Công an Thanh Hóa đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác công an trong tình hình mới
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các mặt công tác công an là một xu hướng tất yếu, góp phần tạo nền tảng và là cơ sở vững chắc để xây dựng, triển khai Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong CAND, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lực lượng Công an các cấp. Với những kết quả đã đạt được, năm 2022, Công an Thanh Hóa xếp hạng 3/63 Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ứng dụng CNTT.
Xác định việc ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá đối với các mặt công tác của lực lượng Công an, trong những năm qua, Đảng ủy - lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, chăm lo đào tạo cán bộ, tăng cường ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tất cả các mặt công tác công an. Đến nay, Công an tỉnh đã đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật với gần 4.000 máy trạm, gần 100 máy chủ từ cấp tỉnh đến cấp xã cùng hệ thống mạng LAN nội bộ và mạng truy cập Internet kết nối cho tất cả các đầu mối Công an trong tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng phục vụ công tác, chiến đấu trong mọi tình huống.
Với vai trò là đơn vị tham mưu, giúp Giám đốc Công an tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về CNTT, bảo đảm an toàn thông tin số, hệ thống kiểm soát an ninh trong Công an Thanh Hóa; đồng thời trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNTT vào lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng Công an, Đội CNTT thuộc Phòng Tham mưu Công an tỉnh đã tích cực nghiên cứu và xây dựng thành công nhiều phần mềm, giải pháp tin học và triển khai ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước về ANTT, phục vụ đắc lực công tác cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Để phát huy tối đa hiệu quả của việc ứng dụng CNTT vào phục vụ các mặt công tác, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ cán bộ, kĩ sư tin học có đủ trình độ chuyên môn gồm 7 cán bộ ở Đội CNTT và 86 cán bộ chuyên trách làm CNTT ở các cấp Công an trong tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo và chọn cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ CNTT tại các Trung tâm tin học trong và ngoài ngành. Đặc biệt, với sự phối hợp giúp đỡ của các Vụ, Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, hiện nay Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận, khai thác và ứng dụng có hiệu quả 54 phần mềm, cơ sở dữ liệu, bao gồm 38 phần mềm triển khai theo ngành dọc và 16 phần mềm do Công an tỉnh đầu tư, xây dựng. Trong đó riêng cán bộ Đội CNTT Phòng Tham mưu Công an tỉnh đã chủ trì xây dựng 7 phần mềm và hiện đang được Bộ Công an giao xây dựng triển khai thí điểm 2 phần mềm nghiệp vụ khác.
Một trong những kết quả nổi bật trong việc ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính phục vụ Nhân dân của Công an Thanh Hoá, đó là đầu năm 2005 Công an tỉnh đã cải tiến, đổi mới công tác đăng ký cấp biển số ôtô, xe máy bằng phương pháp ấn số tự động trên máy vi tính, tạo công bằng, khách quan, vừa xoá bỏ hẳn cơ chế “xin - cho” biển số đẹp, vừa giảm bớt thủ tục, giấy tờ và rút ngắn thời gian cho Nhân dân, được dư luận trong và ngoài ngành hết sức hoan nghênh. Từ kết quả đó, Công an tỉnh đã xây dựng Đề án ứng dụng CNTT có hiệu quả vào nhiều lĩnh vực công tác khác như: Quản lý tài chính, vật tư, tài sản; quản lý cán bộ; quản lý tàng thư căn cước; xây dựng Trung tâm dữ liệu tội phạm phục vụ cho các hoạt động của Cơ quan Cảnh sát điều tra từ cấp tỉnh đến cấp huyện; cấp hộ chiếu phổ thông; đăng ký lưu trú qua mạng Internet.
.jpg)
Đội CNTT Phòng Tham mưu tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách CNTT trong Công an Thanh Hoá
Bên cạnh công tác nghiên cứu, xây dựng phần mềm tin học phục vụ công tác do Bộ Công an chủ trì, Công an tỉnh đã xây dựng, triển khai thành công nhiều phần mềm ứng dụng, trong đó có những phần mềm, giải pháp được Bộ Công an chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc. Điển hình như các phần mềm: Quản lý hoạt động tố tụng; Quản lý công tác khiếu nại tố cáo; Hệ thống quản lý, tiếp nhận thông báo lưu trú qua mạng Intrernet; Cấp biển số xe ngẫu nhiên; Quy chế quản lý, vận hành và sử dựng Hệ thống kiểm soát an ninh KSAN tại Trại tạm giam, nhà tạm giữ; vv… Thông qua những ứng dụng phần mềm này đã vừa tiết kiệm thời gian xử lý công việc cho CBCS, vừa giảm được thời gian chờ đợi của người dân. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành trong nội bộ lực lượng Công an Thanh Hóa.