Từng bước đẩy lùi ma tuý ở Thanh Hóa: Cuộc chiến cam go chưa có hồi kết (bài 2)
Từ năm 2022 đến nay, Công an toàn tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, bắt giữ hơn 2.200 vụ, gần 4.000 đối tượng phạm tội về ma tuý, thu giữ hơn 50kg heroin, hơn 100kg ma tuý tổng hợp các loại… Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá không còn tụ điểm, điểm phức tạp về ma tuý.
Xây dựng “phòng tuyến 3 lớp”
Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Thanh Hoá là một trong những địa bàn trọng điểm ở khu vực Bắc miền Trung, có đường biên giáp Lào, có đường biển tương đối dài, tiếp giáp với nhiều tỉnh bạn. Do vậy, Thanh Hoá chịu tác động 5 nguồn ma tuý thâm nhập vào nội địa, từ khu vực biên giới giáp Lào, khu vực trên biển, từ các tỉnh giáp ranh ở phía Nam, các tỉnh giáp ranh ở phía Bắc và đường hàng không. Ngoài ra, địa bàn Thanh Hoá rộng, dân số đông, số lượng con nghiện rất nhiều, từ đó phát sinh các điểm, tụ điểm phức tạp về ma tuý, mất ANTT.
![Cuộc chiến cam go chưa có hồi kết (bài 2) -0](/upload/81582/20250213/grab4ac77IMG_2974_1_1739232126620.jpeg)
Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hoá triệt xóa đường dây vận chuyển ma túy
do Hoàng Thị Thái cầm đầu, thu 10 bánh heroin và 22.000 viên ma túy tổng hợp.
Cũng theo Thượng tá Lê Khắc Minh, tội phạm ma tuý sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trong quá trình phạm tội, đặc biệt chúng còn sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng xả súng khi bị vây bắt, truy đuổi (cứ 10 vụ ma tuý thì 3 vụ đối tượng sử dụng vũ khí nóng…).
Đáng chú ý, thời gian gần đây, bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, tội phạm ma túy triệt để sử dụng công nghệ thông tin, mạng Internet để trao đổi, mua bán và rút ngắn thời gian giao dịch với độ bảo mật cao, điển hình như: Lập các nhóm chat kín trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Telegram, Viber…); thay đổi phương thức giao dịch, vận chuyển bằng cách sử dụng các đơn vị vận chuyển trung gian như: Grab, Bee… để vận chuyển, mua bán ma túy, nhằm đối phó sự phát hiện, điều tra, khám phá của cơ quan chức năng.
Trước tình hình trên, năm 2022, Công an tỉnh Thanh Hoá ban hành Kế hoạch 228, chỉ đạo lực lượng phòng, chống ma tuý, tập trung điều tra cơ bản, xây dựng chuyên án chung giữa các lực lượng để đấu tranh các điểm, tụ điểm trên địa bàn.
Đồng thời, Công an tỉnh Thanh Hoá ban hành kế hoạch xây dựng “phòng tuyến 3 lớp” (lớp 1 ở ngoại biên; lớp 2 ở chính biên và lớp 3 ở nội địa), nhằm ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa. Đối với lớp ngoại biên, Công an tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Công an tỉnh Hủa Phăn (Lào), trực tiếp điều tra cơ bản ngoại biên, ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa, ngăn chặn ma tuý từ khu vực tam giác vàng về.
Ở lớp chính biên, tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng, lực lượng Hải quan và Công an 5 huyện giáp biên, điều tra cơ bản sâu kỹ các đường mòn, lối mở; các đường dây ma tuý từ Lào về Thanh Hoá tiêu thụ. Ở các địa phương, lực lượng phòng, chống ma tuý đánh mạnh, đánh trúng các điểm, tụ điểm phức tạp nhức nhối; các đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý ở nội địa.
Ngoài ra, Công an tỉnh Thanh Hoá còn ban hành Kế hoạch 156, thực hiện chuyển hoá các địa bàn phức tạp về ANTT, trong đó giao cho các phòng, chọn địa bàn các xã, thị trấn phức tạp để hướng dẫn chuyển hoá địa bàn từ “vùng đỏ” sang “vùng vàng”, để trở thành “vùng xanh”. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy và hàng trăm đối tượng cộm cán về ma túy đã bị lực lượng Công an đấu tranh, bóc gỡ.
Nhiều địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy như bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát; ngõ dân cư cơ khí thuộc Tiểu khu 3, thị trấn Hà Trung, huyện Hà Trung; thị trấn Vân Du huyện Thạch Thành… từng bước được chuyển hóa thành địa bàn sạch về ma túy. Nhiều địa bàn phức tạp về ma tuý trên tuyến biên giới Thanh Hóa đã được chuyển từ “vùng đỏ” thành “vùng xanh”. Nếu như năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.138 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý và 3.105 người sử dụng trái phép chất ma túy thì đến hết tháng 6/2023, con số này giảm còn 3.933 người nghiện, 651 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, có khoảng 1.500 người thuộc diện cai nghiện bắt buộc.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh; ban hành các chỉ thị, đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh cùng vào cuộc, tham gia công tác phòng, chống ma túy, nổi bật là Chỉ thị 06-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”, Đề án 272 của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025” và gần đây nhất đã chỉ đạo Công an tỉnh ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Đề án 3822 về xây dựng “Xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2024-2025. Do đó, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả hết sức nổi bật và quan trọng.
Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ hơn 2.200 vụ, hơn 4.200 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 200kg ma túy các loại; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với gần 2.000 trường hợp. Đấu tranh bóc gỡ, triệt xóa 30 đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia từ Lào, các nước châu Âu và hàng trăm đường dây ma túy nội tỉnh, liên tỉnh. Triệt xóa gần 2.000 điểm, tụ điểm phức tạp, điểm mua bán trái phép chất ma túy. Đến nay, về cơ bản tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn đã được đấu tranh ngăn chặn và giải quyết hiệu quả, không còn tồn tại các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, gây bức xúc dư luận và nhân dân; tạo chuyển biến tích cực về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Vì cộng đồng không ma tuý
Tội phạm và tệ nạn ma tuý là hiểm họa lớn của nhân loại, làm tổn hại sức khỏe, suy kiệt giống nòi, làm xáo trộn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân; là tội phạm nguồn làm phát sinh các loại tội phạm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội, sự phát triển bền vững của địa phương. Thời gian quan, công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước đẩy lùi ma tuý. Tuy nhiên, hiện số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn còn nhiều, đặc biệt ngày càng có xu hướng “trẻ hóa”, nguy hiểm hơn là xuất hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp thế hệ mới, “độc tính cao" "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện từ, bóng cười... vẫn đang còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức. Giới trẻ sử dụng nhiều ma tuý tổng hợp, ma tuý mới, độ phê cao, gây hưng phấn nhanh, mạnh dễ sử dụng, phổ biến nhất, ma tuý đá (kentamin), hồng phiến, kẹo (thuốc lắc), heroin, nước vui…
Theo Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Thanh Hoá: Để từng bước đẩy lùi ma tuý ra khỏi đời sống xã hội, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, mọi tầng lớp nhận thức rõ những tác hại, hệ luỵ ma tuý mang lại. Lực lượng phòng, chống ma tuý không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ nghiệp vụ, thay đổi cách đấu tranh, triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp, các đường dây, ổ nhóm thẩm lậu về ma tuý.
Tại các địa phương, thực hiện quản lý tốt đối tượng nghiện, nghi nghiện và những người sau cai nghiện. Các đối tượng nghiện đều có hồ sơ quản lý, nếu quản không chặt thì đây là nguồn của tội phạm. Đối tượng nghiện là tầng đáy xã hội, chúng lôi kéo học sinh, thanh niên các gia đình khó khăn vào đường dây của chúng. Do vậy, cần quản lý chặt địa bàn, không để phát sinh người nghiện mới, làm xấu hình ảnh bản sắc văn hoá dân tộc.
Để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu xây dựng 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2025, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu: Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, ngành mình phải có kế hoạch hết sức cụ thể để phối hợp với Công an tỉnh và địa phương trong thực hiện các giải pháp xây dựng địa bàn không ma túy. Cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đã ban hành về xây dựng xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện theo phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng kêu gọi mỗi người dân trên địa bàn tỉnh hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống ma túy; tích cực tuyên truyền vận động con em, người thân trong gia đình, dòng họ, thôn xóm, khu phố, cộng đồng dân cư tránh xa ma túy; phát hiện và tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và hợp tác với cơ quan Công an trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tệ nạn ma túy; tham gia có trách nhiệm với cộng đồng trong việc hỗ trợ, quản lý giáo dục thanh thiếu niên hư, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm, phòng, chống tái nghiện, tái phạm tội về ma túy.
Được biết, toàn tỉnh Thanh Hoá hiện có gần 3.000 người chấp hành xong án phạt tù liên quan đến ma tuý trở về địa phương; gần 2.800 người nghiện ma tuý và hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma tuý, do vậy, công tác phòng, chống tội phạm ma tuý càng cam go hơn bao giờ hết.
Nguồn: Báo CAND