Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên học sinh, sinh viên, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) đã được Công an thành phố Thanh Hóa phối hợp cùng các trường học trên địa bàn để triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong học đường.
Hiện nay, thành phố Thanh Hóa có 166 cơ sở giáo dục với gần 115 nghìn học sinh từ các cấp mầm non đến cao đẳng, đại học. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Công an thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ sở giáo dục, nhà trường trên địa bàn thành phố đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về ATGT tại các trường học, cơ sở giáo dục.
Theo đó, vào các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, lực lượng Công an đã gắn với các hoạt động như: xem hình ảnh về tai nạn giao thông, trả lời hỏi – đáp về Luật trật tự, ATGT, hướng dẫn ký năng lái xe an toàn, tập đi xe bằng mô hình mô phỏng thực tế, v.v…Đồng thời lồng ghép các nội dung tuyên truyền về Luật trật tự ATGT, cách ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông; các kiến thức pháp luật về phòng, chống ma túy, an ninh mạng, bạo lực học đường, tác hại rượu, bia, thuốc lá; pháo và các tệ nạn xã hội khác có ảnh hưởng trực tiếp tới lứa tuổi học sinh. Mỗi nội dung tuyên truyền đều được liên hệ bằng những hình ảnh thực tế, sinh động để các em dễ tiếp cận, lĩnh hội.
Riêng trong năm 2024, Công an thành phố và Công an các phường, xã đã tuyên truyền gần 200 lượt cho 100% giáo viên và học sinh các trường từ cấp mầm non đến cao đẳng, đại học trên địa bàn.
Thiếu tá Trần Thị Thu Hà, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố chia sẻ: Việc đẩy mạnh công tác tuyên tuyền an toàn giao thông cho học sinh là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho các em. Đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc bảo đảm trật tự ATGT cho học sinh các cấp học. Đối với mỗi lứa tuổi các giáo trình, giáo án lại được thay đổi cho phù hợp để các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Những tình huống giao thông gần gũi với đời thường để từ đó các em có nhận biết, nhận thức tham gia giao thông đúng luật.
Cùng với việc tuyên truyền quy định của pháp luật, các tuyên truyền viên là cán bộ chiến sĩ Công an thành phố Thanh Hóa còn tổ chức hỏi – đáp các câu hỏi dễ nhớ, dễ hiểu gắn với thực tế; tổ chức các trò chơi “học mà chơi, chơi mà học” hay khuyến khích các em học sinh đưa ra những câu hỏi liên quan đến các vấn đề trong thực tiễn. Qua đó, đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống và hình thành ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung; góp phần tích cực vào việc giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý Nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn.
Em Hoàng Nhật Minh, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: Buổi tuyên truyền đã giúp chúng em có nhiều thông tin bổ ích và kiến thức về ATGT, phòng tránh những hành vi vi phạm giao thông và học được cách để xử lý tình huống thường gặp khi tham gia giao thông.
Đồng hành cùng lực lượng công an và ngành giáo dục, các tổ chức đoàn thanh niên cũng đã có những hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT cho học sinh. Hiện nay, 100% các cơ sở đoàn trong trường học đều tổ chức cho học sinh, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông. Nhà trường đã xen kẽ giáo dục pháp luật về ATGT vào các tiết học Giáo dục công dân, nghiêm cấm học sinh không có giấy phép lái xe điều khiển xe gắn máy khi tham gia giao thông; tiến hành cam kết giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường về nghiêm túc chấp hành pháp luật ATGT.
Đặc biệt hiện nay, nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc giám sát, đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mô hình “Trường học ATGT”, trong đó thành phố Thanh Hóa được chọn xây dựng thí điểm mô hình cấp tỉnh tại trường THCS Trần Phú và thí điểm cấp thành phố tại trường Tiểu học Ba Đình, bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Cô giáo Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú cho biết: “Sau gần 2 tháng triển khai mô hình “Trường học ATGT”, tình hình giao thông tại cổng trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp, học sinh và phụ huynh đã có ý thức hơn trong việc dừng, đỗ xe... Các thành viên tham gia mô hình đã tích cực tuyên truyền, vận động cho học sinh, phụ huynh nên nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT có nhiều chuyển biến, thay đổi rõ nét”.
Được biết, năm 2024, Công an TP Thanh Hóa đã xây dựng mới và củng cố kiện toàn được 15 mô hình “Trường học ATGT”. Qua đó, đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự ATGT khu vực trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Sự chủ động trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng không chỉ mang đến những bài học cụ thể về ATGT cho học sinh mà chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, giúp các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, chung tay cùng cộng đồng xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông./.