Chiều 02/4/2024, Bộ Công an đã tổ chức hội nghị quán triệt Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dưới sự chủ trì của Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến Công an các địa phương để rà soát, đánh giá các nhiệm vụ được giao nhằm chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho việc triển khai thực hiện Luật này.
Tại điểm cầu Công an tỉnh Thanh Hoá, đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, Đồng chí Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì Hội nghị. diện Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, các sở, ngành có liên quan, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đồng chí Phó Giám đốc và Trưởng phòng thuộc Công an tỉnh dự hội nghị.
Tại điểm cầu Công an 27 huyện, thi xã, thành phố trong tỉnh có đại diện thường trực huyện, thị, thành ủy, UBND, UBMTTQ Việt Nam cấp huyện, lãnh đạo Công an cấp huyện, chỉ huy Công an xã, phường, thị trấn dự Hội nghị.
Hội nghị đã phân tích, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật quy định nhiệm vụ của Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có 6 nội dung gồm: hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân Bảo vệ ANTQ; hỗ trợ PCCC và CNCH; hôc trợ quản lý hành chính về TTXH; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở và hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, trậ tự ATGT; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.
Mục tiêu của việc xây dựng luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh sẵn có thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đồng chí Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Trong thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai bố trí lực lượng Công an xã chính quy tại các xã, thị trấn trên địa bàn toàn quốc và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Tuy nhiên để bảo đảm nhiệm vụ an ninh, trật tự ở cơ sở, cần phải có sự tham gia của hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân, trong đó có lực lượng trực tiếp hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Xác định lực lượng làm công tác ANTT ở cơ sở giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 375/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Củng cố tổ chức Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự và các mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại cơ sở”. Theo đó đã thành lập Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự xã, phường, thị trấn, Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, bản, Tổ An ninh xã hội ở khu dân cư. Hiện nay đang duy trì hoạt động 558 Ban Chỉ đạo an ninh, trật tự ở xã, phường, thị trấn; 3.421 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thôn, bản; 912 Tổ bảo vệ dân phố; 4.351 Đội dân phòng. Đối với Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thành lập ở từng thôn, bản, mỗi tổ có 03 người trong đó: Công an viên bán chuyên trách làm Tổ trưởng, 01 Tổ phó và 01 Tổ viên do Nhân dân bầu.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao Công an tỉnh chủ trì, tham mưu triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị có liên quan xây dựng Phương án kiện toàn thống nhất tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm tiến độ, thời gian, lộ trình theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để việc triển khai thực hiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, đề xuất một số nội dung gồm:
Đề nghị Bộ Công an phối hợp các Bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ sớm ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tổ chức tập huấn cho Công an các địa phương về việc triển khai thi hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Bộ Công an biên soạn tài liệu phổ biến Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phục vụ công tác tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, kỹ năng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cân đối, phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương để bảo đảm cho việc triển khai, tập huấn Luật và bảo đảm hoạt động, trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định. Bộ Công an phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có quy định, hướng dẫn cụ thể về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia bảo vệ an ninh, trật tự để động viên lực lượng này yên tâm công tác.