A- A A+ |

Công an Thanh Hóa tiên phong trong chuyển đổi số

Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thế giới hiện đại, là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc gia. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của chuyển đổi số, lực lượng Công an Thanh Hóa đã chủ động, nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Công an Thanh Hoá được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu của lực lượng Công an toàn quốc trong nhiều nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi số, đồng thời đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chuyển đổi số, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của Công an tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu chung là chuyển đổi số căn bản, toàn diện, đồng bộ các hoạt động của Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương; phát triển môi trường số an toàn hiệu quả phục vụ các hoạt động của Công an tỉnh; chuyển đổi nhận thức, phương pháp làm việc, tận dụng các cơ hội, thành tựu của khoa học công nghệ và sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ số nhằm từng bước số hóa quy trình nghiệp vụ, biện pháp công tác, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có sức chiến đấu cao, vì an ninh Tổ quốc, vì Nhân dân phục vụ.

Với quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Công an, UBND tỉnh, lực lượng Công an toàn tỉnh đã tiên phong, gương mẫu đi đầu trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 gắn với chuyển đổi số trong lực lượng CAND, tập trung chuyển đổi hoạt động lên môi trường số ở các lĩnh vực, từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng để “đón đầu” hội nhập với công cuộc chuyển đổi số, như: Triển khai sử dụng Phần mềm quản lý, điều hành công tác công an ở 100% Công an các đơn vị, địa phương; triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến với 27 đơn vị Công an cấp huyện; tổ chức số hóa hồ sơ, tài liệu để lưu trữ điện tử phục vụ tra cứu, kết nối, chia sẻ dữ liệu trên cơ sở cấu trúc dùng chung; triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ của Công an tỉnh trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ; kết nối và khai thác thành công dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, v.v...

Công an Thanh Hóa thường xuyên quan tâm đào tạo chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyển đổi số, Đề án 06.

  Để chuyển đổi trạng thái từ môi trường làm việc "truyền thống" lên môi trường "điện tử" phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả 74 dịch vụ công trực tuyến trên rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều dịch vụ có tỷ lệ trực tuyến cao, như: Cấp hộ chiểu phổ thông trong nước; thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; đăng ký con dấu…

Đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công có sử dụng thông tin về công dân, nhất là trong thời gian đầu khi triển khai bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan; bố trí máy tính, mạng Internet, triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công an…Bên cạnh đó là triển khai thực hiện cao điểm, đẩy mạnh công tác cấp Căn cước, duy trì cấp tài khoản định danh điện tử, làm sạch dữ liệu dân cư, cập nhật bổ sung từ các nguồn dữ liệu khác làm giàu dữ liệu dân cư; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc làm sạch dữ liệu chuyên ngành và xây dựng hệ sinh thái làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tham mưu triển khai có hiệu quả Luật Căn cước 2023 trên địa bàn toàn tỉnh.

Tháng 7/2021, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do lực lượng Công an xây dựng chính thức đi vào hoạt động và trở thành một trong những bước đột phá đầu tiên về xây dựng công dân số, Chính phủ số. Tại Thanh Hóa đã có hơn 4 triệu dữ liệu dân cư được làm sạch. Ngay sau đó, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia, cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tiêu chí: Hiện đại, đồng bộ, mang tính bảo mật cao. Đến nay, người dân đã có thể thực hiện nhiều loại giao dịch dân sự như: Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kê khai thuế, nộp lệ phí trước bạ… chỉ bằng 1 loại giấy tờ tùy thân duy nhất là Căn cước công dân gắn chip, hoặc ứng dụng định danh điện tử VneID.

Lực lượng Công an Thanh Hóa làm việc với tinh thần làm “xuyên đêm”, “xuyên lễ” cấp căn cước cho công dân.

Đến nay, cơ sở dữ liệu về dân cư cơ bản bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và ngày càng được làm “giàu”, phục vụ quản lý dân cư, tạo nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu phòng chống tội phạm, hoạch định chính sách của Chính phủ, chăm sóc sức khỏe người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt…tạo nền tảng để phát triển Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Nhờ đó, người dân và doanh nghiệp đã được cung cấp nhiều tiện ích trong giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; công khai, minh bạch góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng vặt, phòng chống hiệu quả tội phạm, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, giữ gìn trật tự xã hội, tạo văn minh xã hội.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lực lượng Công an đã tăng cường tuyên truyền, thực hiện phát động và triển khai chiến dịch ra quân “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, tỉnh Thanh Hóa và qua ứng dụng VneID; hướng dẫn thanh toán trực tuyến, hỗ trợ cài đặt VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, tuyên truyền bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng…Thường xuyên đăng tải các thông tin tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06 trên Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh, trở thành địa chỉ trang Web tin cậy với lượt truy cập ngày càng cao.

Công an Thanh Hóa hướng dẫn học sinh sử dụng tiện ích trên VNeID

Với những cố gắng, nỗ lực đó, Công an Thanh Hóa là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện các mô hình do lực lượng Công an chủ trì, phối hợp và 11/11 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 do ngành Công an chủ trì, trong đó hầu hết các dịch vụ công đều đạt trên 95%. Tỉ lệ tiếp nhận trực tuyến hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực những tháng đầu năm đạt trên 94%.

  Với mục tiêu cao nhất là xây dựng Chính phủ điện tử trong Công an nhân dân, và nâng cao năng lực phòng chống tội phạm, nhiều mô hình, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã ra đời giúp cải tiến quy trình, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu suất công việc, góp phần cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, như: Tổ chức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, tố giác, tin báo về tội phạm thông qua ứng dụng di động VNeID; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook chính thống của Công an các đơn vị, địa phương... Qua đó, đã góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong Công an tỉnh.

Năm 2025 sẽ là năm ngành Công an tích cực "chuyển đổi trạng thái" từ môi trường làm việc "truyền thống" lên môi trường "điện tử", do đó, lực lượng Công an Thanh Hóa tiếp tục tập trung thực hiện tái cấu trúc thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm cả thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp và thủ tục hành chính nội bộ của ngành Công an…Với những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số, cùng với Công an cả nước, lực lượng Công an Thanh Hóa đã khẳng định vai trò xung kích, đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo vệ an ninh quốc gia trước những thách thức mới./.


Tác giả: Hà Phương
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu