A- A A+ |

Tăng cường công tác PCCC mùa nắng nóng

Hiện nay, thời tiết các tỉnh miền Bắc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang trong tình trạng nắng nóng kéo dài, nền nhiệt cao, thời tiết hanh khô, kéo theo nhu cầu sử dụng xăng dầu, khi đốt và điện tăng cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là nguy cơ cháy rừng gây thiệt hại lớn về người và tài sản...

Trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ cháy tại các nhà máy, cơ sở sản xuất may mặc, các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại lớn về người, tài sản và gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Điển hình, ngày 23/7/2021, xảy ra vụ cháy tại 1 xưởng sản xuất có diện tích hơn 6.600m2 tai Công ty TNHH Ivory Triệu Sơn làm thiệt hại về tài sản hơn 80 tỷ đồng. Ngày 11/5/2021, đã xảy ra vụ cháy rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc làm cháy 5.0002 thảm thực bì. Mới đây nhất, 10/6/2021 đã xảy ra vụ cháy tại khu vực chứa đồ dùng và sinh hoạt của 1 hộ gia đình phường Đông Hải, TP.Thanh Hóa, gây thiệt hại lớn về tài sản cho gia đình.   

Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người đứng đầu cơ sở kinh doanh, chủ rừng, chủ hộ gia đình và người dân đối với công tác PCCC, CNCH chưa cao; công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại một số địa bàn còn chưa đạt hiệu quả.

Trước tình hình đó, để chủ động nắm tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ mùa nắng nóng, hanh khô. Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra liên ngành an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao; khu dân cư; hộ gia đình, nhà ở kết hợp để sản xuất kinh doanh.

Theo đó, từ ngày 15/5 đến ngày 15/10/2021, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH; Công an các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan sẽ triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế đến mực thấp nhất các nguy cơ để xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch về bảo đảm an toàn PCCC nắng nóng, hanh khô (đặc biệt là công tác PCCC rừng) theo địa bàn quản lý, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH.

Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn PCCN tại chợ Vườn Hoa

 

Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và trực tiếp tại cơ sở, khu dân cư để cán bộ công nhân viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và nhân dân nâng cao nhận thức trong việc sử dụng điện, ngọn lửa trần; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ, tai nạn, sự cố và chuẩn bị phương án, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra. Chú ý tuyên truyền cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước tại các sông, hồ, ao, suối... 

Tổ chức ký cam kết, duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH. Tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, không để sót địa bàn, cơ sở quản lý về PCCC; Chủ động làm tốt công tác phối hợp, huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp trong công tác kiểm tra liên ngành định kỳ về PCCC đối với các cơ sở, khu dân cư, rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động những trường hợp không bảo đảm an toàn về PCCC theo quy định. Hướng dẫn người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm trách nhiệm PCCC thuộc phạm vi quản lý, nhất là việc duy trì công tác tự kiểm tra an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn hệ thống, thiết bị điện, chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình hoạt động. Củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành. 

Tổ chức huấn luyện kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH cho người lao động; xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn và bố trí nguồn kinh phí trang bị phương tiện và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác PCCC và CNCH. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh về phòng, chống và ứng phó kịp thời có hiệu quả với tình trạng cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các phương án huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng chống cháy rừng, sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng; thống kê, nắm chắc lực lượng, phương tiện của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có thể huy động tham gia chữa cháy, CNCH khi có yêu cầu.

Tăng cường công tác thường trực, sẵn sàng chiến đấu đảm bảo cơ động, kịp thời và hiệu quả trong xử lý các vụ cháy, nổ. Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chữa cháy; tổ chức rà soát, đề nghị khắc phục ngay các hư hỏng của hệ thống cung cấp nước chữa cháy đô thị, xây dựng và củng cố các bến bãi bảo đảm cho xe chữa cháy lấy nước phục vụ chữa cháy.

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo: Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ mùa nắng nóng ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, cơ quan Cảnh sát PCCC thì người đứng đầu cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm túc trách nhiệm PCCC và CNCH như: tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy kịp thời khắc phục các sơ hở thiếu sót; bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra.

Bên cạnh đó người dân cần thường xuyên kiểm tra nguồn điện, để cách xa vật liệu dễ cháy với nguồn điện ít nhất 0,5m. Không sử dụng quá nhiều thiết bị điện cùng một lúc. Các hộ gia đình, công ty, xí nghiệp tuyệt đối không tích trữ chất nguy hiểm gây cháy nổ (như xăng, dầu, bình gas mini). Đối với các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy (quần áo, đệm, chăn) phải bố trí hàng hóa cách xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện và cần có lối thoát hiểm cần thiết. Hệ thống điện cần phải được lắp đặt và sử dụng đúng kỹ thuật, không tự ý lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện. Ngoài ra, cần lắp đặt các thiết bị bảo vệ, ngắt điện tự động. Đặc biệt, người dân cần đề cao cảnh giác với hỏa hoạn, tự trang bị cho mình những kiến thức về PCCC để chủ động ứng phó khi xảy ra cháy nổ và kịp thời cấp báo cho cơ quan PCCC theo đường dây nóng 114 xử lý cháy nổ...

Có như vậy, công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH mùa nắng nóng mới được triển khai đồng bộ và triệt để, cả hệ thống chính trị và người dân chung tay không để xảy ra các vụ cháy, nổ, cháy rừng , bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân./.


Tác giả: Minh Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu