ ngon ngọt mà còn nịnh qua nhiều kênh, phương tiện, vật chất, cơ chế, chính sách…  mà chúng ta gọi là hối lộ, tham nhũng. Thậm chí có trường hợp nịnh bằng chính thân xác mình hoặc thân xác của vợ con mình cho kẻ có quyền. Người đi nịnh "sáng tạo" ra không biết bao nhiêu cách, có thể nói đạt tới trình độ "nghệ thuật". Ngay cả trong hội nghị phê bình, kiểm điểm, vẫn có người xu nịnh cấp trên: “Trưởng phòng có khuyết điểm rất lớn đó là coi thường sức khỏe của bản thân, làm việc quên cả giờ giấc”; “Khuyết điểm của thủ trưởng là thiếu quan tâm đến gia đình vợ con, suốt đêm ngày ở cơ quan và đi cơ sở”…

Hậu quả khôn lường

Không phải bây giờ thói xu nịnh mới có mà căn bệnh này đã có cách đây hàng ngàn năm, gây những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Ở nước Việt Nam, sử sách còn ghi lại vào Vua Trần Dụ Tông (1336-1369) bất tài, bị một số quan lại triều đình nịnh bợ, không nghe theo những trung thần nên để dân chúng đói khổ, đất nước suy kiệt.

Ở Trung Quốc thời Đông Chu liệt quốc, Vua Ngô là Phù Sai vì không chịu nghe lời can gián ngay thẳng của trung thần tướng quốc Ngũ Viên, chỉ nghe lời của kẻ nịnh thần là quan thái tể Bá Hi nên mất nước vào tay Việt Vương Câu Tiễn. Thời nhà Thanh có nịnh thần nổi tiếng là Hòa Thân, do có tài nịnh, được vua Càn Long tin dùng nên Hòa Thân đã lộng hành, khuynh đảo thiên hạ, hãm hại người tài, trung thần. Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hòa Thân: “Khanh là trung thần hay gian thần”. Hòa Thân đáp: “Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần”. Vua Càn Long hỏi tại sao, Hòa Thân tiếp tục đáp: “Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất!”…

Việc nịnh hót nói chung đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người nịnh và người  được  nịnh. Nhưng đó là cái lợi không chính đáng và thường là cái lợi nhỏ. Còn tác hại của việc nịnh mới là cái lớn. Bởi lẽ mục đích của nịnh là vì quyền lợi, vì mưu lợi cá nhân. Những người nịnh và được nịnh có thể bóp méo sự thật, đổi trắng thay đen, biến của công thành tư, xấu thành tốt… Nhân cách phẩm giá của họ không còn. Đạo lý nghĩa tình của họ cũng hết. Từ trung thực họ thành kẻ phản bội. Họ làm băng hoại đạo lý. Thực tế cho thấy, nịnh bợ là tiền đề của tham nhũng tiêu cực và thường gắn liền với tham nhũng tiêu cực, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội. Người được nịnh cứ nghĩ đó là khen thật, gây ra tâm lý tự mãn, ảo tưởng. Những cán bộ, đảng viên chân chính xung quanh thấy vậy sẽ sinh ra chán nản, giảm ý chí phấn đấu, không thiết tha cống hiến. Cơ quan, đơn vị có kẻ nịnh bợ thường dẫn đến cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, mất đoàn kết hoặc đoàn kết xuôi chiều, từ đó năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng giảm sút, chất lượng thực hiện nhiệm vụ thấp.

Giải pháp đẩy lùi thói xu nịnh

Thói xu nịnh là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng ta chỉ ra.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập và chấn chỉnh “căn bệnh” xu nịnh trong các mối quan hệ công tác và xã hội của cán bộ, đảng viên và trong cả quần chúng nhân dân nói chung. Năm 1947, khi kêu gọi toàn dân xây dựng “Đời sống mới”, Người đã căn dặn “Người hơn mình, thì chớ nịnh hót”. Với cán bộ, Người nhiều lần nhắc nhở về căn bệnh “Ưa người ta nịnh mình” hay bệnh “Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực”. Khi viết về những phẩm chất cần có của một “người tướng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, 1 trong 8 điều xấu phải tránh là “Hay nghe lời xu nịnh” …

Thực tế cho thấy,  người có đức, có  tài thường không xu nịnh. Người có bản lĩnh và tự trọng cũng không thích nghe nịnh. Khi năng lực và tự trọng của cán bộ được nâng cao sẽ tạo ra “sức đề kháng” để chống lại “căn bệnh” xu nịnh. Vì thế, giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi thói xu nịnh chính là phải giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, giàu lòng tự trọng. Bởi khi cán bộ, đảng viên có phẩm chất, lòng tự trọng sẽ luôn biết giữ gìn danh dự của bản thân, trung thực, giản dị, tỉnh táo, sáng suốt và không bị "mê hoặc" trước những lời lẽ vuốt ve, ca ngợi thái quá.  

Nếu người lãnh đạo, quản lý có tâm trong sáng, có tinh thần tập thể, coi trọng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, dùng “tai mắt” của quần chúng nhân dân, dư luận trong cơ quan, đơn vị để xem xét, đánh giá con người trong công tác nhân sự thì thói xu nịnh sẽ không còn đất sống.  Vì thế, để chữa trị “căn bệnh” xu nịnh, các cơ quan, đơn vị cần tạo môi trường giao tiếp, ứng xử lành mạnh để mọi người trong tập thể được bày tỏ chính kiến, lập trường đúng đắn của mình.

Để có cơ sở nhận diện đối tượng xu nịnh, trong công tác đánh giá cán bộ, mỗi tổ chức đảng, tổ chức chính trị-xã hội cần sớm nghiên cứu xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá, nhận diện biểu hiện xu nịnh; xem đó là một tiêu chí quan trọng trong hệ tiêu chí đánh giá cán bộ hiện nay. Trên cơ sở kết quả đánh giá, việc một cá nhân được số đông thành viên trong tập thể phát hiện, phản ánh có biểu hiện xu nịnh thì tổ chức và cơ quan chức năng phải quyết liệt kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp xử lý thích đáng, thậm chí phải tiến hành kỷ luật nếu cần thiết. Nhất quyết không được xem nhẹ, cả nể, bỏ qua với bất kỳ biểu hiện nào dù nhỏ nhất của "bệnh xu nịnh”. Đặc biệt, trong các dịp đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, bầu cử các vị trí công tác chủ trì, chủ chốt thì công tác rà soát, thẩm định cán bộ đối với các biểu hiện xu nịnh cần được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt với cách làm ngày càng bài bản, khoa học.  Khi phát hiện cán bộ, đảng viên có biểu hiện nịnh bợ thì kiên quyết đấu tranh, thải loại; tuyệt đối không để lọt vào tổ chức, không để “trèo cao, leo sâu” vào hàng ngũ những cán bộ xu nịnh, chạy chọt. Kiên quyết không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện xun xoe, nịnh bợ.

Cách đây hơn 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27-12-2018 về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ; trong đó quy định rõ việc công chức, viên chức không nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì động cơ không trong sáng. Tuy nhiên, chế tài xử lý hành vi xu nịnh lại chưa rõ ràng. Vì vậy,  rất cần đưa một số điều của đề án nói trên vào các dự án Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, trong đó luật hóa quy định không nịnh bợ cấp trên./.

https://dangcongsan.vn/


Tác giả: PA03
Nguồn: dangcongsan.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu