Phát huy sức mạnh toàn dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Cách đây 63 năm, ngày 04/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Đây là văn bản đầu tiên quy định quyền, nghĩa vụ của tổ chức và công dân trong công tác PCCC, đồng thời cũng đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát PCCC. Tiếp đó, năm 1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369 xác định ngày 4/10 hằng năm là “Ngày phòng cháy chữa cháy toàn dân”. Từ đó đến nay, ngày 04/10 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đồng thời cũng là ngày “Toàn dân PCCC”.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh phối hợp thực hành phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng

Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trên lĩnh vực PCCC, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật PCCC ra đời, lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia PCCC. Coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật về PCCC cho cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, ngày càng hướng về cơ sở và trực tiếp đến từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường và người dân.

Thường xuyên tổ chức thực hành trãi nghiệm trong công tác PCCC&CNCH để nâng cao khả năng xử lý tình huống và nâng cao nhận thức, ý thức trong PCCC cho Nhân dân

Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tham mưu tổ chức hơn 6.000 buổi tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC; kỹ năng thoát nạn, phòng chống tai nạn đuối nước cho cán bộ, công nhân viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân; tổ chức đồng loạt hơn 285 điểm tuyên truyền, trải nghiệm thực hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thu hút 74.932 người tham gia; phối hợp tổ chức 62 lớp huấn luyện PCCC chuyên sâu cho lực lượng dân phòng với 3.660 người tham gia.

Phố Đội Cung 3, phương Đông Thọ tự giác vận động Nhân dân trang bị phương tiện PCCC

Ông Dương Đình Thanh, Tổ trưởng tổ dân phố Đội Cung 3, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa cho biết: Để bảo đảm an toàn PCCC, chúng tôi xác định yếu tố con người là quan trọng nhất, trong đó ý thức bảo vệ và tự bảo vệ của người dân là then chốt. Trong những năm qua, cùng với lực lượng Công an, chúng tôi đã tích cực tuyên truyềnđến từng người dân, từng hộ gia đình trong khu phố chấp hành nghiêm  các quy định của pháp luật về PCCC. Bên cạnh đó, chúng tôi đã vận động Nhân dân tự giác trang bị phương tiện PCCC như bình cứu hỏa, công cụ cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý các vụ việc cháy nổ; vận động Nhân dân tự giác mở lối thoát hiểm, tự kiểm tra, hạn chế các nguyên nhân phát sinh cháy, nổ tại khu dân cư...

Những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao đều được tuyên truyền, vận động để thực hiện tốt công tác PCCC, xây dựng mô hình tự quản trong công tác PCCC&CNCH

Với sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh số vụ cháy, số người chết và thiệt hại tài sản do cháy nổ xảy ra giảm so với cùng kỳ năm 2023. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả 63 vụ cháy, 29 vụ cứu nạn cứu hộ. Riêng lực lượng PCCC tại cơ sở đã phát hiện kịp thời, chữa cháy 16 vụ cháy, 11 vụ cứu nạn cứu hộ.

Trung tá Lê Đình Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực, cơ sở trọng điểm về PCCC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho người dân; nhân rộng và phát huy hiệu quả thực chất của các Trung tâm giáo dục cộng đồng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, các mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; tăng cường phổ biến tới quần chúng nhân dân biết và tham gia học tập các kiến thức, kỹ năng về PCCC trên nền tảng số; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm “bốn tại chỗ”; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC dân phòng, PCCC cơ sở...

Các đội PCCC tại cơ sở được xây dựng để chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra

Ông Đỗ Minh Đức, Đội trưởng đội PCCC Công ty TNHH Sunjade, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa cho biết: Xác định công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ là nhiệm vụ hết sức quan trọng, bảo đảm sự an toàn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của công ty, lãnh đạo Công ty đã luôn quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ PCCC cơ sở. Đồng thời, đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị nhiều phương tiện, thiết bị chữa cháy hiện đại. Hiện nay, Công ty TNHH Sunjade đã thành lập đội PCCC cơ sở gồm 150 thành viên, trong đó có 18 thành viên nòng cốt, trang bị 2 xe chữa cháy chuyên dụng và nhiều trang thiết bị hiện đại khác đủ sức xử lý ngay tại chỗ những vụ việc cháy, nổ có thể xảy ra. Hằng năm, Công ty đã phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ và diễn tập các phương án PCCC nhằm tăng cường khả năng ứng phó, xử lý đối với các tình huống cháy, nổ, sự cố của lực lượng PCCC ở cơ sở, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm PCCC trong cán bộ, công nhân viên, người lao động trong công ty.

Đội PCCC tại Công ty TNHH Sunjade, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP.Thanh Hóa được trang bị phương tiện chữa cháy hiện đại và được huấn luyện nghiệp vụ thường xuyên sẵn sàng xử lý các tình huống cháy nổ phát sinh ngay tại cơ sở

Cùng với việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản về PCCC. Trong đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 4 mô hình PCCC tại khu dân cư, 2.089 “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 1.662 “Điểm chữa cháy công cộng”; 262 mô hình tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về PCCC trên hệ thống quảng cáo, màn hình khởi động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh Karaoke… Thông qua hoạt động của các mô hình đã phát huy vai trò, trách nhiệm, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác PCCC, góp phần bảo vệ an toàn tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Để công tác PCCC thực sự trở thành trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của toàn dân, ngoài sự cố gắng của chính quyền, lực lượng Công an, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp và toàn dân trong công tác PCCC, qua đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ và sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần kiềm chế và làm giảm tối đa nguyên nhân, điều kiện phát sinh cháy, nổ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân./.

Tác giả: Đình Hợp
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu