Những đồng vốn hoàn lương

Thực hiện chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù,Công an huyện Thiệu Hóa và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội  huyện đã và đang phối hợp tích cực triển khai, giúp đối tượng được vay vốn nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định.

“Đời người ai không một lần vấp ngã” nhưng đối với anh Ngô Đức Sáng, thôn Chẩn Xuyên 2, xã Thiệu Ngọc do không biết làm chủ bản thân khiến anh 2 lần vướng phải vòng lao lý. Trở về sau 12 năm chấp hành án khi ở ngưỡng tuổi 50, những ngày đầu tái hoà nhập cộng đồng, mặc cảm, tự ti, cuộc sống khó khăn anh không biết bắt đầu từ đâu, nhưng từ tình thương yêu của người mẹ già, anh quyết tâm sửa sai, làm lại cuộc đời từ chính nơi mình vấp ngã. Vốn biết nghề cơ khí nên khi được tha tù mẹ anh đã vay mượn, mua máy móc để anh làm nghề, phục vụ Nhân dân quanh vùng, ai mượn gì làm nấy. Mới đây anh được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 100 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Không giấu nổi niềm vui khi được thụ hưởng chính sách nhân văn này, anh Sáng cho biết sẽ cải tạo chuồng trại, ruộng vườn để chăn nuôi bò, nuôi lợn, gà và tiếp tục làm nghề cơ khí.

 
  
Công an huyện Thiệu Hóa, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện
 giúp đối tượng được vay vốn nhanh chóng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi

Cũng từng lầm lỡ khi tuổi đời còn trẻ, cách đây 4 năm anh Trịnh Huy Hùng, thôn Thiện Phong, xã Thiệu Ngọc mãn hạn tù trở về địa phương. Do không có vốn sản xuất nên anh đi lái xe tải thuê, còn vợ ở nhà làm ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Là một trong 3 đối tượng chấp hành án phạt tù được xét duyệt vay vốn sản xuất theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, anh Hùng xúc động bởi không chỉ được giúp đỡ đồng vốn đầu tư sản xuất, mà quan trọng anh cảm thấy không bị xã hội kỳ thị, bỏ rơi. Anh Hùng mong muốn những đồng vốn từ quyết định 22 này sẽ đến được với nhiều người từng lầm lỡ để giúp họ tự tin làm ăn, vươn lên trong cuộc sống và đóng góp cho xã hội.

 
 
Có vốn, anh Ngô Đức Sáng, thôn Chẩn Xuyên 2, xã Thiệu Ngọc 
đầu tư mua máy móc, xây dựng chuồng trại để phát triển kinh tế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Theo đó, từ ngày 10/10/2023, hộ gia đình người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đào tạo nghề với mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người và cho vay sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lên đến 100 triệu đồng/người; cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây được xem là cánh cửa để mở ra một cuộc đời mới cho những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Để chính sách sớm đi vào cuộc sống, Công an huyện và Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thiệu Hóa đã tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng theo quy định.Cùng với đó, phối hợp với công an các xã, thị trấn  rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng; trực tiếp đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh thực tế để xét duyệt điều kiện vay vốn và giải ngân kịp thời nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng; phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan kiểm tra, giám sát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích.

 
 
Công an xã Thiệu Ngọc đến tuyên truyền, động viên hộ gia đình được vay vốn 
chấp hành tốt chính sách pháp luật, đầu tư đồng vốn đúng mục đích.

Hiện nay trên địa bàn huyện Thiệu Hóa hiện có 242 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trong thời hạn 5 năm, trong đó đã có 23 hộ gia đình chấp hành tốt các quy định tại địa phương, đủ điều kiện đã được vay với dư nợ 1,2 tỷ đồng thuộc các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hầu hết các hộ được vay vốn đều đầu tư sản xuất, kinh doanh đem lại thu nhập khá, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đầu tháng 11/2023, Phòng giao dịch NHCSXH Thiệu Hoá đã giải ngân vốn vay theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ cho 3 hộ gia đình để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với số tiền 300 triệu đồng.Như vậy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể có ý nghĩa rất quan trọng để người tái hòa nhập cộng đồng được tiếp cận nguồn vốn được kịp thời.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Huy, Trưởng Công an xã Thiệu Ngọc cho biết: Người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương thường phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn như: Mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai... Được vay vốn sẽ giúp họ có việc làm, thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ tái phạm tội trở lại, góp phần bảo đảm ANTT, tạo điều kiện cho họ sớm trở thành người có ích cho xã hội./.

Tác giả: Mai Hà
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu