Ông Nguyễn Đình Hương từng đề xuất cách chức bộ trưởng do chính mình đề bạt

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, đã từ trần ngày 3.5. Trong suốt 50 năm làm công tác tổ chức, ông Nguyễn Đình Hương nổi tiếng là người ngay thẳng, trách nhiệm.

Ông Nguyễn Đình Hương

 

"Khi có quyền lực trong tay, người ta rất dễ lạm dụng"

Trong một lần trả lời phỏng vấn Thanh Niên về việc nhiều cán bộ từ những “ngôi sao sáng”, “hạt giống đỏ”, có nhiều thành tích, nhưng sau khi được đề bạt, có chức, có quyền trong tay thì lại tha hóa, có hành vi tiêu cực, tham nhũng, ông Hương kể rằng, bản thân ông đã từng đề xuất Bộ Chính trị cách chức một bộ trưởng do chính ông là người đề bạt.

“Chính tôi cũng bị chấn vấn 1 trường hợp”, ông Hương nói. Theo ông Hương, trường hợp này (ông không muốn nêu tên), do chính ông đề bạt làm bộ trưởng và bản thân ông cũng thấy rất xứng đáng làm bộ trưởng. Sau đó, Bộ Chính trị cũng đồng ý với sự tiến cử này.
“Nhưng sau khi ông ấy lên làm bộ trưởng rồi thì có việc rất nhỏ là giành cái nhà của ông bộ trưởng khác, mà là một ông bộ trưởng có tên tuổi. Tôi đã khuyên ông ấy nhưng không được. Ông ấy bảo vợ ông ấy đã quyết rồi, ông ấy không trở lại nhà cũ nữa. Bắt buộc tôi đề nghị Bộ Chính trị cho thôi chức ông ấy. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Linh là Tổng bí thư rất đồng ý với tôi”, ông Hương kể.
Tuy nhiên, theo lời ông Hương, khi ông đề nghị Bộ Chính trị cách chức vị bộ trưởng nọ vì việc giành nhà, 1 ủy viên Bộ Chính trị đã đặt câu hỏi: “Cũng con người đó, 2 năm trước chính anh là người đề bạt họ làm bộ trưởng với những thành tích như thế. Bây giờ 2 năm làm bộ trưởng, anh lại đề nghị cách chức anh ta. Tại sao?”.
Không đề cập câu trả lời với chất vấn trên của vị ủy viên Bộ Chính trị với mình, ông Hương khi ấy đã chia sẻ: “Một khi anh có quyền lực trong tay thì việc lạm dụng quyền lực rất dễ xảy ra. Có nhiều người có thành tích, thậm chí là anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, nhưng đến khi có quyền lực rồi, có cơ hội rồi thì rất dễ lạm quyền, vụ lợi. Chẳng vì thế mà ngay từ năm 1947, chỉ 2 năm sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra câu chuyện về sửa đổi lề lối làm việc, trong đó đã nhắc nhở hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, quan chức”, ông Hương nói.

"Chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu trong hồ sơ là có nhà lầu, xe hơi, nhưng mình đã không làm"

Ông Hương kể, trong hơn 55 năm làm công tác tổ chức, với tư cách là Trưởng Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, ông đã làm rất nhiều vụ việc, trong đó có những việc liên quan không chỉ ủy viên T.Ư mà cả ủy viên Bộ Chính trị.
Ông kể, một lần, ngay trước thềm Đại hội Đảng, ông được Bộ Chính trị, trực tiếp là cố Tổng bí thư Đỗ Mười, giao cho đi xác minh vụ việc 1 uỷ viên Bộ Chính trị bị tố cáo trong thời gian bị địch bắt, ông này đã khai báo với địch làm nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt. Đó là nhiệm vụ khó khăn đối với ông và chỉ một mình ông bí mật đi điều tra, xác minh. Kết quả sau khi xác minh, uỷ viên Bộ Chính trị này bị khai trừ khỏi Đảng, cách hết các chức vụ.

Ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ trong buổi ra mắt sách năm 2019

 

Theo ông Hương, trong những vụ việc như vậy, "chỉ một mình mình làm, chỉ một mình mình biết. Chỉ cần bỏ đi vài trang tài liệu trong hồ sơ là ông có nhà lầu, xe hơi, nhưng mình đã không làm". Ngay thẳng, làm đúng, làm hết trách nhiệm là điều ông luôn tâm niệm trong “nghề” tổ chức cán bộ của mình hơn 50 năm, qua nhiều đời trưởng ban Tổ chức T.Ư.
Một lần khác, nói về công tác tổ chức cán bộ, ông Hương chia sẻ rằng, công tác tổ chức cán bộ hiện nay có điều “buồn cười” là “trước đây thì chúng tôi đi tìm cán bộ, tìm nhân tài, còn bây giờ thì nhân tài lại phải đi tìm cán bộ tổ chức để yêu cầu, đề nghị rồi mơn trớn, phong bì, bôi trơn tổ chức”. Vì họ biết rằng tổ chức là cơ quan siêu quyền lực, phải "đi tìm" thì mới được để ý để đề bạt, thăng chức.
Theo ông Hương, hiện nay, thường phải là ủy viên T.Ư mới được làm bộ trưởng, tỉnh ủy viên mới "được" làm giám đốc sở, nên mới sinh ra chuyện “chạy”.
“Họ chạy được vào T.Ư để làm bộ trưởng, chạy vào tỉnh ủy để làm giám đốc sở. Công tác cán bộ trước đây không như thế. Bác Hồ chỉ đạo không nhất thiết bộ trưởng phải là ủy viên T.Ư. Bác chọn những người ngoài Đảng làm bộ trưởng và đã có rất nhiều bộ trưởng giỏi từ ông Nghiêm Xuân Yêm (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp), Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Văn hóa)...”, ông Hương chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-nguyen-dinh-huong-tung-de-xuat-cach-chuc-bo-truong-do-chinh-minh-de-bat-1219296.html
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu