Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, công cụ hỗ trợ tự chế

Trong thời gian qua, tình trạng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ tự chế của người dân trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng còn diễn ra nhiều.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN và CCHT) năm 2017 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì vũ khí tự chế là một dạng vũ khí. Cũng tại Điều 5 của Luật này quy định nghiêm cấm việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp VK, CCHT.

Như vậy, việc người dân tự chế tạo các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ là hành vi bị nghiêm cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Hình thức xử lý đối với một số hành vi vi phạm:

1. Xử phạt vi phạm hành chính:

Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì mức xử phạt vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại vũ khí, công cụ hỗ trợ.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ; Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ; Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự; Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng, chiếm đoạt súng săn hoặc chi tiết, cụm chi tiết súng săn.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện VPHC...

2. Xử lý hình sự:

Theo Điều 306 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, VK thô sơ, VK thể thao hoặc CCHT): Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, VK thô sơ, VK thể thao, VK khác có tính năng, tác dụng tương tự nhưng đã bị xử phạt VPHC về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi mà người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Có thể thấy, hệ lụy từ việc chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, CCHT tự chế là rất nguy hiểm. Nhiều vụ việc thương tâm xảy ra liên quan tới VK, CCHT tự chế chính là lời cảnh tỉnh đến mọi người. Vì vậy, mỗi người dân hãy tự giác và vận động người thân, bạn bè của mình chủ động giao nộp, không chế tạo và sử dụng súng tự chế.

Công an tỉnh đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT. Mọi thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT, đề nghị các cơ quan, tổ chức và nhân dân cung cấp kịp thời (đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc gọi theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa theo số điện thoại 02373.725.725), hỗ trợ lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tác giả: Dương Đức Trường, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu