Những năm gần đây, bên cạnh các phương tiện truyền thông chính thống thì mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích. Tận dụng lợi thế từ mạng xã hội, Công an Thanh Hóa đã triển khai việc thiết lập các trang mạng xã hội và nhóm zalo trên địa bàn khu dân cư để kết nối lực lượng Công an với quần chúng nhân dân chung tay phòng, chống tội phạm và tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cách làm này thực sự đã và đang phát huy hiệu quả…
Công an xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân thường xuyên xuống địa bàn cơ sở để tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn cho quần chúng nhân dân trên địa bàn xã cài đặt, sử dụng nhóm zalo để tiếp nhận và phản ánh thông tin về ANTT. Tại các buổi tuyên truyền, sau khi trao đổi nắm tình hình và cập nhật, thông tin cho người dân nắm vững các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, lực lượng Công an xã Thọ Thanh đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu được những tiện ích của việc đăng ký vào các nhóm zalo tuyên truyền pháp luật. Mặc dù đây là cách làm mới, nhưng với những tiện ích mang lại nên nhiều người dân đã hăng hái và nhiệt tình tham gia.
Ông Lê Văn Bắc ở thôn 1, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân chia sẻ: Từ khi tham gia nhóm zalo do Công an xã Thọ Thanh thành lập, tôi cũng đã thường xuyên theo dõi và nắm bắt được các thông tin tình hình ANTT trên địa bàn, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, nếu như có điều gì chúng tôi nắm chưa rõ thì sẽ nêu thắc mắc trên nhóm zalo để lực lượng Công an có những giải thích, giải đáp cụ thể cho bà con Nhân dân.
Với ưu điểm nhanh, thông tin tuyên truyền có thể đến được với nhiều người ở nhiều nơi khác nhau trong cùng một lúc nên cùng với các giải pháp tuyên truyền truyền thống, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Theo đó các đơn vị Công an trong tỉnh đã căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương lập các fanpage trên facebook và các nhóm zalo... Riêng lực lượng Cảnh sát khu vực và Công an các xã, thị trấn đều phải kết nối zalo đến từng Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố và người dân trên địa bàn quản lý. Qua đó, một mặt giúp người dân dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật. Mặt khác giúp lực lượng Công an thuận lợi hơn trong việc cung cấp thông tin, tiếp nhận ý kiến đóng góp, phản ánh của Nhân dân, từ đó tiếp thu và phản hồi cho người dân hiểu đúng, chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Khu phố chúng tôi hiện nay có 1 nhóm zalo của toàn khu phố với khoảng 300 thành viên tham gia nhóm này, qua các tin bài được lực lượng Công an đăng tải và chia sẻ, Nhân dân trong khu phố đã nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình ANTT, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác qua đó đã phát hiện và trao đổi với lực lượng Công an và Ban Liên cán phố để ngăn chặn kịp thời các hành vi trái pháp luật - Ông Nguyễn Văn Tiếu, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố 8, phường Ba Đình, TX. Bỉm Sơn chia sẻ
Thực tế cho thấy mạng xã hội nói chung, zalo nói riêng có ưu điểm không bị giới hạn về không gian và thời gian, việc biết cách sử dụng để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sẽ phát huy hiệu quả rất tích cực. Với 588 trang fanpage trên facebook và 281 trang zalo OA đã được thiết lập ở các đơn vị Công an trong tỉnh và gần 4.500 nhóm zalo kết nối trực tiếp với hơn 1 triệu lượt người dân tham gia, công tác thông tin tuyên truyền của lực lượng Công an đến với người dân hiện nay đã rất kịp thời và hiệu quả. Với sự tương tác đa chiều, thông tin nhanh nhạy, kịp thời, các trang mạng xã hội của các đơn vị Công an trong tỉnh đã trở thành kênh thông tin quan trọng, kết nối người dân với lực lượng công an, từ đó giúp công tác nắm địa bàn và tuyên truyền, phổ biến pháp luật của lực lượng Công an cơ sở ngày càng tốt hơn.
Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó Trưởng phòng PC02 Công an tỉnh cho biết: Chúng tôi thấy rằng hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật trong Nhân dân qua các trang mạng xã hội là rất hiệu quả, thông tin sớm đến được với người dân để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa, điều đó là rất phù hợp với xu thế công nghệ số hiện nay và thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Cũng thông qua hoạt động này, Công an Thanh Hóa đã tiếp nhận rất nhiều các tin báo, tổ giác tội phạm của quần chúng nhân dân, thông qua công tác giải quyết tin báo tổ giác thì Công an Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý rất nhiều vụ án, vụ việc từ đó góp phần kéo giảm và phòng ngừa tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh.
Trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là xu hướng tất yếu. Việc Công an tỉnh Thanh Hóa thành lập và duy trì các nhóm zalo thực sự là “cánh tay nối dài” cầu nối giữa lực lượng Công an vơi Nhân dân, góp phần giảm thiểu tác hại của thông tin “rác”, “thông tin không chính thống” và thuận lợi cho Nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, phản bác các thông tin xấu độc, giữ vững ANTT trên địa bàn toàn tỉnh./.