Công an huyện Như Xuân đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Như Xuân là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh. Toàn huyện có 16.705 hộ, với 70.066 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc chính là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Trong những năm qua, cùng với  hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, cơ sở hạ tầng thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện Như Xuân cũng có nhiều chuyển biến tích cực...

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính quyết định, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân trong công tác bảo đảm ANTT, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Công an huyện Như Xuân đã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm từng nhóm đối tượng, địa bàn, tầng lớp dân cư. Nhiều xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị  đã ứng dụng công nghệ thông để tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm ANTT, được đông đảo người dân hướng ứng tham gia.

Một trong những kết quả nổi bật trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở huyện Như Xuân, đó là công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Trong đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả thiết thực, phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn cơ sở, nguyện vọng của cán bộ, quần chúng nhân dân. Điển hình như các mô hình: “Camera ANTT”; “Ứng dụng mạng xã hội Zalo trong tiếp nhận thông tin và phòng, chống tội phạm”; “Dòng họ văn hóa”; “Cổng trường an toàn giao thông”, “Hội lái xe với ANTT”; “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng”... Bên cạnh đó, Như Xuân  đã củng cố, kiện toàn 16 Ban Chỉ đạo ANTT xã, thị trấn, 112 tổ bảo vệ ANTT thôn, khu phố và 550 tổ an ninh xã hội; duy trì và phát huy 28 mô hình xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hàng năm, trên 90% xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, trên 90% thôn, khu phố đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”

Mô hình Camera ANTT ở huyện Như xuân phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa đấu tranh tội phạm.

Trung tá Lê Hữu Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy chia sẻ: Mô hình “ Ứng dụng mạng xã hội Zalo trong công tác tiếp nhận thông tin về ANTT và phòng chống tội phạm” được triển khai thực hiện tại các thôn, bản,  khu phố trên địa bàn huyện Như Xuân gần 2 năm nay, bước đầu đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Thông qua đó đã kết nối nhóm Zalo giữa lực lượng Công an phường với Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố và người dân. Từ những nhóm Zalo này, lực lượng Công an xã, thị trấn đã cung cấp và thông tin đến người dân những vấn đề về ANTT, giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và kịp thời trao đổi phản ánh lại với lực lượng Công an khi cần thiết.

Bên cạnh mô hình Ứng dụng mạng xã hội Zalo trong công tác tiếp nhận thông tin về ANTT và phòng chống tội phạm”, đến nay, 100% các xã, thị trấn đều đã  được lặp đặt hệ thống camera ANTT giám sát. Thông qua hệ thống camera này, từ năm 2023 đến nay đã giúp cho lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã  điều tra làm rõ gần 20 vụ, 25 đối tượng gây tai nạn giao thông bỏ trốn, cướp giật, trộm cắp tài sản trâu, bò, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy và gây rối trật tự công cộng.

Công an huyện Như Xuân tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật về An toàn giao thông cho học sinh

Cùng với các mô hình trên, xuất phát từ tình hình thực tiễn, hiện nay trên địa bàn huyện Như Xuân có 104 người chấp hành xong án phạt tù hiện đang cư trú, sinh sống và làm việc tại địa phương. Trong những năm qua, Công an huyện đã tham mưu và phối hợp triển khai xây dựng nhiều mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó, đã xây dựng 2 mô hình: “G5+ giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương” và “Doanh nghiệp với công tác tái hòa nhập cộng đồng” nhằm huy động tối đa sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn dân, nhất là đội ngũ các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia công tác tái hòa nhập cộng đồng, qua đó tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định,không tái phạm tội, góp phần vào công tác bảo đảm ANTT.

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an huyện phối hợp với Ngân hàng chính sách rà soát, cho vay vốn đối với 13 trường hợp là những người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương với tổng số tiền giải ngân trên 1,130 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều người có quá khứ lầm lỡ trở về có cơ hội học nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định, trong đó có nhiều người đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập kinh tế khá.

Thượng tá Mai Anh Tiến, Trưởng Công an huyện Như Xuân cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong thời gian tới, Công an huyện Như Xuân tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND và Ban Chỉ đạo 138 huyện lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Cùng với đó, tăng cường các biện pháp công tác nhằm phòng ngừa, quản lý tốt địa bàn; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp bảo đảm ANTT, thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhằm kiềm chế và làm giảm tội phạm về trật tự xã hội. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo hướng chú trọng công tác tuyên truyền; đồng thời rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản về ANTT.

Tác giả: Hà Mai
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu