Cũng như nhiều đô thị lớn trong cả nước, vi phạm trật tự an toàn giao thông nổi cộm nhất hiện nay trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đó là tình trạng thanh thiếu niên đi xe máy phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông, gây rối trật tự công cộng... Mặc dù những hành vi này chỉ mang tính tự phát, chưa có tổ chức hay băng nhóm, nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi đua xe trái phép ngày càng trở nên nghiêm trọng; gây bức xúc trong dư luận xã hội và đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng Công an trong quá trình thực thi nhiệm vụ...
Mặc dù biết lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ nhưng nhiều tốp thanh, thiếu niên vẫn cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, điều khiển môtô, xe máy đi dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm. Thậm chí, một số đối tượng còn ngang nhiên trêu chọc, chống đối, cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bằng cách điều khiển xe tạt đầu, lạng lách, đánh võng, trêu ghẹo nhau trên đường.
Trước những vấn đề bức xúc, nổi cộm trên, Công an tỉnh đã phân công, bố trí lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung xác minh, lập danh sách các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Trên cơ sở đó thu thập tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh và các video clip về những lỗi vi phạm để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý. Trong quá trình bắt, xử lý các đối tượng vi phạm, lực lượng Cảnh sát cơ động đã sử dụng linh hoạt nhiều chiến thuật để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông cũng như lực lượng làm nhiệm vụ và cả đối tượng vi phạm.
Sau một tháng ra quân, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt, xử lý trên 300 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 10 nhóm, với hơn 100 thanh, thiếu niên thường xuyên vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, chống đối, cản trở người thi hành công vụ. Nhiều em còn chưa đủ tuổi thành niên, nhiều em còn ngồi trên ghế nhà trường, suy nghĩ nông cạn, chưa lường hết hậu quả hành vi vi phạm của mình. Công an tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Sở Giáo dục đào tạo vào cuộc và có những biện pháp phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục, nhắc nhở các em.
Việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ chỉ là giải pháp cuối cùng. Điều quan trọng hơn, đó chính là ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân và sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và cả cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục con em tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông vì sự an toàn của chính mình và cho mọi người.