Đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT trong trường học

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 140 vụ tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, khiến 56 người chết và 149 người bị thương. Riêng trong quý I/2024 đã xảy ra 54 vụ TNGT, trong đó làm chết 9 học sinh và 45 học sinh khác bị thương. Những con số này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phải quan tâm và có các giải pháp căn cơ, thiết thực nhằm kiềm chế tối đa những nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong thanh thiếu niên, học sinh.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người khi tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường phối hợp cùng các trường học trên địa bàn triển khai đồng bộ và linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường, chú trọng tuyên truyền trực quan sinh động tác động trực tiếp đến nhận thức của học sinh như:trưng bày, triển lãm ảnh cảnh báo về các vụ TNGT, tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa; phối hợp tuyên truyền với trải nghiệm thực tế về những kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; hướng dẫn về cách điều khiển xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện; đội mũ bảo hiểm đúng cách; trả lời các câu hỏi về các tình huống giao thông, cách xử lý an toàn, phân biệt các hành vi đúng, sai của người tham gia giao thông qua hình ảnh trực quan sinh động…

Hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh tại các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật ATGT

Với những nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, chỉ riêng năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an cấp huyện, cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh đã phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường và các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền và ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT tại 1.004 cơ sở giáo dục, với hơn 400 nghìn giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh tham gia. Chỉ tính riêng trong đầu năm 2024 đến nay đã tổ chức tuyên truyền cho gần 8 nghìn giáo viên, học sinh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng Công an trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT. Trong đó, chú trọng giải pháp phối hợp với các trường học xây dựng mô hình “Cổng trường ATGT”. Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang duy trì có hiệu quả 240 mô hình “Cổng trường ATGT”. Đây là một trong những mô hình trọng điểm thuộc Chương trình phối hợp số 11 giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trong các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học sinh và phụ huynh.

Kể từ khi triển khai xây dựng mô hình này, với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó lực lượng Công an và Ban Giám hiệu nhà trường đóng vai trò nòng cốt, tình hình trật tự ATGT tại các khu vực trường học đã có nhiều chuyển biến tích cực, vừa phát huy hiêu quả công tác tuyên truyền, vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông

Cô giáo Trịnh Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành cho biết: Nhà trường đã phối hợp với Công an xã Thành Thọ để xây dựng mô hình, đã kiện toàn lại Ban chỉ đạo và xây dựng đội xung kích gồm 20 em khối học sinh lớp 4-5 thường xuyên đứng ở khu vực cổng trường vào đầu giờ học và giờ tan học cùng với giáo viên được phân công để thực hiện tốt việc nhắc nhở các em bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Đồng thời nhà trường cũng đã tăng cường truyên truyền đến các em học sinh, các bậc phụ huynh. Vì vậy trong thời gian qua, cổng trường Tiểu học Thành Thọ đã trở thành điểm tin cậy an toàn cho các con khi đến trường.

Ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng nhấn mạnh thêm: Sau một năm thực hiện chương trình số 11 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng tôi thấy chương trình đã đưa ra mục tiêu và giải pháp rất rõ ràng, nên nhận thức của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh trong toàn ngành được nâng cao, đặc biệt là hiệu quả của mô hình “Cổng trường ATGT” rất rõ rệt, tạo thói quen, hình thành ý thức tham gia giao thông cho các cháu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông diễn ra khá phổ biến. Trong đó có các lỗi vi phạm chủ yếu là: không đội mũ bảo hiểm, di ngược chiều, lai đèo nhiều người, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…Đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, lực lượng Công an tăng cường công tác kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm đối với các hành vi cố tình vi phạm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 3.893 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1,65 tỷ đồng, tạm giữ 3 nghìn phương tiện, với các lỗi phổ biến: không đội mũ bảo hiểm, không GPLX, vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành tín hiệu, vi phạm tốc độ, điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi quy định, v.v…

Tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện của học sinh tại các trường học

Cùng với các biện pháp tăng cường quản lý của lực lượng Công an và nhà trường thì sự quan tâm giáo dục, quản lý của gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục, uốn nắn con em mình là một giải pháp quan trọng. Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình chấp hành nghiêm pháp luật khi tham gia giao thông; uốn nắn ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm, không để tái diễn hình thành thói quen, không được phó mặc cho nhà trường, xã hội và lực lượng chức năng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, quản lý, xử lý của nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng là chìa khóa then chốt để kiềm chế và làm giảm tối đa vi phạm giao thông đường bộ trong lứa tuổi học sinh. Từ đó ngăn chặn mọi nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông./.

Tác giả: Hà Phương - Trần Thọ
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu