A- A A+ |

CẢNH BÁO NGUY HIỂM TỪ VIỆC THẢ RÔNG GIA SÚC TRÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG

          Thời gian gần đây, trên một số tuyến đường giao thông (Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ) chạy qua địa bàn TP. Thanh Hoá, các huyện Quảng Xương, Triệu Sơn, Hoằng Hoá… tình trạng thả rông gia súc (Trâu, Bò) đi trên đường giao thông đã và đang gây ra nhiều bức xúc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết trời mưa.

               Việc thả rông gia súc, gia cầm lớn trên đường là điều vô cùng nguy hiểm đối với người tham gia giao thông và cả với chính vật nuôi đó. Người dân do nuôi với số lượng lớn, nên việc kiểm soát được đàn gia súc là rất khó khăn. Mặt khác, người chăn thả cũng thường lơ là trong việc quản lý vật nuôi của mình nên nhiều trường hợp đàn gia súc (trâu, bò) tràn ra đường gây ách tắc giao thông, nhưng họ vẫn cứ “vô tư”, không có động thái khắc phục. Hầu hết trong những trường hợp đó, do đàn gia súc quá đông, từ xe máy cho đến ô tô buộc phải “nhường quyền ưu tiên” cho chúng qua đường rồi mới dám đi. Có lúc, chúng thản nhiên băng qua đường mặc cho các loại phương tiện bóp còi inh ỏi. Nhiều tài xế sốt ruột, bóp lớn còi xe khiến đàn trâu bò giật mình bỏ chạy, tạo nên khung cảnh hỗn loạn và rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Những đàn gia súc thong thả trên đường thường xuyên trở thành “chướng ngại vật” rất khó chịu cho người tham gia giao thông. Thêm vào đó là việc những chú trâu, bò này vô tư “xả thải” xuống đường gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đường phố. Không ít người điều khiển phương tiện từng bị ngã xe bởi nguyên nhân những gia súc, gia cầm thả rông, băng ngang qua đường. Khi đó, họ cũng chỉ biết ngậm ngùi cố gắng đứng dậy rồi đi tiếp vì không biết chủ nhân của đàn gia súc đó là ai.

Vấn đề gia súc, gia cầm thả rông trên đường gây không ít phiền toái như tai nạn, ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan của phố phường, đô thị. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có biện pháp hữu hiệu hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Một thực tế là mặc dù pháp luật đã có quy định về việc người dẫn dắt súc vật khi đi trên đường bộ phải có các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh đường phố nhưng thực trạng là các chủ vật nuôi không biết hoặc có biết cũng chưa tuân thủ.

* Điều 10 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ về xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

- Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố; điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông; để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển.

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ.

- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.

* Trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm. Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 03 đến 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

          Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Thanh Hoá tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên những tuyến Quốc lộ được phân cấp, đồng thời yêu cầu lực lượng Cảnh sát Giao thông – Trật tự Công an các huyện, thị xã, thành phố và lực lượng Công an các xã, phường, thị trấn phụ trách các địa bàn có các chủ chăn nuôi gia súc thường xuyên để Trâu, Bò qua lại trên đường giao thông phải tham mưu kịp thời cho Cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật ATGT không thả rông súc vật ra đường hay nơi công cộng, tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thông báo bằng văn bản và cho các gia đình, hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn cam kết “không thả rông gia súc” và không để cho gia súc đi lại trên các tuyến đường giao thông.

Với thực tế hạ tầng giao thông như hiện nay, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần có ý thức nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình bằng cách phải tập trung, chú ý quan sát, kịp thời phán đoán xử lý tình huống xảy ra, không được phóng nhanh, làm chủ tốc độ, tránh để xảy ra tai nạn giao thông và những hậu quả đáng tiếc khác xảy ra khi gặp gia súc qua đường./.


Tác giả: Trần Văn Thọ - PC08
Tin liên quan
Thăm dò ý kiến
noData
Không có dữ liệu