Tết bình yên không tiếng pháo

Mặc dù Nhà nước đã có quy định cấm pháo hàng chục năm nay, nhưng do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là thanh thiếu niên còn hạn chế, nên vào dịp Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép lại diễn ra phức tạp…

Với quyết tâm không để xảy ra đốt pháo trái phép trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhất là trong đêm giao thừa, ngay từ trước tết, Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là những điểm mới của Nghị định 137 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, giúp người dân nhận thức và phân biệt rõ loại pháo hoa nào được phép sử dụng và các địa điểm được phép kinh doanh pháo hoa. 

Theo đó, năm nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 6 điểm được cấp phép bán pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, gồm: 2 điểm tại thành phố Thanh Hóa, 1 điểm tại thành phố Sầm Sơn, 1 điểm tại huyện Yên Định, 1 điểm tại huyện Như Thanh và 1 điểm tại thị xã Nghi Sơn. Pháo hoa bán tại các điểm này đều đã được các cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép.

Lực lượng Công an kiểm tra 1 cơ sở sản xuất kinh doanh pháo 
do Bộ Quốc phòng sản xuất trên đường Dương Đình Nghệ, TP.Thanh Hóa

Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng); chỉ mua pháo hoa tại các điểm bán được Nhà nước cấp phép. Người dân cần lưu ý: sau khi mua nộp lại hóa đơn, chứng từ mua cho Công an nơi cư trú và dự định sử dụng (dự định về thời gian, địa điểm). Chỉ người mua có tên trong hóa đơn và gia đình được sử dụng, nghiêm cấm mua và bán lại, cho, tặng. 

Mặc dù quy định đã rõ ràng, nhưng thực tế hiện nay trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… vẫn có nhiều người rao bán hoặc rao mua hộ lấy phí các loại pháo hoa. Những trường hợp này đều bị cấm, người sử dụng pháo không có hóa đơn của nơi được phép bán đều bị xử lý theo quy định. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ, hiểu đúng, phân biệt giữa pháo hoa được phép sử dụng (pháo do Bộ Quốc phòng sản xuất) và pháo lậu không được phép sử dụng, các lực lượng Công an trong tỉnh, nhất là lực lượng Công an cơ sở đã phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát danh sách những người mua pháo hoa tại các điểm bán được Bộ Quốc phòng cho phép, đăng ký thời gian, địa điểm sử dụng, tránh để các đối tượng lợi dụng sử dụng pháo lậu và hiểm họa mà nó gây ra. 
Cùng với công tác tuyên truyền, các lực lượng Công an trong tỉnh đã tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo trái phép. Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, lực lượng Công an Thanh Hóa đã phát hiện, bắt giữ 149 vụ, 196 đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, thu giữ 420kg pháo các loại. Đặc biệt, chỉ trong hơn 1 tháng ra quân thực hiện đợt cao điểm bảo đảm ANTT tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các lực lượng Công an trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 28 vụ, 32 đối tượng vi phạm liên quan đến pháo, thu giữ hơn 180 kg pháo các loại.

Đặc biệt, để răn đe, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, ngày 19/01/2022, TAND thành phố Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn và tuyên phạt đối với 2 bị cáo Lê Văn Hùng Anh, sinh năm 2003 và Vũ Trường Giang, sinh năm 2004 đều ở xã Ngọc Lĩnh, thị xã Nghi Sơn về hành vi tàng trữ, vận chuyển 9 hộp pháo nổ (loại pháo giàn) pháo trái phép. Căn cứ tính chất, mức độ hành vi vi phạm, HĐXX đã tuyên phạt Lê Văn Hùng Anh 15 tháng tù, Vũ Trường Giang 7 tháng tù./.

Tác giả: Hà Phương
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu