Rất cần sự chung tay giám sát, quản lý của các bậc phụ huynh để phòng ngừa, kéo giảm tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông
Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong cả nước liên tục ghi nhận các vụ tai nạn giao thông, đua xe trái phép do các nhóm thanh, thiếu niên, học sinh gây ra. Không chỉ để lại những hậu quả, thiệt hại và những hệ luỵ vô cùng lớn cho nhiều gia đình, nhà trường, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội và sự bình yên của cộng đồng.
Theo đó, cách đây không lâu tại Hà Nội đã xảy ra một vụ việc hết sức đau lòng gây xôn xao dư luận của cả nước, đó là vụ tai nạn giao thông kinh hoàng khiến cô gái trẻ tử vong tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào rạng sáng 3/11/2024 vừa qua. Cô gái đang dừng đèn đỏ thì bị nhóm “quái xế” đi ngược chiều tông mạnh vào xe, hất văng xuống đường và tử vong tại chỗ. Xem lại clip được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi rùng mình, một cô gái trẻ với bao ước mơ, hoài bão đã mãi mãi ra đi, không thể trở về nhà, để lại cho người thân, bạn bè và xã hội sự tiếc thương vô hạn.
Sau khi vụ việc trên xảy ra, đến ngày 14/11/2024 Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố đối với 20 bị can để làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và gây rối trật tự công cộng. Nhiều cha mẹ cũng phải giật mình, lo lắng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi giao xe cho các em không đủ điều kiện điều khiển gây tai nạn giao thông. Nhưng có một điều cũng thật đáng buồn sau khi xảy ra vụ việc, phần lớn phụ huynh thường hay bao biện, thanh minh, chủ quan cho rằng: Con tôi ở nhà ngoan lắm, để rồi khi các em ra đường trở thành những “Quái xế” ở tuổi học trò, gây bao nhiêu nguy hiểm cho người khác từ khi nào thì bố mẹ không hề hay biết.
Thực tế hiện nay, qua theo dõi tại Thanh Hoá và ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cho thấy, nguyên nhân của vi phạm, tai nạn giao thông liên quan trực tiếp đến lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh phần lớn vẫn là do nhận thức, ý thức của các em đang còn nhiều hạn chế, có tâm lý thích thể hiện sự oai oách, ngông cuồng của tuổi mới lớn, trong khi các em chưa được học, tập huấn kỹ năng nhưng vẫn điều khiển các loại phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện tham gia giao thông. Chính vì thế, không hiếm gặp tình trạng các cháu đi xe trên đường vi phạm vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), có nhiều em khi điều khiển phương tiện chỉ biết tăng ga, phóng nhanh, vượt ẩu, đến nỗi người dân đi đường chỉ kịp cảm nhận tốc độ “phóng nhanh như một cơn gió” không biết phanh là gì, sang đường không cần quan sát, vừa đi xe vừa nghe điện thoại, gác hai chân bắt chéo nhau, đi dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, rú ga, lạng lách, đánh võng, cắt đầu xe khác, khi đến ngã 3, ngã 4 không giảm tốc độ, vượt đèn đỏ … khiến nhiều người tham gia giao thông không khỏi giật mình, lo sợ, không biết “né” bằng cách nào, rất dễ dẫn đến va chạm với các cháu khi đi trên đường…
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh học sinh buông lỏng quản lý, biết con em mình chưa đủ tuổi, chưa được học, chưa được đào tạo, tập huấn kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện đến trường nhưng vẫn không nhắc nhở hoặc có biện pháp quản lý hiệu quả, thậm chí còn mua xe giúp các em thuận tiện, đỡ vất vả hơn trong việc đi học hoặc “để bằng bạn, bằng bè”. Đến khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý vi phạm còn tỏ thái độ không đồng tình, bất hợp tác, đưa ra nhiều lý do để biện minh cho những vi phạm đó.... Những hành động, việc làm trên của bố mẹ thể hiện sự thương con sai cách đã vô tình “tiếp tay” cho con trẻ vi phạm, càng khiến các em học sinh có cái nhìn méo mó, ngược lại những vấn đề mà các em được giáo dục trong nhà trường, đã tác động tiêu cực đến việc hình thành ý thức, thói quen xem nhẹ việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, để sau này phải chịu những hậu quả đáng tiếc, đau thương khi tai nạn giao thông xảy ra, rồi chính các bậc làm cha làm mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Hiện nay, với sự phát triển, phổ biến của không gian mạng, trên nền tảng mạng xã hội nhiều thanh thiếu niên “đam mê tốc độ” tự thành lập các hội nhóm kín chỉ để thỏa mãn niềm đam mê này của giới trẻ. Các hội nhóm thường xuyên chia sẻ clip nẹt pô, rú ga, mang theo hung khí khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển kiểm soát,... gây mất an ninh, trật tự. Các đối tượng đăng lên mạng xã hội như một “chiến tích” đáng tự hào để câu like, câu view. Đặc biệt, những hội nhóm này còn là nơi để thông báo, hẹn nhau tổ chức các cuộc đua xe trái phép hay thách thức nhau, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho chính bản thân các cháu và cho người tham gia giao thông nếu không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Từ thực tế trên, trước hết rất mong các bậc phụ huynh, nhất là bố mẹ trước hết phải tự dạy cho con em mình biết, nắm vững cơ bản các quy định của pháp luật và hướng dẫn con em mình các kỹ năng cần thiết khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện tham gia giao thông. Nắm rõ tâm lý lứa tuổi, tính cách, nhất là giám sát việc sử dụng điện thoại thông minh tham gia vào các hội nhóm kín trên mạng xã hội của các cháu, để nắm bắt và có cách ứng xử một cách phù hợp. Cương quyết không mua xe, giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, không dung túng khi con trẻ có những hành vi vi phạm TTATGT. Đồng thời, cần phải nhận biết nắm bắt sớm, tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát việc tham gia giao thông của các cháu, hãy sắp xếp công việc, bớt một chút thời gian đi theo giám sát xem thực tế con em mình điều khiển phương tiện đến trường như thế nào. Đây là một hành động tưởng nhỏ, đơn giản, có vẻ bình thường, nhưng có một giá trị vô cùng to lớn mà nhiều phụ huynh chưa làm được. Vì có chứng kiến thực tế, bố mẹ mới có biện pháp quản lý, chấn chỉnh, răn đe kịp thời từ sớm, không để những “quái xế” lứa tuổi học trò manh nha hình thành, tránh những hậu quả đáng tiếc trong tương lai sau này có thể xảy ra với các em.
Trong thời gian tới, lực lượng CSGT Thanh Hoá với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh phát hiện sớm những hội nhóm kín có ý định, dấu hiệu tụ tập, kêu gọi tổ chức đua xe, gây rối an ninh trật tự để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và các gia đình đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn nữa việc chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên, học sinh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Quyết tâm không để gia tăng tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm TTATGT, đặc biệt kiềm chế tai nạn giao thông và không để xuất hiện việc tụ tập đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng trên các tuyến giao thông của tỉnh./.