A- A A+ |

Sự kiện số 37: Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng miền núi, dân tộc tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là địa bàn chiến lược về quốc phòng - an ninh, tuyến biên giới phía tây và địa bàn miền núi dân tộc của tỉnh luôn tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự. Để giữ vững sự ổn định về an ninh, trật tự, từ năm 1997 đến năm 2003, Công an tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội với củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu Tỉnh ủy phân công 52 ban, ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu 52 bản người Mông, Dao, Khơ-mú đặc biệt khó khăn ở các huyện vùng cao biên giới, thông qua đó củng cố hệ thống chính trị cơ sở ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đồng thời vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu.

Từ năm 1997, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã chủ trương luân chuyển cán bộ tăng cường cho Công an các huyện miền núi, tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, kèm theo những chính sách cụ thể. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh đã có 1.200 cán bộ, chiến sĩ làm đơn tình nguyện lên miền núi công tác. Từ năm 1997 đến năm 1999, Công an tỉnh đã điều động 250 cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho Công an 11 huyện miền núi và luân chuyển hàng trăm cán bộ chiến sĩ công tác lâu năm ở các huyện miền núi về miền xuôi công tác, khắc phục được tình trạng thiếu biên chế, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác tại Công an các huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Công tác điều động cán bộ tăng cường cho Công an các huyện miền núi của Công an tỉnh đã được Bộ Công an biểu dương và được báo cáo kinh nghiệm tại Hội nghị chuyên đề xây dựng lực lượng Công an nhân dân do Bộ Công an tổ chức.

Trước tình hình phức tạp ở các khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, để chủ động đảm bảo tốt an ninh, trật tự trên tuyến biên giới đường bộ và vùng miền núi, dân tộc của tỉnh, ngày 06/4/2001, Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch số 22/KH-PV11 về “Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng miền núi, dân tộc” với mục tiêu củng cố vững chắc hệ thống chính trị ở các xã, thôn, bản, làng; tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa chính quyền các cấp, giữa Nhân dân hai bên biên giới; đảm bảo 192km biên giới an toàn, hữu nghị. Nắm chắc tình hình, chủ động xử lý các vấn đề đang nổi lên, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ giải quyết các vấn đề nổi lên về an ninh và đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, tội phạm ma túy.

Sau 6 tháng thực hiện, Công an tỉnh đã tăng cường 264 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn 194 xã thuộc 11 huyện miền núi trong tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch. Lực lượng tăng cường đã phối hợp với chính quyền địa phương kiềm chế và ổn định được tình trạng di cư của người Mông. Ngăn chặn cơ bản việc phát triển đạo tin lành trái phép trong vùng dân tộc; ngăn chặn các hoạt động tác động từ ngoại biên (Lào). Nắm tình hình quản lý các đối tượng tù, tập trung cải tạo số tù tha về ở vùng miền núi quan hệ với các đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài. Kiềm chế sự gia tăng của tội phạm ma túy. Chấn chỉnh một bước công tác quản lý vũ khí vật liệu nổ, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu ở 47 bản của 15 xã biên giới. Xây dựng 16 điểm về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở và nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự cho các già làng, trưởng bản và đồng bào dân tộc miền núi.

Ngày 12/4/2001, Công an tỉnh đã xây dựng Đề án số 29/ĐA-PV11(PC13) về cấp, quản lý chứng minh nhân dân tuyến biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn (Lào); tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Chiến dịch chứng minh nhân dân miễn phí cho đồng bào Mông và đồng bào khu vực biên giới Việt - Lào. Huy động cán bộ các Phòng PC13, PA35, PA38, Công an huyện Mường Lát, Quan Sơn, Công an xã phối hợp với Đồn Biên phòng, Trưởng bản thành lập 4 tổ công tác lưu động tổ chức cấp phát chứng minh nhân dân cho nhân dân 15 xã biên giới của tỉnh. Tính đến tháng 11/2001, các tổ công tác đã cấp phát được 17.728 chứng minh nhân dân, giao cho Công an các huyện trao trả cho nhân dân sử dụng đạt 99,95%; tạo điều kiện cho người dân có giấy tờ cần thiết phục vụ sinh hoạt được các cấp, các ngành và Nhân dân đánh giá cao.

Nhằm đưa công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở 11 huyện miền núi Thanh Hóa vững chắc và đi vào chiều sâu, ngày 25/7/2002, Công an tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 55/KH-PV11 về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác an ninh vùng biên giới, dân tộc tỉnh Thanh Hóa”. Tập trung đấu tranh ở những địa bàn các xã biên giới và các xã có hoạt động lợi dụng tôn giáo gây phức tạp về an ninh, trật tự để chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các đối tượng, đặc biệt là với các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia từ bên ngoài; tập trung giải quyết cơ bản hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái phép, hoạt động chiến tranh tâm lý, kích động người Mông di cư; củng cố, xây dựng vững chắc phòng tuyến an ninh nhân dân biên giới, tiếp tục giữ vững 192km đường biên Thanh Hóa - Hủa Phăn an toàn hữu nghị.

Sau 3 tháng triển khai kế hoạch, Công an tỉnh đã tổ chức 186 cuộc họp tại 159 bản của 15 xã biên giới với trên 8.000 lượt người tham gia giúp đồng bào các dân tộc nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo và âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch và bọn tội phạm. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, các quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, quy chế biên giới Việt - Lào cho 136 cán bộ Công an viên ở 15 xã biên giới. Thành lập 09 tổ an ninh nhân dân ở 08 thôn bản thuộc xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn. Rà soát, đánh giá, củng cố 41 tổ an ninh nhân dân ở 06 xã biên giới; tiếp tục khảo sát, điều tra cơ bản 85/159 thôn, bản thuộc 15 xã biên giới. Duy trì giao ban định kỳ giữa các xã, bản hai bên biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn để trao đổi tình hình và phối hợp công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

Trước sự kiện phỉ tập kết các mục tiêu quân sự, dân sự, tuyến an ninh trọng yếu tại Lào gây hậu quả nghiêm trọng; nhằm chủ động đối phó với âm mưu hoạt động của bọn phỉ tại khu vực biên giới Việt - Lào, ngày 25/8/2003, Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch số 90/KH-PV11 về “Tăng cường lực lượng phòng, chống hoạt động phỉ xâm nhập qua biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn” nhằm tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho đồng bào dân tộc các xã biên giới; chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động phỉ xâm nhập qua biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn; tiếp tục củng cố, giữ vững 192km đường biên Thanh Hóa - Hủa Phăn an toàn hữu nghị.

Để ngăn chặn hoạt động di cư tự do ồ ạt của hàng nghìn người Mông ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La... vào Thanh Hóa tiềm ẩn phức tạp ở vùng miền núi Mường Lát; tháng 9/2003, Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch số 92/KH-PV11 về “Tăng cường công tác Công an trong vùng đồng bào Mông” ở miền núi Thanh Hóa nhằm chủ động nắm tình hình trong vùng dân tộc Mông, phát hiện các dấu hiệu liên quan đến hoạt động tuyên truyền về “Vương quốc Mông”; xác minh, giải quyết những vấn đề tiềm ẩn có liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng dân tộc Mông, không để kẻ địch lợi dụng gây phức tạp về an ninh, trật tự, ổn định tình hình không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về đảm bảo an ninh trật tự vùng miền núi dân tộc, trong năm 2003, Công an tỉnh đã tổ chức 2 đợt tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng an ninh; điều động 120 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện biên giới tăng cường trực tiếp xuống 15/15 xã, 46/46 bản biên giới, 33/33 bản người Mông trong nội biên để nắm tình hình, triển khai các mặt công tác nghiệp vụ, vận động quần chúng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở củng cố đội ngũ cán bộ cốt cán ở các xã, bản giáp biên, các bản người Mông. Tổ chức 78 cuộc họp dân ở các bản biên giới và các bản người Mông với hàng nghìn người là chủ hộ tham gia. Tiếp xúc vận động cá biệt được 215 lượt già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc. Tổ chức cấp phát 2.196 chứng minh nhân dân cho đồng bào Mông. Rà soát, lên danh sách 23 hộ, 128 khẩu người Mông di cư hiện đang cư trú tại Lào; 120 người Mông vượt biên trái phép sang Lào quay trở về địa phương; kiểm danh, kiểm diện 346 đối tượng trong các tổ chức, đảng phái phản động cũ, tù tập trung cải tạo tha về ở các huyện biên giới, 40 đối tượng cầm đầu hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái phép; nắm diễn biến tư tưởng của 13 học sinh, sinh viên người Mông đang học tập tại các trường Dân tộc nội trú, Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học trong tỉnh. Phát hiện và bắt giữ 04 đối tượng vượt biên trái phép; tiếp nhận và tiến hành thẩm tra xác minh 8 đối tượng bị Lào bắt trao trả; phối hợp truy lùng các đối tượng nghi vấn xuất hiện ở khu vực biên giới. Phát hiện, giải quyết 05 vụ liên quan tuyên truyền, hoạt động “Nhà nước Mông”, phỉ Lào; 08 vụ hoạt động tôn giáo trái pháp luật; tấn công chính trị 17 đối tượng liên quan vấn đề dân tộc, tôn giáo, di cư tự do; ổn định hơn 2000 người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Thanh Hóa.

Những kết quả công tác trên đã tạo được sự chuyển biến toàn diện về an ninh, trật tự vùng đồng bào các dân tộc; ngăn chặn tình trạng di dịch cư và các hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý từ ngoại biên; xây dựng được thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn 11 huyện miền núi phía Tây của tỉnh. Thanh Hóa được đánh giá là địa phương ổn định về an ninh, trật tự, vùng miền núi dân tộc và trên tuyến biên giới.

Nguồn sách “Biên niên lịch sử Công an nhân dân Thanh Hóa (5/1996 - 2006)”


Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu