Sự kiện số 34: Điều tra vụ lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân ở ngân hàng cổ phần Nam Thành
Trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 1996, trên lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh nổi lên tình hình thất thoát lớn tài sản của nhà nước tập trung ở khâu vay tín dụng, vay ưu đãi, xóa đói giảm nghèo. Tính đến ngày 30/9/1996, số dư nợ quá hạn khó đòi tại các ngân hàng trong tỉnh là 59.808 tỷ đồng; Ngân hàng Công thương số nợ quá hạn do tư nhân vay đã lên tới 19,126 tỷ đồng dễ dẫn đến mất vốn; Ngân hàng nông nghiệp Thanh Hóa có 23 trường hợp làm trái các thủ tục thế chấp, với số vốn vay bị thất thoát nợ khó đòi là 1.485 tỷ đồng… Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động đề ra các phương án giải quyết hiệu quả tình trạng tham nhũng trong ngành ngân hàng. Phối hợp cùng ngành ngân hàng đi sâu điều tra những vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Kết quả đã điều tra làm rõ 13 vụ, chuyển truy tố hình sự 05 vụ; điển hình đã điều tra vụ lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân ở Ngân hàng cổ phần Nam Thành.
Ngày 29/12/1988, Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ngân hàng cổ phần tư nhân Nam Thành do ông Lê Giành, trú tại số nhà 68, phố Phan Bội Châu, phường Phú Sơn, thị xã Thanh Hóa làm Giám đốc, trụ sở tại thị xã Thanh Hóa. Ngày 31/8/1989, Ngân hàng cổ phần Nam Thành được cấp giấy phép tạm thời 04 tháng, hoạt động kinh doanh tiền tệ. Ngày 01/9/1989, Ngân hàng cổ phần Nam Thành chính thức đi vào hoạt động kinh doanh; trong quá trình hoạt động, Lê Giành đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh dưới nhiều hình thức trái với chức năng, nhiệm vụ như: mua bán đá ốp lát, ô tô, chiếu, gạo, đồng tiền Rúp... Khi hết hạn giấy phép hoạt động tạm thời, các cơ quan quản lý có công văn yêu cầu ngân hàng ngừng huy động vốn, báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhưng Giám đốc Lê Giành không thực hiện.
Ngày 30/4/1990, Ngân hàng cổ phần Nam Thành tiến hành Đại hội cổ đông bầu Hội đồng quản trị, Lê Giành được bầu làm Chủ tịch Hội đồng kiêm Giám đốc. Ngày 29/6/1990, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn thông báo tính đến thời điểm Ngân hàng cổ phẩn Nam Thành đã thua lỗ 664 triệu đồng và yêu cầu phải thực hiện các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, ngày 14/11/1990, Lê Giành thông báo “Ngân hàng Nam Thành sẽ thanh toán số dư tiền lãi tiết kiệm vào ngày 10/12/1990 và tiếp tục cho vay vốn”. Ngày 22/11/1990, Ngân hàng Nhà nước tỉnh có công văn yêu cầu Ngân hàng cổ phẩn Nam Thành phải ngừng ngay hoạt động huy động vốn và cho vay dưới mọi hình thức. Nhưng ngân hàng vẫn tiếp tục vay nóng với lãi suất cao.
Từ 01/9/1989 đến 31/8/1991, Ngân hàng cổ phần Nam Thành đã thu hút được 621 cá nhân gửi tiền tiết kiệm, 06 cá nhân gửi vàng, 11 đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh, vốn đóng góp của 70 cổ đông và có 05 hành vi phạm tội gồm: cố ý làm trái, kinh doanh sai chức năng; lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt tài sản của công dân; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa; với tổng số tiền chiếm dụng trái phép là 4.397.756.881 đồng và 875,90 chỉ vàng.
Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị truy tố các đối tượng về tội “Lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản công dân gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tàng trữ vũ khí trái phép”.
Nguồn sách “Biên niên lịch sử biên niên lực lượng Cảnh sát Công an tỉnh Thanh Hóa (1962 - 2002)”