Rừng thông in dấu chân Người

Năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã băng rừng, vượt núi về thăm, nói chuyện với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn là địa điểm “in dấu chân Người” trong lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa và nơi đây trở thành di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1989.

Phấn đấu vươn lên “tỉnh kiểu mẫu”

Một sáng đầu xuân, vượt quãng đường hơn 10km, từ trung tâm TP Thanh Hóa, chúng tôi tìm về Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông bên Quốc lộ 47 sầm uất. Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm ở phía Nam dãy núi Phượng Lĩnh với độ cao 169m. Theo truyền thuyết, đỉnh núi cao 169m chính là đầu của con Phượng Hoàng, hai trái núi nhỏ mang tên Tả Phượng Dục và Hữu Phượng Dục chính là đôi cánh của Phượng Hoàng. Nhìn từ xa, thế núi, hình chim tựa như con Phượng Hoàng khổng lồ chở che cho vùng địa linh  này. Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu cho trồng thông và từ đó, nơi này được biết đến với tên gọi Rừng Thông.

Cách đây 76 năm, ngày 20/2/1947 - lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã dừng chân tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Tại đây, trong buổi nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ, trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác đã căn dặn và kỳ vọng: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu". Những lời căn dặn của Bác là động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa không ngừng lao động, sản xuất, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam yêu dấu.

Khắc ghi lời Bác dạy, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hóa là hậu phương vững chắc cung cấp sức người, sức của góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải rời khỏi nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, trực tiếp chiến đấu, ra sức chi viện miền Nam ruột thịt; bám đất, bám làng, phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt các đợt tập kích của đế quốc Mỹ, bảo vệ thành quả xây dựng CNXH, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối.

 
Tượng đài Bác Hồ ở thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) được dựng ở địa điểm đầu tiên 
Bác dừng chân khi về thăm Thanh Hóa, ngày 20/2/1947. Ảnh: CTV.

Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khơi dậy được tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nổi bật nhất, năm 2022, kinh tế tăng trưởng cao, tổng thu ngân sách đạt hơn 51.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, vượt kế hoạch (11,5% trở lên), thuộc nhóm 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Khắc ghi lời Bác dạy

Ngày 19/5/1948, tại địa điểm Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đợt rèn cán, chỉnh quân học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Đây là một trong những đơn vị triển khai sớm nhất phong trào thi đua “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong lực lượng CAND.

Suốt 75 năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã duy trì thường xuyên và phát triển sâu rộng phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, tạo động lực mạnh mẽ để các thế hệ CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa nêu cao bản lĩnh cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, mưu trí, dũng cảm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc góp phần cùng quân, dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước hôm nay.

Một số phong trào học tập, thi đua điển hình đã được Công an tỉnh Thanh Hóa triển khai như: “Giữ vững thế trận lòng dân” với 3 nội dung “Lắng nghe dân nói, nói để dân hiểu, làm cho dân tin”; “Xây dựng hình ảnh người CBCS Công an tỉnh Thanh Hóa vì nhân dân phục vụ”; Kế hoạch hành động số 92 về “Xây dựng hình ảnh người CBCS Công an Thanh Hóa bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân”; phong trào thi đua đặc biệt với chủ đề: “Bản lĩnh vững vàng, phẩm chất trong sáng, giữ kỷ cương phép nước; phấn đấu hết mình, sẵn sàng hy sinh, vì nhân dân phục vụ”... Các phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu ngành, yêu nghề cho từng CBCS trong toàn Công an tỉnh. Từ thực tiễn công tác đã xuất hiện nhiều “bông hoa đẹp”, tô thắm ngọn cờ truyền thống lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

 
Bức tranh mô phỏng buổi nói chuyện của Bác Hồ với cán bộ chủ chốt tỉnh Thanh Hóa tại Rừng Thông, năm 1947.

Để có những kết quả trên, Công an tỉnh Thanh Hóa đã luôn tranh thủ được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp, kiểm tra, giám sát của các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị, nhất là người đứng đầu trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Bên cạnh đó, Công an tỉnh còn tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy trình, chế độ công tác, quy định về điều lệnh CAND trong toàn lực lượng, nhất là đối với các lực lượng thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân.

Bằng những hành động và việc làm cụ thể trong học tập và làm theo lời Bác, Công an tỉnh Thanh Hóa đã và đang tạo ra sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng. Nội bộ đoàn kết thống nhất; vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy và CBCS đối với công việc và phục vụ nhân dân được nâng lên rõ rệt. ANTT trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững ổn định, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ và các vụ việc phức tạp, nổi cộm, hình thành “điểm nóng”. Tỷ lệ điều tra khám phá án luôn đạt trên 80%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 96%; hiệu lực quản lý Nhà nước về ANTT được tăng cường, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí; công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh CAND, quy chế, quy trình công tác, tinh thần trách nhiệm trong công việc, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử của CBCS, thái độ phục vụ nhân dân được nâng lên.

Đã 76 năm trôi qua, từ lần đầu tiên Bác về Thanh Hóa (1947), rồi các lần tiếp theo (1957, 1960) và lần cuối cùng là năm 1961, mỗi lần như vậy, Người đều để lại những hình ảnh sâu sắc trong trái tim những người con Thanh Hóa. Đặc biệt, năm 1948, Công an tỉnh Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên của lực lượng Công an phát động học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Từ đó đến nay, mỗi lời dạy của Người luôn là kim chỉ nam để lớp lớp CBCS lực lượng Công an không ngừng học tập, noi theo, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân giao phó.

Tác giả: Trần Thắng
Nguồn: Theo cand.com.vn
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu