Cảnh giác với chiêu trò giả mạo chuyên gia hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo

Lợi dụng sự hoang mang của nạn nhân sau khi bị lừa đảo hàng trăm triệu, các đối tượng tiếp tục tiếp cận để lừa đảo lần thứ 2. Giả dạng luật sư, công an, cán bộ ngân hàng, các đối tượng này đã dụ dỗ nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để có thể lấy lại số tiền đã mất trước đó.

Giả mạo chuyên gia để lừa đảo lần 2

Trong thời gian qua, nhiều đối tượng lừa đảo liên tục chạy quảng cáo, gửi tin nhắn, giả dạng các thương hiệu, nhãn hàng có tiếng để thu hút những người đang có nhu cầu tìm việc. Từ đó, chúng lấy lý do đang chạy KPI để dụ dỗ các nạn nhân thực hiện các nhiệm vụ như xem video, mua đơn hàng ảo, đánh giá doanh nghiệp để lấy phần thưởng.

Sau những lần đầu thực hiện nhiệm vụ, các nạn nhân được các đối tượng lừa đảo chuyển cho phần thưởng từ 30 ngàn đến 50 ngàn đồng. Đến lúc này, các đối tượng lừa đảo sẽ tìm mọi cách để dụ dỗ nạn nhân đóng tiền để “nâng cấp gói nhiệm vụ”, từ đó nhận được nhiều phần thưởng lớn hơn.

Bằng những chiêu trò này, nhiều nạn nhân do cả tin và tham các phần thưởng qua lời hứa hẹn của các đối tượng lừa đảo nên đã bị lừa tiền, có người mất tới hàng trăm triệu. Đáng nói, sau khi đưa câu chuyện bị lừa đảo của mình lên một số hội nhóm cảnh báo lừa đảo, có nhiều nạn nhân còn tiếp tục bị lừa đảo lần thứ 2 bằng thủ đoạn thu hồi tiền lừa đảo.

Các đối tượng sử dụng nhiều phần mềm để spam bài viết, tin nhắn với các hội nhóm phù hợp để tìm các nạn nhân vừa bị lừa đảo.

Cụ thể, tại những hội nhóm này, khi thấy có nạn nhân vừa bị lừa đảo đăng bài hoặc bình luận kể câu chuyện của mình, các đối tượng lừa đảo đã chủ động inbox để dụ dỗ họ kết nối với các fanpage hoặc một chuyên gia giả danh để được giúp đỡ. Với mục đích tìm kiếm nhiều nạn nhân nhất có thể, các đối tượng sử dụng thu đoạn lừa đảo lần 2 này còn dùng các phần mềm spam bình luận, tin nhắn để đưa thông tin của các “chuyên gia” đến nhiều hội nhóm mà có đối tượng phù hợp.

Do đang hoang mang khi bị lừa đảo mất một số tiền lớn, nhiều nạn nhân đã tin tưởng vào những lời giới thiệu và chủ động kết nối với các “chuyên gia” này. Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các thông tin sao kê ngân hàng và tài khoản của các đối tượng lừa đảo trước đó, “chuyên gia” sẽ đưa ra các thông tin không có thật nhưng đầy những ngôn ngữ chuyên ngành để nạn nhân thêm tin tưởng.

Trong giai đoạn đầu, các “chuyên gia” này luôn nhấn mạnh việc sẽ thu hồi được tiền lừa đảo giúp nạn nhân mà không cần mất một đồng tiền phí nào. Tuy nhiên, các đối tượng sử dụng các chiêu trò để bịa ra một lý do phù hợp, đẩy cho nạn nhân một lỗi nào đó và yêu cầu người này phải chuyển khoản tiền phí nằm vắt kiệt nạn nhân đến đồng tiền cuối cùng.

Theo anh N.V.L (Bắc Ninh), một nạn nhân từng bị các đối tượng giả mạo tuyển dụng Shopee để lừa mất 300 triệu cho biết: “Sau khi đăng bài truy tìm đối tượng trên group Cảnh báo lừa đảo, tôi được một thành viên trong đó giới thiệu cho một chuyên gia, có profile cá nhân là đang công tác tại Vụ Tài chính – kế toán – Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra trên trang của người này cũng có nhiều thông tin về các vụ thu hồi lại tiền bị lừa đã giải quyết thành công nên tôi càng tin tưởng…”.

Sau khi kết nối, qua nhiều công đoạn tìm hiểu thông tin, “chuyên gia” này tuyên bố chắc nịch số tiền mà đối tượng lừa đảo anh L. đã bị khóa và sẽ chuyển về tài khoản vào ngày hôm sau. Để nhận lại được tiền, anh L. phải chuyển khoản 2 triệu đồng phí chuyển nhanh. Tuy nhiên, sau khi đã chuyển 2 triệu đồng, “chuyên gia” này lại yêu cầu anh L. phải thanh toán thêm 5% số tiền đã lấy lại được tương đương 15 triệu đồng. Do đã cạn kiệt tài chính sau khi bị lừa, nạn nhân này đã không có khả năng thanh toán nốt số tiền nói trên để nhận lại 300 triệu.

Lúc này, thấy vị “chuyên gia” tìm mọi cách để thuyết phục mình đi vay mượn tiền, anh L. cảm thấy nghi ngờ và tiếp tục lên các hội nhóm tìm hiểu. Sau khi được nhiều người cho biết, đó là thủ đoạn lừa đảo lần 2 của các đối tượng lừa đảo, anh L. mới tỉnh ngộ và vô cùng bức xúc vì mình tiếp tục lại mất thêm 2 triệu đồng. ​

Trường hợp tương tự cũng gặp một đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng để hỗ trợ nạn nhân bị lừa đảo thu hồi lại tiền đó là chị Đ.T.M (Bình Dương). Chị M. cho biết, sau khi ghi nhận thông tin về việc chị này bị lừa mất 30 triệu sau khi tham gia một group tuyển dụng, các đối tượng đã chủ động liên hệ và cho biết sẽ thu hồi lại được số tiền đó giúp chị chỉ sau hai ngày.

“Các đối tượng này quảng cáo là đang công tác tại ngân hàng nên có khả năng khóa tài khoản của kẻ lừa đảo rồi thu hồi tiền cho tôi. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi phải chuyển khoảng 1,25 triệu tiền phí thì mới thực hiện được việc thu hồi. Do sợ bị lừa đảo nên tôi có yêu cầu khi nào 30 triệu được hoàn trả, tôi sẽ thanh toán gấp đôi tiền phí nhưng các đối tượng không đồng ý”, chị M. kể lại.

Đến khi thấy nạn nhân không chịu chuyển tiền, các đối tượng còn cò kè mặc cả để giảm số tiền phí đó xuống hơn 600 ngàn đồng. Cảm thấy hành vi của các “nhân viên ngân hàng” này có điều gì đó không đúng, chị M. đã không thực hiện theo yêu cầu chuyển khoản của đối tượng và thoát được vụ lừa đảo lần 2 này.

Các đối tượng lừa đảo còn đề nghị giảm 50% tiền phí chỉ để nạn nhân đồng ý chuyển khoản.

Các đối tượng lừa đảo còn đề nghị giảm 50% tiền phí chỉ để nạn nhân đồng ý chuyển khoản.

Khó lấy lại tiền từ các đối tượng lừa đảo

Sau khi các thủ đoạn lừa đảo ngày một lan rộng, nhiều thương hiệu lớn đã phải đăng tải các thông tin đính chính về việc không có thực hiện quảng cáo tuyển dụng cộng tác viên hay thực hiện nhiệm vụ lấy phần thưởng. Vì vậy, người dân nên hạn chế tin tưởng vào các lời quảng cáo trên mạng xã hội để tránh lọt vào bẫy của các nhóm lừa đảo.

Ngoài ra, sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo, người dân nên lập tức trình báo cho cơ quan chức năng tại địa phương. Thay vì đưa thông tin cá nhân, vụ việc của mình lên mạng xã hội để rồi bị các đối tượng giả danh luật sư, chuyên gia kinh tế, nhân viên ngân hàng… lừa đảo lần thứ 2.

Cũng theo các chuyên gia của Dự án Chống lừa đảo, nạn nhân trong các vụ lừa đảo qua mạng thường có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng với rất nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu bằng chứng để truy ra tung tích kẻ gian, không muốn người thân trong gia đình biết, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống. Từ đó nảy sinh suy nghĩ bỏ qua vụ việc. Hoặc cũng có thể sau khi bị lừa, nạn nhân trở nên hoảng loạn và không nghĩ đến hoặc không biết các thủ tục trình báo với cơ quan chức năng.

Hiện nay, ngoài các thủ đoạn lừa đảo đã được cơ quan chức năng, phương tiện truyền thông cảnh báo, nhiều đối tượng lừa đảo còn tiếp tục nhắm đến các nạn nhân vừa mới bị lừa. Chúng lợi dụng tâm lý hoang mang, sợ hãi, cần một người tin tưởng để giúp đỡ được các vấn đề hiện tại nên tiếp tục đóng vai chuyên gia để tiếp tục lừa đảo. Các đối tượng này đều sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân giả mạo, nếu bình tĩnh thì nạn nhân có thể dễ dàng nhận ra bởi các trang cá nhân của “chuyên gia” rất ít các bài viết riêng tư hay thông tin để xác định danh tính.

Ngoài ra, theo Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin truyền thông, với những vụ lừa đảo trên không gian mạng thì cơ hội lấy lại số tiền đã mất là rất khó. Vì vậy người dân cần tự trang bị kiến thức cần thiết, nên tham khảo các bài viết cảnh báo của cơ quan chức năng, báo chí để tránh trở thành nạn nhân của các chiêu trò “việc nhẹ lương cao”./.

Tác giả: Công an thành phố Thanh Hoá
Nguồn: Báo Công luận
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu