Sự kiện số 46: Hiệu quả của Đề án 375, Chỉ thị số 10 về xây dựng "Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh đứng thứ 5 về diện tích (11.114,65 km2) và đứng thứ 3 về dân số cả nước (trên 3,7 triệu người); có 192 km đường biên giới giáp ranh tỉnh Hủa Phăn (Lào) và 102 km đường bờ biển. Toàn tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố (gồm 02 thành phố, 02 thị xã và 23 huyện, trong đó có 11 huyện miền núi với gần 7 vạn đồng bào dân tộc thiểu số); 559 xã, phường thị trấn. Trong những năm qua, công tác bảo đảm an ninh, trật tự luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình hình an ninh, trật tự còn diễn biến phức tạp, nổi lên là: Tình hình di cư tự do, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; vượt biên trái phép; tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; tình trạng tranh chấp ngư trường, trộm cắp ngư, lưới cụ, vi phạm quy định về khai thác hải sản, ngư dân làm ăn trái phép trên các tầu cá nước ngoài. Tình trạng tranh chấp đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện sai các chế độ, chính sách, đơn thư khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người kéo dài vẫn còn diễn ra. Các tôn giáo tiếp tục các hoạt động củng cố tổ chức, khuếch trương thanh thế, tuyên truyền phát triển đạo trái phép. Tình hình tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm hoạt động có tổ chức; tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy… diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh.
Tình hình trên đã tác động đến tư tưởng, gây tâm lý băn khoăn, lo lắng trong một bộ phận Đảng viên và quần chúng Nhân dân trên địa bàn tỉnh, do đó cần có giải pháp để xây dựng, củng cố, kiện toàn các lực lượng nòng cốt và mô hình tự quản làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở vững mạnh và hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 14/02/2008, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 375/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Củng cố tổ chức Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự và các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở”; Quyết định số 378/QĐ-UBND quy định về “Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn; Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thôn, bản, khu phố và Tổ an ninh xã hội ở khu dân cư” (gọi tắt là Đề án 375) và ngày 19/3/2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự” (gọi tắt là Chỉ thị số 10). Nội dung cơ bản của Đề án 375 là triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh các tổ chức tự quản về an ninh, trật tự gồm: Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn; Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, bản, khu phố và Tổ an ninh xã hội ở khu dân cư.
Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn được thành lập trên cơ sở sáp nhập và hợp nhất các ban chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, trật tự đã có, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Trưởng ban; Trưởng Công an làm Phó Trưởng ban thường trực; Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc làm Phó Trưởng ban; đại diện các ngành, các đoàn thể, gồm: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự, Bí thư đoàn Thanh niên, Chủ tịch hội liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch hội Cựu chiến binh, Chủ tịch hội Nông dân, công chức Tư pháp, Trưởng thôn, bản, tổ dân phố là thành viên. Ban Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ nắm tình hình, tham mưu cho Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn cấp xã. Tổ chức giao ban, đánh giá tình hình, kết quả hoạt động hằng tháng, gắn vai trò, trách nhiệm của các ngành, đoàn thể trong vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự.
Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được thành lập ở từng thôn, bản, khu phố; mỗi tổ có 03 người do đồng chí Công an viên bán chuyên trách làm Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Tổ viên. Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin và tham gia giải các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự ở khu dân cư, bảo vệ hiện trường, cấp cứu người bị nạn; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và gia đình quản lý, giáo dục người phạm tội tiến bộ tái hòa nhập cộng đồng; tham gia thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ an ninh, trật tự, tuần tra ban đêm, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn giao thông, góp phần bảo đảm tiêu chí an ninh, trật tự trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tổ an ninh xã hội được thành lập theo địa bàn dân cư, có từ 10 hộ dân trở lên sống liền kề nhau bố trí thành một tổ. Mỗi tổ có 01 tổ trưởng, 01 tổ phó do các thành viên trong tổ bầu ra theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận. Tổ an ninh xã hội thực hiện công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, quản lý dân cư, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo sự ổn định về an ninh xã hội và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngay từ cơ sở.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia thực hiện của quần chúng Nhân dân; Đề án 375, Chỉ thị số 10 đã được triển khai đồng bộ, thực sự đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực. Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn, xây dựng, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự ở tất cả 559 xã, phường, thị trấn (trong đó có 469 xã, 60 phường và 30 thị trấn) với 11.180 thành viên; thành lập 3.427 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thôn, bản với 6.854 thành viên; xây dựng và thành lập 34.931 Tổ An ninh xã hội với 1.049.487 thành viên (chiếm 94 % tổng số hộ gia đình trên toàn tỉnh). Có 740 cơ quan, 320 doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), 782 cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non, nhà trẻ); 20 khu đô thị và 23 khu chung cư cao tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Qua 14 năm triển khai thực hiện, Đề án 375 và Chỉ thị số 10 đã đạt được những kết quả nổi bật, đã tổ chức 46.853 hội nghị tuyên truyền, quán triệt thực hiện, 15.446 buổi tuyên truyền lưu động; 339.475 lượt tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; 397.650 cuộc họp dân, trong đó lồng ghép nội dung xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự với triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và nhiệm vụ của địa phương. Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn, Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thôn, bản đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự thôn, bản trực tiếp tham gia giải quyết trên 35.000 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, quản lý giáo dục hơn 9.000 người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng.
Việc triển khai thực hiện Đề án 375, Chỉ thị số 10 đã tạo chuyển biến cơ bản về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh, an ninh tuyến biên giới, an ninh nông thôn, dân tộc miền núi được củng cố, không để xảy ra đột xuất bất ngờ. Hoạt động của các loại tội phạm được kiềm chế, phạm pháp hình sự giảm 8,6%, chuyển hóa được 59% địa bàn xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng lên. Các mô hình tự quản về an ninh, trật tự được xây dựng và duy trì, có 38 loại với 337 mô hình đang phát huy hiệu quả tốt như: “Camera với an ninh, trật tự”, “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”, “Xứ đạo bình yên - Gia đình văn hóa”, “Liên kết bảo đảm an ninh, trật tự vùng giáp ranh”... Mở các đợt chỉ đạo tập trung “Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự” và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội; thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; phòng chống pháo nổ; giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo đảm giải quyết kịp thời các tình hình vụ việc phức tạp nổi cộm về an ninh, trật tự xảy ra. Kết quả đã điều tra, xử lý 35.648 vụ; triệt phá trên 900 ổ, nhóm tội phạm; bắt, xử lý bắt 10.438 đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, trong đó có hàng chục băng, nhóm tội phạm sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản…
Cùng với triển khai Đề án 375, Chỉ thị số 10 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự” được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành hướng dẫn, tiêu chí đánh giá, bình xét, phân loại, công nhận “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự” hằng năm, lấy tiêu chuẩn khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự làm cơ sở đánh giá, bình xét khu dân cư văn hóa; đồng thời phát động phong trào “Vì bình yên cuộc sống, từng người, từng nhà, từng cơ quan, đơn vị hãy làm nhiều việc tốt về an ninh, trật tự” đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư để Nhân dân tích cực tham gia. Qua bình xét, đánh giá phân loại từ cơ sở, từ năm 2018 đến nay toàn tỉnh hằng năm có từ 84% khu dân cư trở lên đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo Thông tư số 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an (nay là Thông tư số 124/2021/TT-BCA, ngày 28/12/2021); nhiều thôn, bản, khu phố không để xảy ra tội phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng và khiếu kiện phức tạp. Có 462/469 (chiếm tỉ lệ 98%) xã đạt tiêu chí số 19.2 về “Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự và đảm bảo bình yên” trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; 341 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 10 huyện có quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả đạt được đã khẳng định Đề án 375, Chỉ thị số 10 về “Xây dựng khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự” của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn ở cơ sở; đồng thời là giải pháp cơ bản, chiến lược để phát huy hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, lực lượng Công an làm nòng cốt và Nhân dân làm chủ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Đây là một trong những căn cứ thực tiễn quan trọng để Bộ Công an nghiên cứu, ban hành Thông tư số 23/2012/TT-BCA, ngày 27/4/2012 (nay là Thông tư số 124/TT-BCA, ngày 28/12/2021) quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” và xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nguồn “Báo cáo tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo an ninh, trật tự và các mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở cơ sở năm 2023” của Công an tỉnh Thanh Hóa