TP. Thanh Hoá xây dựng, nhân rộng mô hình “Cựu chiến binh giúp đỡ, giáo dục cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”

Chiều 14/12/2023, Ban Chỉ đạo 138 TP. Thanh Hoá đã tổ chức Hội nghị triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình “Cựu chiến binh giúp đỡ, giáo dục cảm hóa người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”. Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh dự và phát biểu tại Hội nghị...

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Thanh Hóa có trên 3.000 đối tượng hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội; 639 đối tượng tù tha, đặc xá trở về địa phương sinh sống, hiện chưa xóa án tích. Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự đối với người chấp hành án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác tái hoà nhập cộng đồng. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tiếp nhận, quản lý 1.028 người được đặc xá, tha tù trở về địa phương. Việc tiếp nhận các đối tượng được giao cho các cơ quan có liên quan và địa phương có trách nhiệm phân công người quản lý, giám sát theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Trong đó đã tổ chức cho 639 người chấp hành án xong án phạt tù đều tham gia để nghe phổ biến, quán triệt các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù để mọi người xóa bỏ thái độ định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù và quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, góp phần phòng ngừa ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ tạo nghề, tạo việc làm UBND các xã, phường đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi để số đối tượng tù tha, đặc xá trở về địa phương sinh sống có việc làm ổn định.

Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến hoạt động của mô hình; số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương do còn mặc cảm, tự ti với thân phận nên ít làm việc tại địa phương; một số người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng được làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và hỗ trợ giúp đỡ vay vốn để họ có việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…

 

Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở phường, xã tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương, từ đó phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân thực hiện các nội dung cụ thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, xác định từng nhóm người để có phương pháp, cách làm riêng, vận động cảm hóa riêng. Trong đó, trọng tâm là đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, đồng thời tổ chức tuyên truyền, thực hiện tốt các quy định đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thành phố cần tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, các ngành chức năng và UBND các xã, phường trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương, làm tốt công tác tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý, xóa bỏ tư tưởng, kỳ thị của người dân với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ yên tâm tư tưởng, tu dưỡng, rèn luyện và có việc làm phù hợp với bản thân.

Tác giả: Sơn Hà
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu