A- A A+ |

Sự kiện số 35: Tham mưu ban hành Đề án số 3.92.94 toàn dân tham gia quản lý giáo dục người lầm lỗi tại địa bàn dân cư

Trong những năm qua, các cấp, các ngành mà nòng cốt là lực lượng Công an đã liên tục phát động phong trào quần chúng phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của tỉnh ngày càng phát triển. Song tình hình trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số người lầm lỗi sau khi mãn hạn tù, tập trung cải tạo tha về vẫn tiếp tục tái phạm. Nguyên nhân là do, một bộ phận nhân dân còn mặc cảm với những người lầm lỗi, các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội chưa quản lý chặt chẽ, chưa có hình thức giáo dục, cảm hóa để những người lẫm lỗi có thể tái hòa nhập cộng đồng.

Trước tình hình đó, tháng 3/1992, Công an tỉnh ban hành Đề án 3.92.94 giáo dục, quản lý, cải tạo, cảm hóa các loại đối tượng chính trị, hình sự tại địa bàn dân cư. Đây được xem là công tác trọng tâm, thường xuyên và là mặt trận chính nhằm kìm chế hoạt động của các bọn tội phạm, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, giúp đỡ những người lẫm lỗi trở thành người lương thiện, góp phần làm giảm tội phạm, giảm các vụ phạm pháp hình sự. Đề án được triển khai trong phạm vi toàn tỉnh, ở tất cả các xã, phường, thị trấn, cơ quan, xí nghiệp, trường học... theo địa bàn dân cư là: đường phố, làng, bản, xóm, thôn. Diện đối tượng là những đối tượng chính trị, hình sự đang có hoạt động xâm phạm đến an ninh, trật tự nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị áp dụng các biện pháp quản lý hành chính, pháp luật.

Các chủ trương và biện pháp tiến hành gồm: (1) Tổng điều tra cơ bản, rà soát, thống kê toàn bộ đối tượng sưu tra chính trị, hình sự. (2) Tổ chức lấy ý kiến nhân dân, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở các địa bàn dân cư. (3) Duyệt danh sách và ra quyết định. (4) Triển khai các quyết định ra toàn dân tại địa bàn dân cư.

Đề án cũng chỉ rõ trong chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa việc đấu tranh truy quét, trấn áp mạnh các loại tội phạm với việc quản lý, giáo dục cải tạo đối tượng ở địa bàn dân cư. Vận động từng hộ, từng người dân tham gia đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự mà tập trung nhất là vận động toàn dân tham gia quản lý cảm hóa, giáo dục những người lầm lỗi kết hợp với việc xây dựng xã, phường an toàn làm chủ. Đề án được triển khai thực hiện từ tháng 3/1992 đến hết năm 1994.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 3.92.94, ngày 19/10/1992, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 210/KH-PV11 về “Phương pháp, kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại địa bàn dân cư” với mục đích nhằm tiếp tục phát động phong trào quần chúng thực hiện Chỉ thị số 135/HĐBT, Nghị quyết số 19/NQ-TU về “Công tác quốc phòng - an ninh trong tình hình mới”. Thông qua cuộc vận động làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa tội phạm tận gốc, tiến hành công tác điều tra xử lý tội phạm đạt kết quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ cơ bản và các mặt công tác khác của lực lượng công an.

Đối tượng cần tập trung giáo dục, cảm hóa là tù, tập trung cải tạo tha về không chịu cải tạo đang có hành vi vi phạm về an ninh, trật tự nhưng chưa đến mức xử lý về hình sự; những người đang hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, bị cưỡng chế, đang trong diện cải tạo tại chỗ phải cư trú bắt buộc và cưỡng bức lao động. Những người có hành vi vi phạm pháp luật đã nhiều lần xử lý hành chính. Địa bàn tiến hành trong toàn tỉnh, lấy khu dân cư, đường, thôn, xóm, làng bản, cơ quan, xí nghiệp, trường học làm chính.

Nội dung và biện pháp tiến hành: Tổng rà soát và phân loại đối tượng sưu tra chính trị, hình sự theo Chỉ thị số 14-15 của Bộ Nội vụ. Lập, bổ sung hồ sơ địa bàn, hệ, loại đối tượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để quản lý đối tượng. Điều tra cơ bản, lập danh sách các loại đối tượng để chuẩn bị cho các cấp chính quyền triển khai cuộc vận động. Vạch kế hoạch chi tiết về các bước triển khai, mở các lớp tập huấn cho lực lượng công an trực tiếp tham gia ở cơ sở. Tham mưu cho Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền cơ sở, các tổ chức quần chúng mở hội nghị đại biểu quần chúng trong địa bàn, gặp gỡ các đối tượng và họp dân công bố danh sách những đối tượng cần quản lý, giáo dục, cảm hoá. Định kỳ họp dân để nhận xét các đối tượng qua đó phát hiện các nhân tố tích cực, điển hình tiến tiến của phong trào để động viên khen thưởng kịp thời.

          Tiếp đó, ngày 16/11/1992, Công an tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 27/CT-UB về “Mở cuộc vận động toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi tại địa bàn dân . Chỉ thị đã đề ra 6 nội dung chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện cuộc vận động:

          1. Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành chức năng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết sát hợp với tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức tập huấn cho cán bộ chính quyền cơ sở và cán bộ trực tiếp làm tốt công tác vận động quần chúng để triển khai thực hiện cuộc vận động.

          2. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân Chỉ thị số 135/CT-HĐBT và Nghị quyết số 19/NQ-TU đến từng gia đình, từng người dân và tất cả các đối tượng thuộc diện lầm lỗi cần quản lý, giáo dục, cảm hóa.

          3. Các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội phối hợp với chính quyền các cấp phát động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia quản lý giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi; khơi dậy lòng nhân ái, xóa bỏ mặc cảm, khuyến khích họ tự cải tạo và giúp đỡ việc làm, ổn định đời sống, gắn bó với gia đình, quê hương, trở thành người lương thiện có ích cho xã hội.

4. Khi tiến hành cuộc vận động phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của quần chúng để giáo dục cảm hóa người lầm lỗi; kết hợp đồng bộ với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục thuyết phục đi đôi với xử lý hành chính. Cuộc vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kết hợp với nhiệm vụ xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, an toàn làm chủ và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

          5. Các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi cuộc vận động, kịp thời cổ vũ các cấp, các ngành các đoàn thể, cá nhân làm tốt, tạo khí thế trong phong trào quần chúng, động viên mọi người hăng hái tham gia cuộc vận động.

          6. Công an tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành có liên quan theo dõi hướng dẫn các ngành thực hiện chỉ thị này, định kỳ báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

Sơ kết 02 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục những người lầm lỗi tại địa bàn dân cư” có 1.732 người lầm lỗi thuộc diện nghiêm trọng đến chính quyền tự khai báo lỗi lầm, 322 đối tượng tội phạm đang lẩn trốn ra đầu thú. Quần chúng nhân dân đã phát hiện đưa vào diện giáo dục, cảm hóa 6.000 người. Có 200 người trong các cơ quan, xí nghiệp tự giác khai báo lỗi lầm, giao nộp 759.353.375 đồng, 39.787 kg thóc cùng nhiều tài sản khác do tham ô, trộm cắp trước đây. Lực lượng Công an tổ chức truy bắt 187 đối tượng phạm tội đang lẩn trốn, xử lý hình sự 2.252 đối tượng, Có 2.018 cá nhân, 873 tổ chức đoàn thể, 33 doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, 1.203 gia đình đăng ký bảo lãnh, giúp đỡ người lầm lỗi sửa chữa tiến bộ. 23/23 huyện, thị, xã trong tỉnh đã thành lập Hội đồng bảo vệ trật tự xã hội ở cơ sở với 32.000 thành viên. Cuộc vận động đã làm chuyển biến nhiều mặt, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội ở cơ sở, phạm pháp hình sự giảm 34%, trọng án ít xảy ra. Chấn chỉnh, xây dựng nội bộ, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, thu hồi một khối lượng lớn tài sản đã bị chiếm dụng trước đây, cũng như từng bước xây dựng vốn, quản lý vật tư, tài sản chống tham nhũng, buôn lậu, tham ô, lãng phí trong các cơ quan, xí nghiệp.

Từ thành công của Đề án 3.92-94 của Công an tỉnh Thanh Hóa là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 19 (nay là Nghị định số 163) về quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.

Nguồn sách “Lịch sử biên niên Công an nhân dân Thanh Hóa (5/1975 - 6/1996)”


Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu