A- A A+ |

Hiệu quả từ những mô hình "Cổng trường an toàn giao thông”

Những năm qua, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã trở thành một nét đẹp văn hóa được các trường học, phụ huynh, học sinh trên địa bàn tỉnh tham gia, hưởng ứng. Mô hình này đã góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực trường học và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

 “Mô hình cổng trường an toàn” là một trong những mô hình trọng điểm thuộc chương trình phối hợp số 11 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020 – 2025. Sau thời gian triển khai trên địa bàn tỉnh, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”  đã phát huy tác dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau giờ tan học; tình trạng tai nạn giao thông. Thông qua mô hình giúp xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, sớm hình thành ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Theo số liệu thống kê, hiện nay ngoài các mô hình tự quản như “Camera giám sát ANTT và ATGT”, “Hội Cựu chiến binh cứu hộ, cứu nạn”, “Đoạn đường tự quản”, “CLB thanh niên xung kích đảm bảo trật tự ATGT”, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang duy trì hoạt động có hiệu quả 240 mô hình “Cổng trường ATGT”, trong đó có 89 mô hình duy trì hoạt động trước năm 2023; 94 mô hình xây dựng mới trong năm 2023 và 57 mô hình khác có liên quan. Trong đó, có nhiều đơn vị đã quan tâm chỉ đạo và triển khai xây dựng được nhiều mô hình “Cổng trường ATGT”, như: Huyện Triệu Sơn: 21 mô hình, huyện Thạch Thành: 15 mô hình; thị xã Bỉm Sơn 11 mô hình… Hầu hết các mô hình này, sau khi ra mắt hoạt động đã được duy trì nền nếp và phát huy hiệu quả tại các cổng trường học. Đồng thời, thu hút được sự vào cuộc của các đoàn thể, các hộ gia đình và nhất sự tham gia nhiệt tình của mỗi người dân. Qua đó đã tạo một hiệu ứng mạnh mẽ có sức lan toả sâu rộng làm thay đổi nhận thức của người dân về nhiệm vụ bảo đảm ATGT và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trên cơ sở phối hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai chương trình số 154, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT cho thanh thiếu niên, học sinh. Đối với ngành Giáo dục đã tổ chức triển khai một số nội dung quan trọng như: công tác triển khai văn bản, tài liệu truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với ATGT đến tất cả các cán bộ, giáo viên và học sinh trong toàn ngành, chú trọng công tác tập huấn, nâng cao năng lực, đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ giáo viên trong năng lực, trách nhiệm hướng dẫn thanh thiếu niên, học sinh thực hiện nếp sống văn hóa giao thông, thực thi pháp luật về an toàn giao thông trong toàn ngành và đặc biệt là đưa nội dung giáo dục vào trong chương trình học chính khóa, lồng ngép vào các môn học có liên quan; đồng thời tăng cường các hoạt động ngoại khóa giáo dục ATGT cho học sinh.

Tại huyện Thạch Thành, trường Tiểu học Thành Thọ là một trong những trường đi đầu trong việc triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Trước đây, vào các khung giờ cao điểm đầu giờ vào học và cuối buổi tan học, phần lớn các phương tiện di chuyển qua đây đều hết sức khó khăn bởi phương tiện của phụ huynh đi đón con đậu tràn lan dưới lòng đường. Thế nhưng, từ tháng 1/2024 đến nay, sau khi Công an xã Thành Thọ và Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp triển khai xây dựng mô hình "Cổng trường tự quản về trật tự ATGT" thì tình trạng trên đã giảm hẳn.

Theo đó, vào các khung giờ cao điểm, lực lượng Công an xã Thành Thọ đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường phân công cán bộ thường trực tại khu vực cổng trường để hướng dẫn học sinh di chuyển theo hàng lối, không tụ tập, đùa nghịch, gây cản trở giao thông, đồng thời nhắc nhở phụ huynh khi chờ đón con phải đậu đỗ xe đúng vị trí nhà trường đã sắp xếp. Đặc biệt, Ban Giám hiệu nhà trường cũng xây dựng nội quy, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng giáo viên và thành lập các Đội xung kích, Đội cờ đỏ để làm nhiệm vụ phối hợp, giữ gìn trật tự ATGT. Nhờ đó việc lưu thông tại khu vực cổng trường đã trở nên thuận tiện và an toàn hơn. Điều quan trọng là thông qua mô hình này đã góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, đẩy lùi tình trạng vi phạm trật tự ATGT và sớm hình thành văn hóa giao thông cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Lực lượng Công an tham gia điều tiết, hướng dẫn giao thông cho các em học sinh trước cổng trường học vào các khung giờ vào học và tan học

Cô giáo Trịnh Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường TH Thành Thọ, Thạch Thành cho biết: Nhà trường đã phối hợp với Công an xã Thành Thọ triển khai xây dựng mô hình như kiện toàn lại Ban chỉ đạo; thành lập Đội xung kích gồm 20 em học sinh khối 4 và khối 5, cùng với các giáo viên phụ trách hướng dẫn các em học sinh tham gia giao thông trước cổng trường học vào các khung giờ tan học. Bên cạnh đó, nhà trường đã tập trung tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh và các em học sinh qua nhiều hình thức. Vì vậy, đến nay, cổng trường Tiểu học Thành Thọ đã trở thành điểm tin cậy cho phụ huynh và các em học sinh.

Không chỉ riêng tại Thạch Thành, thời gian qua, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh, với 240 mô hình hoạt động, duy trì nền nếp. Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích về ATGT trong các trường học, hướng dẫn giao thông tại cổng trường, tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp với các nhà trường, các đơn vị chức năng lắp đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, vạch kẻ đường… đảm bảo đúng quy định tại khu vực cổng trường; hướng dẫn phụ huynh dừng đỗ, xe đưa, đón học sinh, sắp xếp phương tiện thành hàng lối, không gây cản trở giao thông, không để xảy ra tai nạn và ùn tắc tại khu vực cổng trường…Đồng thời phối hợp với các nhà trường triển khai đưa nội dung giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn vào chương trình học chính khóa, trong các hoạt động trải nghiệm cho học sinh…Từ đó, tạo những chuyển biến tích cực về TTATGT tại khu vực các cổng trường học.

Thường xuyên tuyên truyền cho các em học sinh bằng nhiều hình thức

Có thể nói, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đã phát huy hiệu quả và trở thành nét đẹp văn hóa trong ý thức, thói quen chấp hành pháp luật an toàn giao thông của phụ huynh và học sinh, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, TNGT tại khu vực cổng trường…tạo ra một môi trường giao thông an toàn , góp phần giảm thiểu tai nạn liên quan đến học sinh. Sự lan tỏa và mở rộng của mô hình này cũng là một minh chứng cho hiệu quả của nó, rất cần được nhân rộng và duy trì trong thời gian tới./.


Tác giả: Hà Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu