A- A A+ |

BẢN TIN AN TOÀN GIAO THÔNG (Từ ngày 15/04/2019 đến ngày 30/04/2019)

BẢN TIN AN TOÀN GIAO THÔNG
(Từ ngày 15/04/2019 đến ngày 30/04/2019)

 

I. MỘT SỐ TÌNH HÌNH CÓ LIÊN QUAN.

Sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang là tình trạng phổ biến, được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông và là nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Nghị quyết 88/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Chính phủ đã chọn “Tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia” là giải pháp trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian qua đã có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản khiến dư luận bức xúc và gây tâm lý lo lắng trong xã hội điển hình như tại các địa phương: Long An, Hải Dương, Hà Nội, Bình Định, Vĩnh Phúc… nguyên nhân của các vụ tai nạn trên đều do người điều khiển phương tiện sử dụng: bia, rượu, ma túy và các chất kích thích khác khi tham gia giao thông. 

Việc sử dụng các chất kích thích trước và trong khi tham gia giao thông sẽ khiến người điều khiển phương tiện dễ bốc đồng chạy xe tốc độ cao, lạng lách, hạn chế tầm nhìn, thiếu tập trung, gây cảm giác lâng lâng buồn ngủ, cơ thể mệt mỏi, mất tỉnh táo, không làm chủ được tay lái, phản ứng chậm hoặc mất phản xạ, do đó say rượu bia thường có liên quan mật thiết với việc vi phạm tốc độ, tránh vượt sai quy định, đi sai phần đường… sẽ rất nguy hiểm và dễ dàng xảy ra tai nạn giao thông. 

Luật giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở… Đồng thời, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng đối với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những lái xe vi phạm sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, đồng thời cũng tăng chế tài xử phạt hành chính cũng như hình phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm này, tuy nhiên tình trạng người tham gia giao thông vi phạm đối với hành vi này đang còn khá phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông. 

Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội, mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bản thân và người khác khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện không nên sử dụng đồ uống có cồn, chất ma túy khi tham gia giao thông, không lái xe khi cơ thể mệt mỏi.

II. TÌNH HÌNH TTATGT.

1.Tình hình TNGT đường bộ: Xảy ra 13 vụ, làm chết 13 người, bị thương 06 người. Cụ thể các địa bàn xảy ra tai nạn đó là: 

- Tĩnh Gia: Xảy ra 03 vụ, làm chết 03 người, bị thương 02 người.

- Hậu Lộc: Xảy ra 02 vụ, làm chết 02 người, bị thương 01 người.

- Hà Trung: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người, bị thương 02 người.

- Cẩm Thủy: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người, bị thương 01 người.

- TP. Thanh Hóa: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Bá Thước: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Thọ Xuân: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Thạch Thành: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Hoằng Hóa: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

- Bỉm Sơn: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

Các vụ tai nạn giao thông xảy ra tập trung trên các tuyến khu vực nội thị, đường liên xã, tỉnh lộ, QL1A, QL47, QL10, QL45,.. Đối tượng gây tai nạn là người điều khiển xe ôtô, môtô, xe máy điện, người bộ hành. Nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, vượt xe không đúng quy định.

* Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 18/4/2019, tại đường liên thôn, thuộc địa phận thôn Đồng Thị, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung.

Vào hồi 16h30’ ngày 18/4/2019, tại đường liên thôn, thuộc địa phận thôn Đồng Thị, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải BKS: 36C-155.17 do anh Trương Văn Sơn, SN: 1992, thường trú tại thôn 4, xã Thạch Định, huyện Thạch Thành điều khiển đang lùi xe theo hướng UBND xã Hà Vinh đi TX. Bỉm Sơn va chạm với xe mô tô đi ngược chiều BKS: 36P5-399.11 do chị Vũ Thị Hiền, Sn: 1979, thường trú tai xã Hà Vinh, huyện Hà Trung trên xe có chở theo 2 cháu là Vũ Văn Thiêm, Sn: 2013 và cháu Trần Thị Trang, Sn: 2013 ở cùng địa chỉ với chị Hiền.

Hậu quả: cháu Vũ Văn Thiêm chết trên đường đi cấp cứu, chị Vũ Thị Hiền và cháu Trần Thị Trang bị thương nặng.

Nguyên nhân: Lái xe ô tô tải BKS: 36C-155.17 lùi xe không chú ý quan sát.

2. Tình hình TNGT đường sắt: Xảy ra 01 vụ, làm chết 01 người.

Hồi 23h ngày 27/4/2019 tại Km 137+600 thuộc địa phận phường Bắc Sơn, TX. Bỉm Sơn xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa tàu SE19 với người bộ hành qua đường là Bùi Văn Sơn, Sn: 1995, thường trú tại thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long, huyện Hà Trung.

Hậu quả: Bùi Văn Sơn chết tại chỗ.

Nguyên nhân: Người đi bộ thiếu chú ý quan sát.

3. Tình hình TNGT đường thủy: Không xảy ra.

III. CÔNG TÁC TTKS, XỬ LÝ VI PHẠM TTATGT.

- Lực lượng CSGT-CSTT-CĐ toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 2.783 t/h vi phạm  các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Trong đó:

+ Đường bộ: Xử lý lập biên bản 2.775t/h (1.113 t/h xe ôtô, 1.648 t/h xe mô tô, 02 t/h xe máy điện, phương tiện khác 12 t/h); phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 2.448.425.000đ (Hai tỉ, bốn trăm bốn tám triệu, bốn trăm năm mươi lăm nghìn đồng); tạm giữ 305 phương tiện (80 t/h ôtô, 222 t/h môtô, phương tiện khác 03 t/h); tước GPLX 137 trường hợp.

+ Đường thủy: Xử lý lập biên bản 08 t/h; phạt tiền nộp kho bạc nhà nước 20.000.000đ.

IV. TRÍCH DẪN NGHỊ ĐỊNH 46/2016/NĐ-CP

          …

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm a Khoản 5 Điều 5).

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm b Khoản 8 Điều 5).

- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm a Khoản 9 Điều 5).

- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (Khoản 11 Điều 5).

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy:

-  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Khoản 6 Điều 6).

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy, nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 8 Điều 6).

- Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy (Khoản 11 Điều 6).

Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng:

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (Điểm c Khoản 4 Điều 7).

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm a Khoản 6 Điều 7).

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Điểm a Khoản 7 Điều 7).

Đề nghị Công an các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở Bản tin này kết hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông, vi phạm, tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý tiến hành biên tập xây dựng Bản tin an toàn giao thông và phối hợp với cơ quan thông tin, truyền thanh địa phương, hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở để tuyên truyền.

 


Tác giả: Thanh Quyết
Nguồn: conganthanhhoa.vn
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu