A- A A+ |

Xử lý nghiêm tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm giao thông

Nghị định 168 được xem là “liều vaccine” hiệu quả, tác động mạnh tới ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Sau hơn 4 tháng áp dụng Nghị định 168, tình hình vi phạm và tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có chuyển biến rõ rệt…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm vẫn còn tồn tại những hành vi vi phạm khá phổ biến, trong đó tình trạng đi xe máy lên vỉa hè, điều khiển phương tiện đi ngược chiều, sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dừng đỗ ô tô sai quy định… vẫn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Hiện nay, theo quy định của Nghị định 168, mức xử phạt đối với hành vi điều khiển xe máy đi lên vỉa hè tăng gấp 10 lần so với Nghị định 100 trước đây. Cụ thể, người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng và trừ 2 điểm giấy phép lái xe.Nghị định 168 cũng quy định rõ, đối với trường hợp điều khiển xe đi qua vỉa hè để vào nhà, cơ quan thì không bị phạt. Ví dụ, người tham gia giao thông muốn vào cửa hàng, cơ quan, nhà ở... thì có thể qua vỉa hè, còn điều khiển xe máy đi dọc vỉa hè như "đường đi" thì sẽ bị xử phạt.

Trên thực tế, vào các giờ cao điểm, nhiều người khi tham gia giao thông thường có thói quen đi lên vỉa hè cho nhanh mà không ý thức được đây là hành vi không chỉ gây nguy hiểm cho người đi bộ mà còn phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, vốn không được thiết kế để dành cho việc lưu thông các phương tiện. Chính vì vậy, Nghị định 168 đã tăng mức phạt đối với hành vi này nhằm răn đe người vi phạm, buộc họ phải tự giác chấp hành để người tham gia giao thông an toàn hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

Tương tự với mức phạt trên, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô, xe gắn máy có hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "cấm đi ngược chiều" và điều khiển xe đi vào đường cao tốc, cũng sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.

Một hành vi khác cũng bị xử phạt nghiêm, đó là hành vi sử dụng ô, thiết bị âm thanh khi điều khiển xe máy. Cụ thể, người lái xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh, xe gắn máy mà sử dụng ô, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, bị xử phạt hành chính từ 800.000 đến 1.000.000 đồng và bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.

Ngoài ra, Nghị định 168 cũng quy định mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe máy vi phạm một trong các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ5 km/h đến dưới 10 km/h; Điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông; Dừng, đỗ xe ở lòng đường gây cản trở giao thông; tụ tập từ 3 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ; Đỗ, để xe ở lòng đường, vỉa hè trái phép;Chở theo 02 người trên xe, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 12 tuổi, người già yếu hoặc người khuyết tật, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ; vv...

Mặc dù mức phạt là rất cao nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm, vô tư điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè

Mặc dù quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy là rất cao, tuy nhiên nhiều người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm. Theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến Đại lộ Lê Lợi, TP.Thanh Hóa vào khung giờ cao điểm, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Đa phần người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành tốt việc cấm lưu thông phương tiện trên vỉa hè, thế nhưng có không ít người thiếu kiên nhẫn, vẫn vô tư điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè với mục đích nhanh chóng thoát khỏi đoạn đường đang ùn ứ. 

Tương tự, tại các tuyến đường khác ở trung tâm TP.Thanh Hóa như: Phan Chu Chinh, Hạc Thành, Trần Phú, ngã tư đường sắt Nguyễn Trãi, đây đều là những tuyến đường thường xuyên có mật độ học sinh và người, phương tiện tham gia giao thông đông, nguy cơ ùn tắc, va chạm giao thông cao, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi đa số người tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông thì cũng có không ít người cố tình vi phạm. Họ vô tư điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp đi lên vỉa hè, bất chấp đây là khoảng không gian chỉ dành cho người đi bộ. Một số khác thì ngang nhiên điều khiển phương tiện mô tô, xe máy tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, luồn lách, tạt đầu phương tiện khác khiến tình trạng giao thông càng trở nên mất trật tự hơn…

Những hành vi vi phạm này sau một thời gian lắng xuống, nay lại tiếp tục tái diễn. Việc Nghị định 168 tăng nặng mức xử phạt hành chính đối với các lỗi vi phạm mang tính chất cố ý, chủ động vi phạm không chỉ góp phần răn đe, cảnh báo đối với các hành vi nhờn luật, vốn tồn tại trong không ít người tham gia giao thông, mà còn góp phần quan trọng để người tham gia giao thông nâng cao ý thức, hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật. Từ đó, tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại và an toàn./.


Tác giả: Văn Thiện
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu