A- A A+ |

Dân công trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, Đảng ta chủ trương huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó, lực lượng dân công đã được huy động với số lượng đông đảo và có những đóng góp quan trọng.

Theo kế hoạch tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ do Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 6-12-1953, tổng quân số tham gia chiến dịch dự kiến khoảng 42.750 người (1). Khối lượng vật chất phải bảo đảm gồm 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm khô, 434 tấn đạn (2).

Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển, phục vụ chiến trường, phải huy động số nhân lực, vật lực lớn, trong đó số dân công phải huy động từ trung tuyến trở lên (đoạn từ Sơn La lên Điện Biên) khoảng 14.500 người.

Tuy nhiên, khi công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến đấu theo phương án “đánh nhanh, giải quyết nhanh” cơ bản hoàn thành thì ngày 26-1-1954, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Do quy mô sử dụng binh lực và các loại phương tiện thay đổi, yêu cầu bảo đảm các mặt tăng gấp nhiều lần so với kế hoạch tác chiến ban đầu, nên việc huy động nguồn lực dân công và sự đóng góp của lực lượng dân công cũng có nhiều thay đổi. Tổng số dân công được huy động sau thay đổi phương châm tác chiến khoảng hơn 30.000 người. (1)

Vượt lên tất cả những khó khăn, ác liệt đó, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, lực lượng dân công được huy động phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đã nỗ lực làm nhiều con đường vận chuyển pháo bằng ô tô vào trận địa qua những địa hình rừng núi cực kỳ hiểm trở; tham gia sửa chữa, gia cố lại các tuyến đường sụt lún, lầy lội do quá trình vận chuyển, mưa lũ hoặc do địch đánh phá gây ra. Mặc dù vận chuyển cơ giới là chính, nhưng lực lượng bốc dỡ, làm đường cho xe ra vào các kho trạm đều phải huy động dân công.

Theo thống kê, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ của dân công được huy động lên tới 20.000 xe, vận chuyển được 1/3 trọng tải toàn chiến dịch. Mỗi xe đạp thồ lúc đầu chở được 100kg sau nâng lên từ 200 đến 300kg. Năng suất xe đạp thồ gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ; gạo ăn đường cho người chuyên chở giảm đi 10 lần. Hàng nghìn nữ dân công các tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Thanh Hóa đã đóng trên 11.600 bè nứa và dùng thuyền độc mộc vận chuyển gạo về thị xã Lai Châu, từ đây, hàng nghìn xe đạp thồ, ngựa thồ chuyển tới Điện Biên Phủ.

Ngay tại hỏa tuyến, đồng bào Điện Biên gấp rút huy động 3.000 người đi dân công, đóng góp 64.670 ngày công phục vụ tiền tuyến; trong lúc đó, hậu phương tại chỗ khu Tây Bắc huy động 31.818 dân công. Liên khu Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến của cả nước cũng kịp thời cung cấp cho Mặt trận 36.519 lượt dân công. Trong vùng địch hậu xa chiến trường Điện Biên Phủ, nhân dân tỉnh Kiến An đã đóng góp 230.294 ngày công.

Tại vùng tạm chiếm thuộc các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào ta đã cung cấp, vận chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc và đóng góp 7,5 triệu ngày công đi dân công (1). Tính chung toàn chiến dịch, nhân dân ta đã đóng góp 261.453 lượt dân công với 18.301.570 ngày công, 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau, 20.911 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng. Chỉ tính riêng số vật phẩm đưa tới mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 656 tấn thức ăn khô. Riêng đồng bào Tây Bắc đã đóng góp được 7.360 tấn gạo, chiếm gần 50% lượng gạo sử dụng tại Mặt trận và 27% lượng gạo chuẩn bị cho chiến dịch, 389 tấn thịt, 700 - 800 tấn rau xanh.

Gạo viện trợ của Trung Quốc là 1.700 tấn (do các nữ dân công Phú Thọ chở bằng mảng từ biên giới Việt - Trung vượt 102 thác ghềnh hiểm trở theo dòng Nậm Na về Lai Châu), chiếm 6,8% tổng số gạo huy động. Quân dân Lào chi viện 310 tấn. Các tỉnh hậu phương (chủ yếu là Thanh Hóa) đóng góp 15.742 tấn, chiếm 63% số gạo được huy động (2).

Từ kết quả huy động và phát huy vai trò to lớn của lực lượng dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách nay 70 năm, chúng ta cần thực hiện tốt:

Thứ nhất, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, có nhiều hình thức vận động phù hợp để nhân dân tham gia ủng hộ, đóng góp

Truyền thống yêu nước là một di sản quý báu của dân tộc được hình thành, củng cố, phát huy mạnh mẽ qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; tạo ra sức mạnh vô địch bảo vệ sự trường tồn của quốc gia dân tộc. Phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp cổ vũ động viên sáng tạo và thuyết phục… nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, trong đó huy động dân công là hình thức sáng tạo và phù hợp.

Trong giai đoạn hiện nay, việc chăm lo bồi dưỡng sức dân, luôn biết khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước của toàn dân, kịp thời đề ra các biện pháp vận động phù hợp để có thể huy động tối đa được sức dân là một vấn đề chiến lược lớn. Bởi có bồi dưỡng sức dân thì “dân có giàu, nước mới mạnh”, tạo nền tảng vững chắc khi cần huy động. Toàn dân ta phải cùng chung tay phát triển mạnh mẽ kinh tế, văn hóa, xã hội… để tạo nên cái “cốt” vật chất và sức mạnh chính trị tinh thần.

Thứ hai, quán triệt và thực hiện nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đất nước

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân ta quyết tâm “đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ, làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Đông Xuân 1953-1954, chi viện cho quân đội giết giặc… Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân” (1). Hơn 26 vạn lượt dân công đã được huy động ngày đêm vận chuyển gạo, đạn, làm đường, gùi thồ một khối lượng vật chất khổng lồ ra trận trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Nỗ lực đó góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang tại Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Geneve, tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong bối cảnh khoa học công nghệ quân sự phát triển mạnh mẽ, vũ khí trang bị với trí tuệ nhân tạo giữ vai trò và chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng con người vẫn là chủ thể, bài học về huy động nhân lực vẫn còn nguyên giá trị. Những năm qua, Đảng ta nỗ lực đề ra và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách lớn nhằm huy động toàn dân tộc vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” (2). Tuy nhiên, việc quán triệt và vận dụng cần linh hoạt và được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả hơn nữa. Có như vậy, mới tạo được động lực mạnh mẽ, thúc đẩy ý chí quyết tâm và hành động đối với mỗi công dân khi Tổ quốc cần và nếu chiến tranh xảy ra.

Thứ ba, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xem đây là giá trị cốt lõi của chiến lược huy động nhân lực

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã sáng tỏ, mất đoàn kết sẽ dẫn đến nguy cơ mất nước, mất chế độ; mất đoàn kết thì chính quyền không còn là ngọn cờ tiêu biểu, quy tụ, tập hợp được lực lượng và không được nhân dân ủng hộ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã chủ động đề ra và nhất quán thực hiện nhiều chủ trương, chính sách củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc nên đã huy động tối đa được mọi nguồn lực của toàn xã hội trong điều kiện, bối cảnh tình hình chiến tranh diễn ra khốc liệt, kéo dài. Lực lượng dân công, theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, đã nhanh chóng được tập hợp và phát huy vai trò to lớn suốt thời gian trước và trong chiến dịch.

Hiện nay, trong điều kiện tác chiến mới, chiến tranh tổng lực có thể xảy ra, việc động viên, huy động kịp thời mọi nguồn lực đáp ứng nhu cầu to lớn của cuộc chiến tranh hoặc cho các nhiệm vụ chiến lược quan trọng khác là một vấn đề vô cùng hệ trọng, cấp thiết. Đại đoàn kết toàn dân tộc vừa là động lực vừa là nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc được khối đại đoàn kết thống nhất toàn dân tộc mới tạo ra nền tảng và động lực phát huy sức mạnh tổng hợp.

Từ việc nhìn lại quá trình huy động, phát huy lực lượng dân công, góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước, chúng ta khẳng định đây là một bài học quý báu về huy động nhân lực không chỉ trong quá khứ mà còn có giá trị to lớn trong thời đại ngày nay. Thấu triệt và vận dụng sáng tạo bài học này sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

1 Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập VI, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Kháng chiến kết thúc thắng lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2016, tr.111.

2 Bộ Quốc phòng -Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập VI, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, Kháng chiến kết thúc thắng lợi, Sđd, tr.139.

1 . Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập V, Nxb QĐND, Hà Nội, 1992, tr.179.

(1) . Ban Khoa học xã hội Việt Nam - Viện Sử học, Mấy vấn đề về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.99.

(2) . Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy Điên Biên, Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2014, tr.132-133.

(1) . Võ Nguyên Giáp, Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb QĐND, Hà Nội, 1974, tr.158-159.

(2) . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.147.


Tác giả: ANTV
Nguồn: Truyền hình CAND
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu