A- A A+ |

Sự kiện số 58: Mô hình "Camera với an ninh trật tự" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Từ những camera trên các tuyến đường, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa có nhiều vụ trộm cắp tài sản, vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đã triển khai Đề án mô hình camera an ninh giám sát tại cộng đồng, chỉ đạo thực hiện thí điểm tại phường Điện Biên và phường Đông Thọ - đây là hai phường trung tâm có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, lưu lượng người tham gia giao thông cao trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho hai phường làm chủ đầu tư lắp đặt gần 70 mắt camera trên các tuyến đường trọng điểm; hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục 24 giờ/ngày đã giúp các lực lượng chức năng theo dõi được đối tượng, phương tiện đi qua vùng giám sát, dễ dàng tra cứu, nắm bắt được tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Năm 2016, mô hình camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông được triển khai ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia; đến cuối năm 2016, trên địa bàn xã đã có 179 gia đình, doanh nghiệp, đơn vị lắp đặt camera giám sát. Chính quyền địa phương cũng trích ngân sách để lắp đặt camera ở các ngã ba, ngã tư; những điểm phức tạp về an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Xã Hải Châu huyện Tĩnh Gia có tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam chạy qua, trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở mua bán hàng hóa, hải sản, đây cũng là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự, trật tự an toàn giao thông. Đầu năm 2017, Công an xã Hải Châu đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã vận động các cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tự nguyện đóng kinh phí để lắp đặt hệ thống camera an ninh tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người, các địa bàn trọng điểm phức tạp bảo đảm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trật tự an toàn giao thông. Sau 5 tháng đưa vào thử nghiệm, trên địa bàn xã đã có 42 hộ lắp hệ thống camera an ninh.

Toàn bộ hệ thống camera giám sát an ninh này đều được truyền trực tiếp qua máy chủ đặt tại phòng trực ban của Công an xã, phường. Khi phát hiện có biểu hiện nghi vấn hoặc các hành vi vi phạm pháp luật, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời. Camera giám sát an ninh là công cụ hỗ trợ đắc lực của lực lượng Công an trong việc truy tìm đối tượng vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm.

Đến năm 2019, Đông Sơn là đơn vị cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai xây dựng mô hình “Camera với an ninh trật tự”. Qua thực tiễn hoạt động của mô hình tại các địa bàn, tình hình an ninh trật tự đã có những chuyển biết rõ rệt, tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác của quần chúng Nhân dân trong việc chấp hành pháp luật đã được nâng cao; mô hình đã phát huy hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong quần chúng Nhân dân.

Năm 2020, Công an huyện Đông Sơn tham mưu Ban Chỉ đạo 138 huyện tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình “Camera với an ninh, trật tự” trên địa bàn huyện Đông Sơn, giai đoạn 2018 - 2020. Tại hội nghị lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, đánh giá cao và thông báo kinh nghiệm triển khai mô hình trên toàn quốc.

 

Từ năm 2016 đến tháng 3/2021, toàn tỉnh có 56 mô hình được xây dựng, ra mắt tại 17 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn, Nga Sơn, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Nông Cống, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Quảng Xương, Như Xuân, Yên Định, Triệu Sơn). Từ thực tiễn cho thấy, hiệu quả mô hình “Camera với an ninh, trật tự” là minh chứng của việc ứng dụng, sử dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lực lượng Công an trong nắm tình hình địa bàn, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, điều tra khám phá các vụ án, bảo vệ tài sản và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác công an là một xu hướng tất yếu.

Xuất phát từ thực tiễn đó, ngày 19/4/2021, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành Công văn số 5036/BCĐ138 về chỉ đạo xây dựng, nhân rộng mô hình “Camera với an ninh, trật tự” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trên các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện và giải quyết ổn định các vụ việc về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở, không để bị động, bất ngờ, hình thành “điểm nóng”; bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn, công trình, mục tiêu, dự án trọng điểm của tỉnh; kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, cháy nổ…; đồng thời tạo bước chuyển biến cơ bản về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp và Nhân dân trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Công an các cấp triển khai nhiệm vụ điều tra cơ bản số camera hiện có trên địa bàn; chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, triển khai xây dựng, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác xây dựng mô hình “Camera với an ninh, trật tự” gắn với công tác xây dựng nông thôn mới. Đây là tiêu chí để công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm, có sự lồng ghép, phối hợp linh hoạt các hình thức khác nhau như: thông qua phóng sự; các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh; thông qua các buổi giao ban, cuộc họp định kỳ, họp dân; thư ngỏ và đặc biệt qua mạng xã hội, zalo, facebook… đến tận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền, mục đích, ý nghĩa của mô hình “Camera với an ninh, trật tự” trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm phạm pháp luật khác góp phần bảo đảm bình yên trong Nhân dân; tuyên truyền về các vụ án điển hình, số liệu xử lý vi phạm an toàn giao thông, trật tự công cộng thông qua camera an ninh mà lực lượng Công an trích xuất; vận động Nhân dân, các cơ quan, doanh nghiệp tự trang bị, lắp đặt camera giám sát an ninh để tự bảo vệ tài sản và phục vụ nhu cầu trích xuất hình ảnh, dữ liệu khi có yêu cầu của lực lượng Công an; tuyên truyền, vận động Nhân dân, những người con xa quê hương, các tổ chức doanh nghiệp đóng góp kinh phí để xây dựng mô hình, lắp đặt hệ thống camera phủ khắp tại các tuyến đường huyết mạch, nút giao thông, điểm họp chợ… và ủng hộ hệ thống wifi, điện chiếu sáng để bảo đảm hệ thống camera được hoạt động thường xuyên, thông suốt. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2023, trên toàn tỉnh biên tập gần 12.000 tin, bài, clip và copy, chia sẻ trên 65.000 lượt tin, bài, clip; với gần 11 triệu lượt tương tác (like, share, comment, view) về công tác phòng chống tội phạm nói chung, công tác xây dựng mô hình điển hình tiên tiến nói riêng trong đó có nội dung mô hình “Camera với an ninh, trật tự” trong xây dựng nông thôn mới.

Tính đến năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp và huy động Nhân dân, cá nhân, tập thể các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp với tổng số tiền 97.695.985.0000 đồng; trong đó, cấp ủy, chính quyền quan tâm chú trọng xây dựng Đề án và điều kiện bảo đảm hoạt động của mô hình với tổng kinh phí 72.169.603.000 đồng; kinh phí đóng góp của người dân và ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp là 25.526.382.000 đồng. Trên địa bàn tỉnh đã có 332 mô hình “Camera với an ninh, trật tự” với tổng số 14.053 mắt camera được lắp đặt, quản lý tại trụ sở Công an các đơn vị; hằng năm bổ sung trên 500 mắt camera; đã được triển khai tại 26/27 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Mường Lát). Lực lượng Công an các cấp đã tổ chức tuyên truyền vận động cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục và Nhân dân chủ động lắp đặt 122.255 mắt camera phục vụ bảo vệ tài sản và quá trình trích xuất của lực lượng Công an khi có yêu cầu.

Thông qua việc theo dõi, khai thác hình ảnh qua hệ thống màn hình hiển thị tại cơ quan, đơn vị giúp lực lượng Công an phát hiện nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó triển khai lực lượng, biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Hiệu quả mô hình thể hiện cụ thể, rõ rệt ở sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh, các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, các vụ phạm pháp hình sự giảm dần qua các năm. Mô hình “Camera với an ninh, trật tự” đóng vai trò quan trọng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; từ hình ảnh, dữ liệu lưu giữ của camera giúp cơ quan chức năng nhận định, đánh giá đúng về đối tượng phạm tội, qua đó để tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra; phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt đối tượng; xử lý chính xác các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Đặc biệt là các vụ việc về giết người, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tai nạn giao thông, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, ô nhiễm môi trường… Từ 2021 đến năm 2023, lực lượng Công an các cấp đã tiến hành 12.293 lượt trích xuất hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác điều tra, khám phá các vụ án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; xác minh, làm rõ 2.160 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, góp phần tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 78,8%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,4% và án giết người đạt 100%; trong đó có 505 vụ trộm cắp tài sản; 406 vụ cố ý gây thương tích; 664 vụ va chạm giao thông; xử lý phạt nguội hàng nghìn trường hợp; 171 vụ gây rối trật tự công cộng và 414 vụ vi phạm pháp luật khác.

Mô hình “Camera với an ninh, trật tự” đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; hệ thống camera giám sát an ninh là “tai, mắt”, “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an, giúp khám phá kịp thời các vụ phạm pháp hình sự, quản lý tốt địa bàn dân cư; từ các hình ảnh ghi lại giúp lực lượng Công an thu thập nội dung diễn biến các vụ việc để làm căn cứ tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Nguồn “Báo cáo sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình “Camera với an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023” của Công an tỉnh Thanh Hóa


Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu