Đối tượng được trang bị và sử dụng vũ khí thô sơ

Trong những năm qua, một số đơn vị được Nhà nước trang bị và sử dụng vũ khí thể thô sơ đã tổ chức quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, trật tự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ và sử dụng không đúng theo quy định của pháp luật thì lại tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đe dọa tính mạng, sức khỏe của con người và gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tập thể và người dân.

Theo Điều 28, Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định đối tượng được trang bị và sử dụng vũ khí thô sơ như sau:

Điều 28. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ

1. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ bao gồm:

a) Quân đội nhân dân;

b) Dân quân tự vệ;

c) Cảnh sát biển;

d) Công an nhân dân;

đ) Cơ yếu;

e) Kiểm lâm, Kiểm ngư;

g) An ninh hàng không;

h) Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan;

i) Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động;

k) Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Cơ yếu và câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí thô sơ đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Một số vũ khí thô sơ lực lượng Công an bắt giữ (ảnh minh họa, nguồn internet)

 

Điều 31. Sử dụng vũ khí thô sơ

1. Người được giao vũ khí thô sơ khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này và được sử dụng trong trường hợp sau đây:

a) Trường hợp quy định tại Điều 23 của Luật này;

b) Ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác;

c) Phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định của pháp luật.

2. Người được giao sử dụng vũ khí thô sơ không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại khi việc sử dụng vũ khí thô sơ đã tuân thủ quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, gây thiệt hại rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, lợi dụng hoặc lạm dụng việc sử dụng vũ khí thô sơ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, Công an tỉnh đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Mọi thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đề nghị các cơ quan, tổ chức và Nhân dân cung cấp kịp thời (đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa, số điện thoại 02373.725.725), hỗ trợ lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tác giả: Dương Đức Trường, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu