Nhìn lại những nỗ lực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Thanh Hoá
Ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 vô cùng khốc liệt, tỉnh Thanh Hóa hứng chịu nhiều thử thách khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, Thanh Hóa đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế.
Nỗ lực ứng phó với đại dịch khốc liệt
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam diễn ra rất khốc liệt với nhiều biến chủng mới cực kỳ nguy hiểm đã làm đảo ngược các thành quả phòng chống dịch trên thế giới và làm thay đổi mọi thứ trong công tác phòng chống dịch ở Việt Nam.
Tại Thanh Hóa, dịch đã tấn công vào các bệnh viện, khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số ca nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở còn nhiều khó khăn.
Ngay từ những ngày đầu khi đại dịch Covid-19 chỉ vừa mới xuất hiện và có nguy cơ lan rộng, tỉnh Thanh Hoá đã chủ động, kịp thời chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nắm chắc tình hình, diễn biến, đề ra các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các sở, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các đoàn thể và các địa phương đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp- Covid-19 là đại dịch toàn cầu đã đặt các quốc gia trên toàn thế giới vào tình trạng khẩn cấp như thời chiến với những mối đe dọa về sức khỏe, tính mạng và gây nên khủng hoảng đời sống, kinh tế toàn cầu nghiêm trọng. Đại dịch đã càn quét dữ dội khắp các châu lục, trở thành một thách thức to lớn trong lịch sử loài người, để lại những hậu quả không thể đong đếm.
Xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đã từng bước chủ động chuẩn bị các điều kiện ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, trong đó, đã kiểm soát chặt chẽ, sát sao mọi diễn biến dịch bệnh và xử lý triệt để các điểm dịch, ổ dịch nóng tại các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hậu Lộc, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, thị xã Bỉm Sơn...
Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của các cấp, các ngành và của toàn dân. Chỉ tính riêng từ đợt bùng phát làn sóng dịch lần thứ tư từ ngày 27/04/2021 đến nay, Ban chỉ đạo tỉnh Thanh Hoá đã có hơn 30 công điện phòng, chống dịch Covid-19; hơn 300 văn bản về công tác điều tra truy vết, cách ly, xét nghiệm, xử lý ổ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, có những thời điểm dịch có nguy cơ bùng phát diện rộng, ngành chức năng đã triển khai kịp thời Công điện số 28, 29, 30/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý người trở về từ TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh phía nam; thực hiện Quyết định 4399/QĐ-UBND ngày 05/11/2022 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Toàn tỉnh đã tập trung cao cho công tác phòng, chống dịch với phương châm: phòng dịch là giải pháp cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, quản lý, ngăn chặn không để dịch lây lan vào địa bàn, thích ứng với cuộc sống “bình thường mới”.
Song song với đó, Thanh Hóa cũng tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nhân lực và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tỉnh đã phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của hệ thống máy xét nghiệm vừa được trang bị nhằm sàng lọc, phát hiện nhanh các trường hợp F0; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cán bộ y, bác sĩ, nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao và cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện; tuyệt đối không để dịch bệnh lây nhiễm chéo, lây lan, bùng phát trong các cơ sở y tế.
Nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được triển khai như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn.
Để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành về phòng chống dịch và cũng như cung cấp nhanh, kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh đến với người dân, ngày 09/10/2021, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai trương Cổng thông tin phòng, chống Covid-19 tỉnh Thanh Hóa với tên miền là covid19.thanhhoa.gov.vn. nhằm cung cấp các địa điểm bán hàng hóa thiết yếu online; các khu vực phong tỏa, trạm y tế, chốt kiểm dịch, các cơ sở xét nghiệm, các khu vực có địa điểm phong tỏa, chức năng camera giám sát, chức năng họp trực tuyến…
Cùng với đó là triển khai hoạt động của Tổng đài 1022 hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó, thành lập bộ phận Thường trực tiếp nhận, trả lời thông tin tại Viễn thông Thanh Hóa hoạt động liên tục 24/7. Trong thời gian hoạt động, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận các thông tin phản ánh, kiến nghị, yêu cầu hỗ trợ của người dân, tổ chức liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với các giải pháp phòng chống dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hoá cũng đã quyết liệt trong việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành các công điện 09, 10,11 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 1, 2, 3 năm 2021; chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chiến dịch tiêm chủng mũi bổ sung, nhắc lại cho đối tượng trên 18 tuổi; chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Đến nay, công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tính đến ngày 1/12/2022, Thanh Hoá đã tiếp nhận 9.274.850 liều vắc xin phòng Covid-19, đã và đang triển khai triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 5 tuổi trở lên với kết quả tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Có 2.396.832 người tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 100,1%; 2.377.695 người tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 99,34%; 2.135.771 người tiêm mũi nhắc lại lần 1, đạt tỷ lệ 96,8%; 663.565/675.175 người tiêm mũi nhắc lại lần 2, đạt tỷ lệ 98,3%.
Tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi: Có 295.027 trẻ tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 103,1%; 292.895 trẻ tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ 102,2%; 254.135/285.497 trẻ tiêm mũi nhắc lại, đạt tỷ lệ 89,0%. Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Có 461.677/472.621 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 97,7%; 416.035/472.621 trẻ tiêm mũi 2 đạt tỷ lệ 88,0%.
Nhờ đó, tỷ lệ ca mắc/dân số trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá chỉ có khoảng hơn 205.400 bệnh nhân cộng dồn, chiếm 5,3%; Tỷ lệ tử vong so với các tỉnh, thành phố là thấp nhất của cả nước với 76 ca (chiếm tỷ lệ <0,03%). Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến nay luôn được kiểm soát tốt, 559/559 xã hiện nay đang thuộc “vùng xanh” theo cấp độ dịch của Bộ Y tế.
Nhờ nhiều quyết định mang tầm chiến lược để thay đổi, chuyển hướng phù hợp tình hình của cả hệ thống chính trị, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được kiểm soát tốt, tỷ lệ số ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển.
"Chia lửa" với các địa phương trên cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19
Với tinh thần "tương thân tương ái" cùng các địa phương trên cả nước sớm đẩy lùi dịch bệnh, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương đi đầu tham gia giúp các địa phương khác trong cả nước chống dịch Covid-19.
Hàng trăm bác sĩ, y tá, cán bộ y tế nhiều kinh nghiệm của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, thành phố của Thanh Hoá được lựa chọn kỹ lưỡng, có nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng làm việc độc lập đã tự nguyện lên đường, về các điểm nóng dịch Covid-19 để “chia lửa”, hỗ trợ chuyên môn và giúp các địa phương chống dịch.
Cùng với đó, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam. Nhằm kịp thời động viên, chia sẻ, hỗ trợ nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngày 17/07/2021, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, vận động toàn thể nhân dân trong tỉnh hưởng ứng tuần lễ "Hướng về Thành phố mang tên Bác" với tinh thần “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hoạt động quyên góp, ủng hộ nhu yếu phẩm, hàng hóa khô đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tại Thanh Hóa hưởng ứng nhiệt tình.
Sau 04 ngày vận động, Mặt trận Tổ quốc các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã tiếp nhận trên 1.645 tấn hàng hóa và hơn 664 triệu đồng tiền mặt.
Đây là số lượng hàng hóa huy động trong một thời gian ngắn đạt được kết quả lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện tinh thần đoàn kết, thương yêu, chia sẻ khó khăn của người dân Thanh Hóa đối với TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, trong một thời gian rất ngắn tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Nam với trên 2.300 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và gần 20 tỷ đồng để các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid -19.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch
Với quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh dịch, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và thành quả phát triển kinh tế xã hội, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát sao từ sớm, từ xa của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực.
Nổi bật là tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, không để bùng phát, lây lan diện rộng.
Năm 2021, Thanh Hóa vẫn giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,85%, đứng thứ 05/63 tỉnh, thành phố có mức tăng cao của cả nước; tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp; giá trị xuất khẩu; thành lập mới doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công; thu ngân sách Nhà nước... đều thu được kết quả khả quan.
Hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 và đạt được những kết quả lạc quan. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ; trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 89 dự án đầu tư trực tiếp (có 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 24.015 tỷ đồng và 112,7 triệu USD. Thành lập mới 3.500 doanh nghiệp, tăng 16,7% kế hoạch, đứng thứ tư cả nước về thành lập mới doanh nghiệp.
Tỉnh cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 với nhiều giải pháp cụ thể, sáng tạo. Kết quả, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 25/11/2021 đạt 8.211,7 tỷ đồng, bằng 89,1% kế hoạch, cao hơn 5% so với cùng kỳ và đứng thứ hai cả nước về tỷ lệ giải ngân nhanh.
Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội cơ bản được duy trì; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới và đạt kết quả tích cực; đã tổ chức thành công rất tốt đẹp Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp thứ Nhất HĐND tỉnh khóa XVIII và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tiếp nối đà tăng trưởng tích cực trong năm 2021, Thanh Hoá tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao trong năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 16,31% so với cùng kỳ; hầu hết các sản phẩm công nghiệp truyền thống, chủ yếu vẫn duy trì đà phát triển ổn định, có sản lượng tăng cao.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh vượt dự toán và tăng mạnh so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt cao nhất từ trước đến nay. Thanh Hóa lần đầu vào lọt top 8 tỉnh thành về thu ngân sách lớn nhất cả nước.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; có 12/13 lĩnh vực thu vượt dự toán. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp (6 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 50,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai tích cực, kịp thời, hiệu quả. Tính đến ngày 15/11/2022, có 3.157 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, vượt 5,2% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ, đứng thứ 6 cả nước…
Tỉnh Thanh Hóa thể hiện sự quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của ngành kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn, cơ quan, đơn vị để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững; xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước, thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng.
Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Thanh Hoá đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Diễn biến phức tạp, thời gian kéo dài, mức độ nguy hiểm và quy mô rộng lớn của dịch Covid-19 đã đặt cả hệ thống chính trị và người dân vào những thách thức chưa từng có tiền lệ về năng lực quản lý, điều hành kinh tế và nỗ lực ứng phó với đại dịch.
Hơn lúc nào hết, chống dịch đã trở thành trách nhiệm chung không của riêng ai.
Nhìn lại những thời điểm khó khăn nhất, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" với mục tiêu khống chế và dập dịch nhanh, giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch cũng đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, để xảy ra sai phạm liên quan đến việc đấu thầu, mua bán vật tư, sinh phẩm phòng chống dịch.
Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh, nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch trong cuộc chiến với dịch Covid-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.
Tại phiên họp thứ 16, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Nghị quyết 30 cho phép Chính phủ thực hiện biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Trong đó, có các quyết định liên quan đến cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất... Tuy nhiên, sau khi áp dụng biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán lại không xem xét yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng nghiên cứu cơ chế đặc thù để xử lý những vi phạm khi thực hiện biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời tiếp tục đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong phòng chống dịch thời gian qua.
Nguồn: https://thuonghieucongluan.com.vn/nhung-no-luc-nhin-tu-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid-19-tai-thanh-hoa-a184436.html